Đừng để phụ huynh oằn mình "mua chữ cho con"

02/05/2022 - 06:46

PNO - Tri thức là vô giá, nhưng sách giáo khoa cung cấp tri thức thì có giá bìa cụ thể. Và theo mức giá Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố thì từ năm học 2022-2023, giá mua sách so với hiện nay sẽ tăng từ 2 - 3 lần cho sách lớp Ba, Bảy, Mười.

Giải thích cho việc tăng giá sách, các đơn vị xuất bản nói sách mới được in đẹp, giấy tốt, chống lóa, nhiều hình ảnh… Ngoài ra, các bộ sách còn được điều chỉnh kích cỡ, số trang. Bên cạnh bản in còn có phiên bản sách điện tử cũng được tính vào giá thành. Nghe qua thì những lý do trên đều rất hợp lý, song thử đặt câu hỏi ngược lại: Nếu loại bỏ những yếu tố khiến giá sách tăng nêu trên thì lượng tri thức chứa trong một bộ sách giáo khoa có mất đi không? Không.

Tôi còn nhớ, thuở mình đi học, thập niên 1980 - 1990, sách giáo khoa không có màu mè gì cả và giấy in cũng chỉ là loại giấy ngà rất bình thường nhưng chữ in sắc nét, rõ ràng. Khổ in sách thuở chưa xa ấy cũng tương đồng với khổ vở để khi chúng tôi cho sách vở vào cặp, chúng đều nhau, ngăn nắp, chỉ khác độ dày. Hôm nay, nhìn vào cặp học trò, chúng ta sẽ nhìn thấy sách vở lô nhô.

Đã có nghiên cứu khoa học nào khẳng định khổ sách to hơn thì học sinh sẽ học tốt hơn hay chỉ là tốn nhiều giấy hơn khiến giá đắt hơn? Chưa kể, ngoài những cuốn sách giáo khoa chính thức, phụ huynh ngày nay còn phải mua thêm cho con sách bài tập để học sinh làm bài trực tiếp vào sách thay vì làm vào vở. Những cuốn sách bài tập ấy, đương nhiên không thể tái sử dụng ở khóa sau, càng không thể quyên tặng mà trở thành rác thải. 

Làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đạt được bằng cách tự đẩy chi phí đầu vào để tăng giá sản phẩm không hề là cách hay đối với nền tảng giáo dục của một quốc gia. Chi phí vài trăm ngàn đồng cho một bộ sách có thể không ảnh hưởng gì đến các gia đình trung lưu đô thị nhưng chắc chắn sẽ là vấn đề lớn đối với các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu giáo dục của chúng ta liệu có bị kéo lùi khi học sinh nghèo không đủ tiền mua sách? Khi ta đang cố tách trẻ khỏi các thiết bị công nghệ thì có nên dán trẻ vào sách điện tử, tỷ lệ bao nhiêu?

Học trò vùng xa học sách điện tử bằng cách nào? Bỗng nhiên tôi có một ước mơ cải… lùi về thời gian khó của mình, rằng sách chỉ cần in trắng đen rõ ràng, giá rẻ để gia đình nào cũng có thể tiếp cận; thư viện trường công luôn có đủ sách để học sinh mượn thay vì mỗi năm mỗi mua. Sách rẻ hơn thì việc quyên tặng cho vùng sâu vùng xa cũng dễ dàng hơn, số lượng có thể tăng thêm. Ngay cả một bộ từ điển lớn như Oxford Advanced Learner’s Dictionary cũng có phiên bản bìa mềm in giấy ngà, giá rẻ. Tại sao ta không thể có một phiên bản sách khác rẻ hơn để mọi người chọn theo khả năng tài chính của mình?

Tri thức là vô giá, nhưng giá bìa sách chứa tri thức có thể được tiết giảm để mỗi năm phụ huynh không phải oằn mình với chuyện “mua cái chữ cho con”. 

Phạm Thành Nhân

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI