PNO - Nắng nóng kéo dài, phụ huynh thường cho trẻ em đi bơi, du lịch biển để giải nhiệt, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè sắp đến. Tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác, đừng để phải hối hận vì những tai nạn rất dễ xảy ra dưới nước với trẻ.
Ngày cuối tuần, chị Phan Thị Minh Ngọc (32 tuổi, ở Hóc Môn, TPHCM) đưa con đến hồ bơi. Con trai chị 7 tuổi, biết bơi, lại có áo phao nên chị Ngọc tự tin để con tự do bơi lội ở hồ dành cho trẻ em, chị thì ngồi trên bờ bán hàng trực tuyến.
Khoảng 10 phút sau, chị Ngọc thấy người lớn hô hoán nhảy xuống hồ cứu trẻ đuối nước. Tò mò, chị chạy lại thì hoảng hốt thấy đó là con mình. Chuyện là trong lúc bơi, con chị khát nước nên gọi mẹ xin nước uống nhưng chị đang bận bán hàng nên không nghe thấy. Bé lên bờ, cởi áo phao chạy đến chỗ mẹ lấy nước uống thì không may trượt chân, rơi xuống hồ người lớn. Bé vùng vẫy nhưng những người bơi gần nghĩ là cháu đang đạp nước chơi. Nhân viên cứu hộ hồ bơi thì ngồi ở xa, không phát hiện. Lúc cháu sắp chìm thì 2 người lớn phát hiện, nhảy xuống vớt cháu lên. “May mà cháu chỉ bị sặc nước và được cứu kịp thời. Nếu không tôi sẽ hối hận suốt đời” - chị Ngọc chia sẻ.
Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đang tích cực cứu chữa cho cháu Đ.T.N.P. (10 tuổi, ở Đắk Nông). Người nhà cho biết vào dịp lễ 30/4, gia đình đưa cháu về quê chơi. P. cùng 3 cháu nhỏ khác được người thân cho đi chơi thác. Em bị hụt chân và khi phát hiện thì đã đuối nước. P. được sơ cứu rồi đưa vào cơ sở y tế địa phương. Bác sĩ chẩn đoán em bị ngộp nước quá lâu, có biểu hiện thiếu ô xy não, diễn tiến nặng, nên chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau quá trình điều trị tích cực, em P. được cứu sống nhưng đã tổn thương não nặng và đang được các bác sĩ theo dõi sát sao.
Bé P. đang được điều trị, theo dõi tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 2
Không may mắn như 2 bé trên, bé P.L.T.H. (7 tuổi) được mẹ đưa đi bơi tại một hồ bơi ở quận 12 (TPHCM) và tử vong do đuối nước. Hàng xóm kể lại, ngày 30/4 vừa qua, bé H. được mẹ cho đi hồ bơi. Cùng đi còn có em của H. và hai mẹ con người hàng xóm. Trong lúc các bé đang vui chơi dưới hồ thì mẹ của H. gửi các con cho người quen để đi mượn áo phao. Khi trở lại chị mới biết con trai mình đã đuối nước ở khu vực hồ bơi dành cho người lớn.
Đừng rời mắt khỏi trẻ
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - tai nạn đuối nước thường xảy ra trong tích tắc. Nếu nạn nhân không được phát hiện, sơ cứu kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như phù não, chết não, biến chứng thần kinh vĩnh viễn, viêm phổi, phù phổi, thậm chí tử vong. Trẻ dưới 5 tuổi ngộp nước khoảng 2-7 phút (trẻ lớn hơn thì khoảng 10 phút), nếu không được phát hiện, nguy cơ chết não sẽ rất cao. Trong trường hợp này, dù trẻ được cứu sống vẫn đối diện với đời sống thực vật và nhiều di chứng khác. “Chính vì vậy, khi cho con đi tắm hồ bơi, sông, suối, cha mẹ phải quan sát, không được rời mắt, không được gửi con cho người khác. Bởi khi trẻ xuống nước, dù biết bơi vẫn có thể gặp sự cố như hụt chân, chuột rút, bơi vào dòng nước xoáy… Thậm chí, chỉ cần trẻ hoảng loạn cũng đã có thể quên các bài tập bơi trước đó, nguy cơ đuối nước rất cao” - bác sĩ Vũ Hiệp Phát nói.
Trẻ nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm khi xuống nước, lại hiếu động, tò mò, hay chạy nhảy, chơi đùa, vọc nước, thách đố nhau bơi hoặc nín thở dưới nước… Vì vậy, gia đình, nhà trường nên hướng dẫn cho trẻ nhận biết được sự nguy hiểm khi tham gia các hoạt động dưới nước. Trường hợp cho trẻ đi bơi tại các hồ bơi có nhân viên cứu hộ, người lớn cũng không được chủ quan, phó mặc con mình cho người khác. Do có nhiều trẻ cùng đến bơi lội, nhân viên cứu hộ có thể không quan sát hết. “Cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng bơi lội, mang áo phao đúng cách khi xuống nước. Ngoài ra, người lớn cũng nên tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng cấp cứu, nhất là tai nạn đuối nước, để kịp thời xử trí nếu phát hiện trẻ bị đuối nước, nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc” - bác sĩ Vũ Hiệp Phát lưu ý.
Những sai lầm cần tránh khi phát hiện, cấp cứu trẻ đuối nước
Khi phát hiện trẻ đuối nước, nếu người ứng cứu không biết bơi, hãy tình bĩnh, ném phao, dùng cây dài đưa về phía nạn nhân, truy hô để người xung quanh cùng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước, vừa gây nguy hiểm cho mình, vừa không thể cứu được nạn nhân. Nếu biết bơi, hãy tiếp cận trẻ từ phía sau, nắm chặt tay, vai nạn nhân, trong trường hợp cần thiết, có thể khóa tay trẻ rồi nhanh chóng đưa vào bờ.
Khi mang trẻ lên bờ, không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, bởi như thế dễ làm cho dịch, thức ăn ở dạ dày trào ngược ra, trẻ có thể hít vào đường thở. Cũng không được gấp rút đưa trẻ đến bệnh viện mà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ tại chỗ. Nếu trẻ còn nhịp thở, hãy lấy hết đàm nhớt, trấn an trẻ, giữ ấm và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, tính mạng đang được tính bằng giây, hãy cấp cứu tại chỗ với các phương pháp ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi, thổi ngạt. Trong lúc thực hiện các động tác trên cần giữ bình tĩnh, không ấn ngực quá mạnh dễ làm gãy xương sườn, dập phổi bé. Các thao tác cần liên tục, không được dừng lại cho tới khi trẻ có nhịp thở trở lại.
Khi trẻ đã qua khỏi nguy hiểm, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước. Quan trọng trong cấp cứu trẻ đuối nước là các thao tác cấp cứu phải thực hiện nhanh, gọn. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như lăn lu, hơ đồ nạn nhân trên lửa, đổ nước mắm… Những cách ấy chẳng những không hiệu quả mà còn làm chậm trễ thời gian cứu trẻ.