Đừng để nguyên mẫu sợ lên phim tiểu sử

18/09/2022 - 17:20

PNO - Việc giáo sư Michiko Yoshii đòi nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" xin lỗi là lời cảnh báo lần nữa người làm phim cần cẩn trọng khi "hồi sinh" người thật.

 

Giáo sư Michiko Yoshii thời trẻ. Bà là nguyên mẫu thứ ba lên tiếng không hài lòng với cách làm của đoàn phim Em và Trịnh
Giáo sư Michiko Yoshii thời trẻ. Bà là nguyên mẫu thứ 3 lên tiếng không hài lòng với cách làm của đoàn phim Em và Trịnh

Gần ba tháng sau khi Em và Trịnh ra rạp, nhà sản xuất phim tiếp tục vấp phải phản ứng gay gắt của nguyên mẫu thứ 3: giáo sư Michiko Yoshii. Theo bà, đoàn phim đã sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin đời tư của bà để làm chất liệu cho phim.

Trước đó, lần lượt danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy cũng bày tỏ thái độ phật lòng vì phim “bóp méo” chân dung của họ, cũng như khắc họa sai lệch mối quan hệ giữa họ với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sự lên tiếng của giáo sư Michiko Yoshii vào thời điểm này cho thấy những hệ lụy từ việc làm phim tiểu sử sẽ rất dai dẳng nếu ngay từ đầu những người làm phim không hành xử có tình có lý với “nguyên mẫu”. Nếu như những bộ phim thông thường chỉ chịu sự soi xét của khán giả và giới chuyên môn thì phim tiểu sử còn phải đối diện với cặp mắt của “nguyên mẫu”. Sự hài lòng của “nguyên mẫu” sẽ khiến ý nghĩa của một bộ phim làm ra để tôn vinh trọn vẹn hơn.

Chân dung ca sĩ Khánh Lý trong phim Em và Trịnh cũng vấp phải phản ứng của nguyên mẫu
Chân dung ca sĩ Khánh Ly trong phim Em và Trịnh cũng vấp phải phản ứng của nguyên mẫu

Phim truyện luôn có tính hư cấu nhưng một bộ phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật không có nghĩa là người làm phim toàn quyền thoải mái sáng tạo. Nhất là với những nhân vật mà nguyên mẫu còn sống. Xin phép nguyên mẫu trước khi làm phim là việc cần làm hàng đầu vì đó là cách biểu thị sự tôn trọng đối với người mà đoàn phim muốn sử dụng hình ảnh để kinh doanh.

Danh ca Thanh Thúy từng bức xúc với việc khắc họa hình ảnh bà đi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ngõ tối trong phim Em và Trịnh
Danh ca Thanh Thúy từng bức xúc với việc khắc họa hình ảnh bà đi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ngõ tối của phim Em và Trịnh

Tất nhiên không nhất thiết phải “đẽo cày giữa đường” để có sự hài lòng của nguyên mẫu vì làm phim là đưa ra góc nhìn riêng về nhân vật. Nhưng mọi sáng tạo trong dòng phim này cần được cân nhắc để nguyên mẫu cảm nhận được mình đang được tôn vinh chứ không phải bị “bức tử”.

Không dùng tên nguyên mẫu cho nhân vật hay xây dựng hình tượng một nhân vật phảng phất bóng dáng nhiều nguyên mẫu cũng là một cách làm tránh gây tranh cãi. “Chiêu” này được thấy trong hình ảnh nhân vật Định Công, Văn Đỗ xây dựng trong phim Em và Trịnh.

Hội bạn thân của Trịnh Công Sơn trong phim
Hội bạn thân của Trịnh Công Sơn trong phim

Dòng phim tiểu sử ở nước ta vẫn còn quá mới nên những người đi tiên phong khó tránh khỏi sơ suất trong quá trình thực hiện. Sự lên tiếng của những nguyên mẫu là phản hồi cần thiết để người làm phim kịp thời điều chỉnh, cẩn trọng hơn cho lần sau. Đặc biệt là khi lấy cảm hứng những vấn đề liên quan tình cảm đời tư vì đó là chuyện rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự nguyên mẫu còn sống.  

Luật sư Diễm Phượng (trái) được giáo sư Michiko Yoshii ủy quyền làm việc với nhà sản xuất phim Em và Trịnh
Luật sư Diễm Phượng (trái) được giáo sư Michiko Yoshii ủy quyền làm việc với nhà sản xuất phim Em và Trịnh

Ranh giới giữa sáng tạo và xúc phạm, giữa tôn vinh hay bức tử tuy cách nhau lằn ranh cảm nhận nhưng để lại khoảng cách khá xa về cách làm nghề. Những chuyện tưởng đơn giản nhưng gây tranh cãi, kiện tụng có ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc người xem, trở thành "sạn" đáng tiếc của tác phẩm được đầu tư công phu. 

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI