Đừng để nữ doanh nhân bơi trong biển số

02/12/2024 - 06:50

PNO - Định kiến giới trong xã hội vẫn còn nặng nề. Để thành công trong sự nghiệp, phụ nữ phải phấn đấu gấp nhiều lần nam giới, bởi họ luôn phải làm tròn vai trò chăm lo gia đình.

Năm ngoái, gặp chúng tôi, một tiểu thương ngành hàng may mặc ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) than chợ ế, 2-3 nhân viên ngồi cả ngày mà không bán được bộ đồ nào.

Chị nhiều lần định giảm bớt hàng hóa do không cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ từ các sàn thương mại điện tử hay các phiên live stream trên các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok. Nhưng mới đây, khi gặp lại, chúng tôi thấy chị vui ra mặt.

Chị khoe, từ khi mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, đầu tư tiền cho nhân viên đi học cách live stream, chị bán được nhiều hàng hơn. Trước đây, người mua hàng của chị là dân TPHCM và du khách nhưng nay, chị có khách hàng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị còn dựa theo những ý kiến bình luận (comment) để thiết kế ra các mẫu mới phù hợp thị hiếu khách hàng hơn. Theo chị, khi chưa làm thì nghĩ phức tạp, làm rồi thì thấy không khó, lại vừa hiệu quả, vừa vui.

Chị bạn tôi nổi tiếng khắt khe, nhất là trong chuyện dạy dỗ con cái. Ấy vậy mà gần đây, chị khoe đã cho cậu con trai học lớp Ba từng “mê game không thể cai được” đi học lập trình. Cậu bé đã thay đổi hẳn, không còn cắm mặt vào game đến quên ăn, quên ngủ như trước mà dành thời gian tìm hiểu, rèn các kỹ năng đòi hỏi sự sáng tạo.

Công nghệ đang giúp phụ nữ làm mẹ dễ dàng hơn. Họ có thể quản lý sức khỏe bản thân và con cái, nắm tình hình học tập của con cái bằng hồ sơ điện tử. Thậm chí, họ còn biết dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tính toán chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Nhiều phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa đã biết tận dụng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) để làm nhà sáng tạo nội dung số để vừa kiếm tiền từ quảng cáo, vừa bán được các loại đặc sản địa phương.

Không có giới hạn nào trong việc tiếp cận dịch vụ, tri thức với cả nam lẫn nữ. Mọi công dân đều bình đẳng về khả năng truy cập các nguồn thông tin số, giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản (sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các ứng dụng liên lạc, giao dịch không tiền mặt...), mua bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong môi trường số cũng giống như trong môi trường thực, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản hơn nam giới. Ở Việt Nam, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm khoảng 22% tổng số doanh nghiệp cả nước. Nữ doanh nhân vẫn thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số, vẫn hạn chế về cơ hội, khả năng tiếp cận các nguồn vốn, vẫn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế này, ngoài sự chủ động của các nữ chủ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chương trình, các gói hỗ trợ chuyển đổi số từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế, rất cần có chính sách đặc thù hỗ trợ họ.

Cần quan tâm, hỗ trợ nữ doanh nhân tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi số, như hỗ trợ họ quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm trực tuyến; hỗ trợ họ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ và Bộ Công Thương. Ngoài ra, rất cần có các gói hỗ trợ tài chính dành riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Định kiến giới trong xã hội vẫn còn nặng nề. Để thành công trong sự nghiệp, phụ nữ phải phấn đấu gấp nhiều lần nam giới, bởi họ luôn phải làm tròn vai trò chăm lo gia đình. Hãy hỗ trợ họ bằng những chính sách, việc làm cụ thể thay vì chỉ hô hào rồi để họ tự “bơi”.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI