Đừng để phải làm việc nhiều nhưng lại… nghèo hơn

25/06/2022 - 06:00

PNO - Xu hướng làm việc quá sức đang phát triển mạnh khi nhiều người tin rằng càng dành nhiều thời gian và sức lực để làm việc thì càng tiến gần đến thành công. Nhưng điều đó lại có thể khiến bạn “nghèo hơn” về sức khỏe và tinh thần.

Áp lực công việc ngày càng tăng 

Ý tưởng rằng công nghệ có thể giải phóng con người khỏi sự mệt nhọc của công việc là một viễn cảnh táo bạo. Nhưng tính chất công việc dường như đã thay đổi trong ba thập niên qua. Bất chấp sự hỗ trợ từ công nghệ mới, giờ đây mọi người nói rằng họ phải làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành kế hoạch kịp thời hạn, đi cùng đó là mức độ căng thẳng lớn hơn. 

Xu hướng hiện đại khiến mọi người nỗ lực làm nhiều hơn, nhưng điều cần nhất là hiệu quả công việc chứ không phải thời gian làm việc - ẢNH: GSTOCKSTUDIO1
Xu hướng hiện đại khiến mọi người nỗ lực làm nhiều hơn, nhưng điều cần nhất là hiệu quả công việc chứ không phải thời gian làm việc - Ảnh: GSTOCKSTUDIO1

Tại Anh, kết quả khảo sát do Chính phủ tài trợ thực hiện 5 năm một lần cho thấy áp lực công việc ngày càng tăng kể từ những năm 1990. Tỷ lệ nhân viên chọn trả lời “hoàn toàn đồng ý” đối với câu “công việc buộc họ phải làm việc rất chăm chỉ” tăng từ 30% năm 1992 lên 46% năm 2017. Số người nói rằng họ phải “hoàn thành chỉ tiêu gấp” tăng từ 53% lên 60%. Xu hướng này xảy đến với mọi người. 

Nhiều nghiên cứu ghi nhận có sự gia tăng khối lượng công việc đối với các nhà quản lý, y tá, nhân viên hàng không, công nhân chế biến, giáo viên, nhân viên văn phòng và người làm công việc chăm sóc người khác tại châu Âu, Mỹ, cũng như nhiều nước trên thế giới. Xu hướng này đang dần khiến mọi người cảm thấy kiệt sức.

Vào những năm 1990, mọi người xem “động lực cá nhân” là yếu tố quan trọng nhất quyết định họ làm việc chăm chỉ như thế nào. Giờ đây, “khách hàng hoặc đối tác” mới là sự thúc đẩy lớn nhất. Trong thế giới giao tiếp tức thời, nhiều người lao động - từ giao dịch viên ngân hàng đến tài xế giao đồ ăn - giờ đây cảm thấy họ phải đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng hoặc khách hàng.

Một cách giải thích khác có thể là do các nhà tuyển dụng đã cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí mà không đưa ra những cách làm hiệu quả hơn thay thế. Một số công ty cũng tận dụng công nghệ để buộc nhân viên dốc sức nhiều hơn. Việc ứng dụng tự động hóa một phần quy trình làm việc buộc công nhân phải làm việc với cường độ cao hơn. Quá trình giám sát từ các cấp quản lý cũng nghiêm ngặt hơn.

Hiện có nhiều phần mềm theo dõi các lần gõ phím của nhân viên, đo thời gian nghỉ của họ và gửi các cảnh báo nếu họ “đi lạc” đến các trang web không liên quan đến công việc. Các nền tảng email và nhắn tin tức thời đang khiến mọi người mệt mỏi về tinh thần. 

Làm việc ít hơn nhưng hiệu quả 

Những vấn đề nêu trên này đặt ra câu hỏi về năng suất. Mọi người làm việc chăm chỉ hơn, năng suất cao hơn sẽ dẫn đến mức sống tốt hơn. Dù vậy, mức tăng cường làm việc ở Anh không tương ứng với tốc độ tăng năng suất trong thập niên qua. Thực tế cho thấy làm việc chăm chỉ không giúp mọi người giàu hơn đáng kể trong khi người lao động trở nên ốm yếu hơn về thể chất và tinh thần. Dữ liệu từ Cơ quan Điều hành an toàn và sức khỏe Anh Quốc cho thấy, tỷ lệ những người bị căng thẳng liên quan đến công việc, trầm cảm hoặc lo lắng đã tăng lên ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. 

Vậy xã hội phải làm gì để tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về sức khỏe? Làm việc ít hơn để có thời gian nghỉ ngơi là điều đang được mọi người rất quan tâm. Chẳng hạn chiến dịch làm bốn ngày một tuần bắt đầu được thử nghiệm tại Anh từ ngày 6/6 đang rất thu hút công chúng. Chúng ta không cần làm việc nhiều hơn mà cần làm theo cách thông minh hơn. Vấn đề cốt lõi là hiệu quả chứ không phải thời gian làm việc.

Cần nhớ rằng chúng ta là con người chứ không phải một cỗ máy, vì vậy hãy chăm sóc cơ thể và tâm trí của chính mình thật tốt. Và đừng vì quá chú trọng công việc mà đánh mất bạn bè và những người thân yêu xung quanh. 

 Linh La (theo CNA, Psychcentral, Verywell Mind)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI