Đừng để quá muộn

08/05/2013 - 17:11

PNO - PN - Là nạn nhân hay thủ phạm, khi sa vào cơn ghen cuồng, sẽ chẳng ai thấy tình yêu hay hạnh phúc thăng hoa thêm. Tỉnh táo chọn cho mình lối thoát, để bảo vệ danh dự, sức khỏe và cả mạng sống là điều cần làm khi cuộc sống bị...

● Chị L.T.V. (P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM): “Em tôi là nạn nhân của sự mê muội”

Cách đây ba năm, tôi thuê một căn nhà, đón cha mẹ, em gái ở quê lên làm ăn, sinh sống. Nhà rộng, tôi ngăn một phần cho thuê. Trong số những khách thuê, có L., làm thợ xây, đem lòng yêu thương Trúc - em gái tôi. Thời gian đầu, biết L. có vợ con ở quê nên Trúc né tránh. Không ngờ, sau đó Trúc cũng yêu L. Gia đình ngăn cản, Trúc nhiều lần theo L. dọn ra ngoài sống. Bị bắt về, năm lần bảy lượt Trúc đòi chết, bỏ ăn, bỏ ngủ. Ba mẹ tôi phải thay nhau canh chừng Trúc, cuối cùng, Trúc trốn được ra ngoài sống với L. Gia đình bất lực, bỏ mặc. Một năm sau, Trúc bụng mang dạ chửa về xin gia đình cưu mang. L. cũng thường xuyên lui tới thăm mẹ con Trúc.

Vợ L. ở quê biết chuyện. Từ Cần Thơ, chị bồng con trai bốn tuổi lên TP.HCM ở với L. Sau nhiều lần cãi vã, vợ L. tự ra ngoài thuê trọ. Thời gian khổ sở của em gái tôi cũng bắt đầu từ đây. Vợ L. theo dõi, biết được nơi chúng tôi sống, một buổi trưa, chị bất ngờ lao vào nhà. Thấy Trúc chăm con nhỏ, chị nhào đến đạp ngã em gái tôi vào tường, miệng la lối, chửi bới. Hôm đó cả nhà tôi đi vắng, may nhờ những người ở trọ can thiệp kịp thời. Sau lần đó, vợ L. thường xuyên… bất ngờ xuất hiện và ra tay đánh ghen. Thấy ồn ào, khách trọ bỏ đi, chủ nhà đòi nhà. Chúng tôi phải tìm một phòng trọ khác.

Sợ chuyện lại tiếp tục, ba mẹ tôi kiên quyết không cho L. đến thăm mẹ con Trúc. L. tỏ vẻ đau khổ, cho biết chỉ coi Trúc là… vợ! Trúc năn nỉ gia đình, đòi sống chết nếu gia đình cấm cản. Không lâu sau, vợ L. lại phát hiện chỗ mới của chúng tôi. Một hôm, chị lẻn đến, cầm gạch ném thẳng vào con của Trúc. May mà em gái tôi kịp nhoài người che chở cho con.

Hai năm, tổng cộng sáu lần chúng tôi phải chuyển chỗ trọ do bị chủ nhà đuổi. Nhưng, đi đâu, ở đâu cũng đều bị vợ L. tìm ra và luôn bất ngờ “tấn công”. Chị ta cứ canh những lúc nhà vắng người, xông vào nhà ném đá lên người đứa trẻ. Che chắn cho con, mấy lần Trúc phải nhập viện khâu vết thương. Điều khó khăn là không ai biết nơi vợ L. ở để có thể trình báo, điều tra. Chúng tôi cố khuyên can Trúc nhưng Trúc vẫn mê muội đòi sống chết nếu phải xa L. Mới đây, Trúc đã bỏ trốn theo L.

 Dung de qua muon

● Chị Nguyễn Thị H. (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước): “Giá như tôi biết điểm dừng”

Năm rời Tiền Giang lên Hớn Quản, Bình Phước kiếm việc làm, tôi 28 tuổi. Dang dở, gánh nặng hai con và mẹ già luôn đau yếu khiến tôi chọn một nghề ít người phụ nữ nào muốn dấn thân: bán cà phê ôm. Như những “đồng nghiệp” khác, tôi có những khách quen, khách riêng của mình. Một trong những người đó là ông Nghĩa, hơn 60 tuổi, một người khá giả trong vùng. Từ ngày gặp Nghĩa, tôi có tiền sắm sửa nhiều hơn. Không chỉ quần áo, phấn son, mà còn là xe cộ, ti vi, đầu máy. Phòng trọ của tôi không thiếu thứ gì. Đã vậy, nhờ quen Nghĩa, mỗi tháng tôi còn có dư vài ba triệu gửi về cho mẹ nuôi hai con nhỏ. Tôi nghe nói vợ con Nghĩa rất dữ dằn nhưng tôi tin Nghĩa… dữ hơn họ. Tiếng tăm của ông ta cũng nổi như cồn khắp xứ này. Đâu chỉ “bao” một mình tôi, Nghĩa còn quen ba bốn cô khác ở mấy quán lân cận. Biết vậy nên ai dọa gì tôi cũng không nghe.

Tôi nài nỉ Nghĩa cho tôi vốn mở quán riêng. Quán vừa khai trương hôm trước, hôm sau, một phụ nữ khoảng 30 tuổi xông vào, xưng là con gái Nghĩa. Cô ta cào cấu, cắn xé tôi, bảo tôi giật chồng của má cô, phá hoại thanh danh cha cô… Tôi không chống cự được bởi các tiếp viên ở quán “xếp re” trước đoàn quân hùng hậu gần chục gã đàn ông bặm trợn mà người phụ nữ đó dẫn theo. Cô ta nói, nếu tôi không chịu đóng cửa quán và buông tha cha cô, sẽ trị tôi tới cùng.

Hôm sau tôi phải đóng cửa quán đi chữa bệnh. Những ngày đó, tôi hoàn toàn không liên lạc được với Nghĩa. Ông ta khóa máy. Chán nản, tôi định bỏ cuộc về quê nhưng phần tiếc tiền của bỏ ra đầu tư trang thiết bị, tiền cọc thuê mặt bằng; phần nữa cũng tiếc cái hầu bao rộng rãi của Nghĩa, tôi quyết định vẫn tiếp tục mở quán. Quán hoạt động êm được hai tháng thì Nghĩa xuất hiện trở lại. Ông ta vẫn thèm khát tôi như ngày nào. Tôi nghĩ, mình có mất mát gì đâu… Và, tôi lại chung sống như vợ chồng với Nghĩa.

Được một tuần sau, lúc Nghĩa vừa rời quán về nhà, thì một thanh niên trong quán gọi bà chủ tính tiền. Cô tiếp viên bận chuyện trò với khách khác, tôi bước ra tính tiền và như bình thường, cúi xuống dọn ly. Bất ngờ hắn ta đứng dậy, đưa tay quẹt ngay một vệt dài trên má tôi. Má tôi rách toạc một đường dài cả tấc! Đau đớn, tôi bịt chặt vết thương và la lên cho các em tiếp cứu…

Giờ thì vết thương đã lành, tốn hàng chục triệu đồng điều trị, tôi vẫn còn cái sẹo dài nơi má phải. Đau lòng là tôi đi tố cáo, thì chẳng biết tố ai, vì sau khi ra tay, kẻ thủ ác đã nhanh chân chuồn mất. Đi kiện vợ con Nghĩa, các anh công an cũng bảo tôi không có cơ sở nào để kiện. Từ sau khi tôi gặp nạn đến giờ, Nghĩa bặt vô âm tín, chẳng một lời hỏi thăm. Nghe quán có người tới đánh ghen, nhiều khách cũng sợ, không đến nữa. Kinh doanh ế ẩm, lại không có nguồn tài trợ từ Nghĩa, chỉ nửa năm sau tôi sập tiệm. Hai đứa con ở quê, không biết nghe ai nói mẹ bị đánh ghen, giận dỗi bỏ học.

Hiện tôi đi phụ rửa chén cho một quán ăn, suốt ngày trong bếp. Mỗi lần ra đường đều bịt khẩu trang để không bị người quen nhận diện. Đôi lúc tôi hận mình, giá như ba năm trước, tôi biết dừng thì đâu nên nỗi!

● Chị Cao Mỹ Duyên (33 tuổi, kinh doanh nhỏ, tạm trú P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): “Sống trong “địa ngục” mà vẫn phải tha thứ”

Thời phổ thông, chúng tôi từng gặp gỡ và có cảm tình. 12 năm sau, tình cờ gặp lại, nghĩ không thể lạc mất nhau lần nữa nên chúng tôi quyết định làm lễ cưới sau sáu tháng hẹn hò. Sáu tháng, không đủ cho tôi hiểu hết về anh, với những “nanh vuốt ghen tuông” ngày càng lộ liễu. Đầu tiên, anh bắt tôi nghỉ làm ở một tòa soạn báo vì cho là công việc của tôi tiếp xúc nhiều nam giới. Tôi chuyển sang làm việc tại một cửa hàng thời trang. Nhân danh sự quan tâm, anh đòi sáng chở tôi đi, tối đón về. Chưa yên lòng, anh thường xuyên bỏ việc đến ngồi lì nơi tôi làm việc. Để ý tôi có nhiều đồng nghiệp nam, anh rất khó chịu, ngày nào cũng dành thời gian lượn vài vòng qua lại, gọi cho tôi mỗi phút một cú điện thoại. Bị nhắc nhở vì nghe điện thoại nhiều, tôi đề nghị chủ cửa hàng can thiệp, giải thích cho anh hiểu. Họ gọi anh đến phân tích, cho biết sẵn sàng cung cấp camera để anh tin tưởng song anh vẫn không bằng lòng. Tôi chịu không nổi, xin nghỉ việc.

Tôi ở nhà, ngày nào đi làm anh cũng khóa trái cửa để nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sáng, anh mua sẵn thức ăn, trưa lại ghé về… thăm chừng. Thỉnh thoảng đưa vợ ra ngoài, anh bắt tôi không được… ngó nghiêng, ngồi ăn phải cúi gằm mặt. Buồn chán, tôi xin phép anh đến Nhà văn hóa Phụ Nữ tìm việc, trên đường về tôi ghé qua nhà ba mẹ. Nào ngờ, chiều về, anh tra hỏi tôi đi đâu. Hóa ra, anh kiểm tra công-tơ-mét, nên bắt tôi phải trình bày một bài toán cộng những chặng đường sao cho bằng với số quãng đường công-tơ-mét chỉ. Anh ghen đến mức, tôi thích ăn chè của một quán quen, có lần đến quán này mua, bị anh bắt gặp và lao đến bạt tai tôi giữa đường, hỏi sao tôi chỉ ăn quán này, tôi và ông chủ quán có tình ý gì không?

Bạn bè, gia đình động viên tôi, anh ghen cũng chỉ vì quá yêu, quá sợ mất vợ. Tôi quyết định có con để chứng tỏ lòng chung thủy. Nào ngờ, khi tôi mang thai, anh vẫn không ngừng đánh đập, ghen tuông đến bệnh hoạn. Anh lục lọi áo quần, đồ đạc của tôi, cho là mọi thứ tôi có đều do tình cũ hoặc người nào đó tôi đang ngoại tình gửi tặng nên bắt phải đốt bỏ. Trước ngày tôi sinh, anh lại đề nghị đốt sạch chúng khiến vợ chồng cãi vã. Anh đánh tôi đến mức phải nhập viện, mổ lấy con ra. Ba tôi uất ức nên sinh bệnh, qua đời chỉ 10 ngày sau đó. Tôi đưa con về chịu tang thì anh ngăn lại, nói: “Người chết thì chết rồi, lo cho người sống đi!”. Tôi khóc lóc, van xin vẫn chỉ có thể một mình về đám tang ba. Con gái ở lại với anh. Tang lễ xong, tôi trở về thì gia đình anh đã dọn đi nơi khác. Tôi nhớ con, đi tìm. Anh cương quyết không cho gặp, còn chửi rủa, đánh cả mẹ tôi lúc bà đến nhà đề nghị một cuộc nói chuyện giữa người lớn với nhau.

Tìm đến Báo Phụ Nữ cùng các ban ngành, tôi được giúp đỡ để nhận lại con. Tôi quyết định ly hôn và được quyền nuôi con... Đã ba năm trôi qua mà quãng thời gian sống trong “địa ngục” vẫn còn ám ảnh, nhiều khi tôi không dám tin đó là sự thật vì chồng tôi là một người thành đạt, có học thức. Hiện tôi rất bằng lòng với cuộc sống của mình, được đi làm và có thu nhập lo cho hai mẹ con. Dẫu đau đớn, thất vọng, song vì con gái, tôi tha thứ cho anh, vẫn để anh đến thăm con, vẫn cho con về thăm nội và chúng tôi vẫn ngồi lại để bàn bạc, trao đổi chuyện chăm sóc, nuôi dạy con gái.

Tuyết Dân - Hạnh Chi
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI