Đừng để nhà đầu tư xe buýt điện “tự bơi”

21/05/2024 - 06:18

PNO - Các chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là “cú hích” để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi xe buýt sạch.

Ngày 1/4, TPHCM có thêm 239 chiếc xe buýt mới, trong xe có máy điều hòa nhiệt độ, camera an ninh, máy bán vé tự động. Thế nhưng, trong số này, chỉ có 44 xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) và có tới 195 xe chạy bằng dầu diesel. Nghĩa là, 195 chiếc xe mới và đẹp vẫn phát thải khí độc hại khi di chuyển trên đường.

Theo lộ trình đặt ra trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế hoặc đầu tư mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Việc đưa vào sử dụng 195 xe buýt chạy dầu cho thấy các cơ quan chức năng của TPHCM vẫn chưa thực sự quyết tâm chuyển đổi theo hướng xanh. Với vòng đời hoạt động 20 năm, số xe chạy dầu này sẽ còn gây ô nhiễm trong thời gian rất dài.

Xe buýt số 8 chạy tuyến bến xe buýt quận 8 - Đại học Quốc gia TPHCM là một trong những xe buýt CNG - Ảnh: Vũ Quyền
Xe buýt số 8 chạy tuyến bến xe buýt quận 8 - Đại học Quốc gia TPHCM là một trong những xe buýt CNG - Ảnh: Vũ Quyền

Theo ước tính của các nhà khoa học, 1 lít dầu diesel thải ra 2,32kg CO2. Với lộ trình khoảng 250-300 km/ngày, mỗi xe buýt chạy bằng dầu sẽ thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Lượng phát thải này cần 3.000 cây xanh hấp thụ/năm. Theo tính toán của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus, với 286 xe buýt điện hoạt động trên cả nước, sau hơn 2 năm, VinBus đã giảm được 50.000 tấn CO2, tương đương lượng CO2 mà 2,3 triệu cây xanh hấp thụ trong 1 năm.

Bằng cách thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện, bắt đầu từ xe công cộng, TPHCM có thể giải quyết hiệu quả tình trạng phát thải các bon, nhất là khi chính quyền thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 85% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông, đến năm 2030 giảm 10% tổng phát thải.

Việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu diesel sang chạy bằng điện đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Đầu năm 2024, Chính phủ Thái Lan tiếp tục đưa ra các giải pháp thúc đẩy thị trường xe điện, phê duyệt tổng ngân sách 41 tỉ baht (hơn 28.700 tỉ đồng) để hỗ trợ sản xuất và mua xe điện.

Chính phủ Singapore cũng tăng tốc “phủ sóng” trạm sạc điện, tiến tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng xăng, dầu vào năm 2040. Singapore dự kiến triển khai 60.000 điểm sạc xe điện trên cả nước vào năm 2030. Với tỉ lệ 5 xe điện thì có 1 bộ sạc, Singapore dẫn đầu về cơ sở hạ tầng dành cho xe điện ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, tại TPHCM, việc chuyển đổi xe điện vẫn đang trông chờ nhiều vào ý thức của doanh nghiệp và người dân, chưa thấy rõ vai trò thúc đẩy bằng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Sau 2 năm thí điểm, tuyến xe buýt điện đầu tiên của TPHCM thua lỗ 33 tỉ đồng. Khi phải gồng mình chịu lỗ, doanh nghiệp khó bề mở rộng đầu tư và các doanh nghiệp khác cũng ngán ngại đầu tư xe buýt sạch.

Không thể khuyến khích đầu tư xe buýt điện bằng lời hô hào suông. Ngành quản lý về giao thông, vận tải TPHCM cần có đề án cụ thể, khả thi về chuyển đổi xe năng lượng sạch, trong đó đưa ra các chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp như tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi lãi suất, thuế, phí, trợ giá, lộ trình phát triển hạ tầng trạm sạc điện công cộng…

Các chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là “cú hích” để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi xe buýt sạch. Giống như cách đây 23 năm, dự án thay 1.318 xe buýt với những chính sách hỗ trợ hấp dẫn về nguồn vốn, lãi suất, trợ giá đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của xã viên các hợp tác xã vận tải, giúp hệ thống vận tải công cộng của TPHCM “thay da đổi thịt”, xóa bỏ hoàn toàn những chiếc xe buýt cũ nát, ô nhiễm trước đó.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI