Đừng để “phố chuyên doanh” chỉ là tấm bảng hiệu

27/12/2023 - 05:43

PNO - Gần đây, nhiều địa phương ở TPHCM cấp tập thành lập phố chuyên doanh hoặc công nhận, gắn bảng hiệu cho các phố chuyên doanh đã có sẵn nhưng hầu hết “phố” này không có điểm đặc biệt nên thiếu sức sống, luôn trong tình trạng ế ẩm.

Chủ trả mặt bằng do ế khách

Ghé phố chuyên doanh thời trang Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức sáng 20/12, chúng tôi thấy đường này vẫn không có gì khác trước: vỉa hè vẫn hẹp, nhiều cửa hàng không có chỗ đậu xe, khách mua thưa vắng, số bảng cho thuê hoặc sang nhượng cửa hàng có phần nhiều hơn so với khi mới thành lập phố chuyên doanh hồi tháng 6/2023. Chủ cửa hàng Hùng Leather cho biết, trước và sau khi thành lập, “phố” vẫn không có gì đặc biệt hơn để thu hút khách. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn hậu COVID-19, lượng khách mua hàng giảm hơn 50%. 

Phố đi bộ đêm ở khu kỳ đài Quang Trung, quận 10 lưa thưa khách Ảnh: Hoa Lài (chụp tối 20/12)
Phố đi bộ đêm ở khu kỳ đài Quang Trung, quận 10 lưa thưa khách - Ảnh: Hoa Lài (chụp tối 20/12)

Ông Nguyễn Văn Thắng - chủ cửa hàng thời trang Xuân Thắng - cho hay, sau khi gắn bảng “phố chuyên doanh”, Phòng Kinh tế TP Thủ Đức có gửi thư mời dự tập huấn về niêm yết giá cả, nhưng nội dung này không hữu ích bởi mọi cửa hàng đã niêm yết giá từ lâu. Hiện nay, việc kinh doanh ế ẩm nhưng giá thuê mặt bằng vẫn không giảm nên không ít cửa hàng phải đóng cửa. 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, muốn hiệu quả, phố chuyên doanh phải được lập trên các khu đất do nhà nước quản lý và cho thuê mặt bằng. Khi đó, nhà nước có nguồn thu, người kinh doanh không bị tăng giá thuê mặt bằng vô tội vạ. 

Được lập vào cuối tháng 12/2022, đến nay, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 vẫn hoạt động cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân - chủ một quán ăn tại “phố” này - đánh giá, so với trước khi được quy hoạch thành phố ẩm thực, việc buôn bán vẫn “ế hoàn ế”: “Đường ở đây quá hẹp, không có chỗ đậu xe nên khách rất ngại ghé ăn tại chỗ mà thường mua đem đi. Hơn nữa, khu này chủ yếu bán thức ăn vặt, không có món riêng nên khó thu hút khách du lịch”. 

Người dân mua hàng ở phố chuyên doanh văn phòng phẩm trên đường Phùng Hưng, quận 5 - Ảnh: Tú Ngân
Người dân mua hàng ở phố chuyên doanh văn phòng phẩm trên đường Phùng Hưng, quận 5 - Ảnh: Tú Ngân

Anh Nguyễn Trung Kiên thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Thượng Hiền để bán chuối chiên, được 3 tháng thì trả mặt bằng do giá thuê 15 triệu đồng/tháng mà khách lại không có: “Do đường hẹp, ngại kẹt xe nên khách rất ít ghé mua trực tiếp mà chỉ đặt qua ứng dụng (app). Phí chiết khấu cho ứng dụng khá cao nên người bán chỉ có lỗ. Sau khi chuyển qua thuê mặt bằng bên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), tôi lại kinh doanh rất được, doanh thu tăng gấp đôi”.

Phố đi bộ đêm ở khu kỳ đài Quang Trung trên đường Nguyễn Lâm, quận 10 có bãi giữ xe miễn phí đến 23g, có 1 khu phục dựng ngôi nhà Sài Gòn xưa khá đẹp để giới trẻ chụp hình, có 1 khu đất rộng gắn bảng “khu ẩm thực” nhưng các quầy trong khu này đều đã đóng cửa, toàn bộ tuyến phố chỉ còn 2-3 quầy bán cá viên chiên, trà sữa, tô tượng hoạt động. Mới 19g nhưng phố chỉ có 2-3 người dân dẫn con đi dạo, còn người bán hàng và giữ xe thì ngồi bấm điện thoại giết thời gian. Chị Hạnh - chủ một gian hàng ẩm thực - cho biết, trừ những đêm có chương trình ca nhạc do phòng văn hóa, thể thao quận tổ chức, những đêm còn lại đều vắng khách. Do đó, các quầy khó trụ được lâu. 

Phố phải có nét riêng

Theo bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch - hầu hết phố chuyên doanh ở TPHCM được lập dựa trên những gì có sẵn và cũng chẳng thêm được gì đáng chú ý: “Trước đây, TPHCM đã có phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Người ta chỉ dựng thêm cái biển báo. Thành phố này có rất nhiều nơi bán quần áo nên nếu “phố” này không có gì đặc trưng thì người ta sẽ đi mua gần nhà cho tiện. Do đó, các hộ kinh doanh ở phố thời trang phải chủ động tạo sức hấp dẫn cho các mặt hàng, đồng thời tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm”. 

Phố đi bộ đêm ở khu kỳ đài Quang Trung, quận 10 thường xuyên vắng khách - Ảnh: Hoa Lài (chụp tối 20/12)
Phố đi bộ đêm ở khu kỳ đài Quang Trung, quận 10 thường xuyên vắng khách - Ảnh: Hoa Lài (chụp tối 20/12)

Theo bà, chính quyền TPHCM cần quy hoạch giao thông gắn với các tuyến phố chuyên doanh để các phố này sôi động, hấp dẫn hơn. Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... đều quy hoạch các tuyến phố xen kẽ với các trung tâm thương mại lớn, di tích lịch sử, những điểm vui chơi đã nổi tiếng nên các tuyến phố của họ sầm uất, giàu sức hút hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - kiều bào Úc, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - cho rằng, phố chuyên doanh là tuyến phố vừa có yếu tố địa phương, vừa có điểm nhấn đặc sắc không lẫn với các địa phương khác, có môi trường kinh doanh sầm uất và chuyên nghiệp. Trong khi đó, các phố chuyên doanh ở TPHCM đều na ná nhau, không có quy hoạch, không có điểm nhấn nên không thể thu hút người tiêu dùng và du khách. Theo ông, nên quy hoạch và hình thành các phố chuyên doanh trên những khu đất trống ở các quận ven, huyện ngoại thành dựa vào các đường vành đai, quốc lộ để kéo người dân đến đó vui chơi, mua sắm, qua đó giảm áp lực người, xe cho khu trung tâm thành phố. 

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners - cho rằng, trong lịch sử, người của các làng nghề di cư đã tụ họp với nhau trên một khu phố nên phố chuyên doanh không chỉ là phố nghề mà trong đó còn có mối quan hệ làng xã. Do nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, tập quán “buôn có bạn, bán có phường”, ở TPHCM đã hình thành những phố chuyên doanh, như phố thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phố lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học, phố vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành… Việc chính quyền các quận, huyện đồng loạt thành lập phố chuyên doanh là đáng hoan nghênh, nhưng “phố” phải đi từ nhu cầu thực tế, phải để thị trường quyết định chứ không nên áp đặt, thành lập theo chỉ tiêu, cũng không nên gom tất cả các ngành nghề giống nhau vào một con đường. 

Theo ông, ngoài bán hàng, phố dịch vụ thương mại phải thân thiện với người đi bộ, phải cho người dân có trải nghiệm về không gian xanh, có nơi trú chân, có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Nên chọn những con đường rộng, có lề đủ để người kinh doanh bày bán, kết hợp với các công trình trong nhà, tức là vừa kinh doanh ăn uống, vừa bán quà lưu niệm, sản phẩm truyền thống. Không nên cấm chạy xe bởi nếu phố thân thiện với người đi bộ thì không cần cấm xe, du khách và người dân vẫn muốn dạo phố. Với những tuyến phố đã hình thành tự phát trước đó, chính quyền địa phương cần quy hoạch lại để có sự đồng bộ, bài bản về màu sắc, kích thước của bảng hiệu, mái che. Phải có đèn đường, vạch sơn phân định không gian đi bộ, không gian buôn bán, có ghế ngồi công cộng cho khách nghỉ chân, có bảng hướng dẫn.

“Chính quyền thành phố cần đưa ra quy chuẩn chung cho các phố chuyên doanh dựa trên các yếu tố mà tôi vừa nêu, đồng thời phải chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng xả rác bừa bãi. Hiện nay, chỉ có đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) là phố chuyên doanh hội tụ đủ yếu tố cần có, như không gian cho khách ngồi nghỉ chân, tìm hiểu văn hóa, tìm kiếm sách, đồ lưu niệm, ăn uống” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận xét.

Kinh doanh ế ẩm là tình trạng chung

Bà Đào Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Kinh tế quận 5 - cho biết, UBND quận đã cho ra mắt 4 phố chuyên doanh, gồm phố đông y, phố vàng bạc - trang sức, phố thời trang, phố văn phòng phẩm. Từ khi ra mắt, hoạt động của các tuyến phố trên có một số biến chuyển tích cực, như niêm yết giá bán đúng quy định, chủ kinh doanh đầu tư hơn về mặt bằng, cách bài trí sản phẩm, chú trọng hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà, vẫn còn một số đơn vị kinh doanh ngại thay đổi, chưa mạnh dạn áp dụng các phương thức kinh doanh mới. Việc đón và phục vụ các đoàn khách du lịch lớn vẫn còn hạn chế do thiếu điểm dừng đỗ xe. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp, tạo điều kiện để xe khách du lịch dừng, đậu thuận tiện hơn.

Quận 10 hiện có 6 phố chuyên doanh, gồm trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu, trung tâm chuyên doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế, phố chuyên doanh trang trí nội thất Ngô Gia Tự, phố chuyên doanh hoa và ẩm thực Hồ Thị Kỷ, phố đi bộ đêm ở kỳ đài Quang Trung, phố chuyên doanh vật liệu xây dựng, phố sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch UBND quận 10 - cho biết, việc kinh doanh ở các phố đã thay đổi tích cực, không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Mặc dù UBND quận đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các phố chuyên doanh, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Thu Hường, khó khăn lớn nhất để xây dựng các phố chuyên doanh trở nên đặc trưng là cơ sở hạ tầng ở các phố chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, UBND quận sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đánh giá, đề xuất các giải pháp nâng chất hoạt động các phố chuyên doanh hiện hữu để tạo nét khác biệt, sự hấp dẫn, từ đó thu hút người dân, du khách đến thưởng thức ẩm thực kết hợp tham quan, mua sắm. 

Nên có phố chuyên doanh sản phẩm địa phương

TPHCM có nhiều sản phẩm thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) nhưng vẫn còn nằm rải rác, chưa tạo thành điểm nhấn để quảng bá với khách du lịch quốc tế. Nên thành lập phố chỉ chuyên bán sản phẩm OCOP, phối hợp với các công ty du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi địa phương chỉ nên chọn 1 sản phẩm đặc thù, mang tính truyền thống để phố có nhiều sản phẩm không “đụng hàng” nhau. 

Ông Nguyễn Ngọc LuậnGiám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu

Liên kết phố chuyên doanh với công ty du lịch

Việc thành lập các phố chuyên doanh là nhằm tạo điểm nhấn du lịch nhưng nghịch lý là mọi phố đều chưa có bãi đỗ xe lớn để các công ty du lịch đưa các đoàn khách đến. Do đó, các địa phương nên thiết lập các bãi đỗ xe đủ lớn gần phố chuyên doanh và tăng cường phối hợp với các công ty du lịch để tạo nguồn khách cho các phố. Nhưng để các công ty du lịch chọn đưa phố chuyên doanh vào tour thì mỗi phố phải có độ hấp dẫn. Mà sự hấp dẫn này thì tôi chưa thấy ở các phố chuyên doanh. Đây là điều mà chính quyền TPHCM và cấp quận phải nghiên cứu. 

Bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch

Cần một chiến lược thương mại dài hơi

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, nhà đầu tư nước ngoài đang tràn vào Việt Nam thì với tiềm lực yếu, vốn mỏng, năng lực của các hộ kinh doanh còn hạn chế, việc thành lập, gìn giữ, quy hoạch, cải tạo các phố chuyên doanh trên cơ sở thực tế thị trường sẵn có là cách để giúp các điểm kinh doanh tăng sức mạnh, tăng hiệu quả cạnh tranh là việc làm cần thiết. 

Tuy nhiên, thay vì chỉ làm một cách chắp vá, tùy hứng, nặng hình thức, cần phải có một chiến lược thương mại dài hơi, có tính đột phá và toàn diện. Đừng lập phố rồi để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tự bơi với những khó khăn. Hãy khuyến khích các điểm kinh doanh chuyển đổi cách thức bán buôn bằng cách hỗ trợ về thuế, vốn vay ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Chính quyền các địa phương phải tăng cường liên kết với các hiệp hội, sở công thương các tỉnh, thành để tăng kết nối giao thương, hỗ trợ các điểm kinh doanh tiếp cận hàng hóa tại nguồn, giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)

Tú Ngân - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI