Đừng để người trẻ đơn độc trong cuộc chiến tâm lý

25/04/2023 - 09:00

PNO - Không ít người trẻ đã chọn cách từ bỏ cuộc sống trong một cuộc chiến đơn độc - cuộc chiến với nội tâm.

Nhiều người trẻ tự tử

Cái chết đột ngột của ngôi sao Moonbin (25 tuổi) - thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc ASTRO - hôm 19/4 khơi lại những ký ức buồn của K-pop, đồng thời làm nổi bật mối đe dọa từ tình trạng tự tử ở giới trẻ. Sự ra đi của Moobin khiến người hâm mộ thế giới nhớ đến Jonghyun - thành viên của nhóm nhạc nam SHINee - người cũng tự tử vào ngày 18/12/2017, ở tuổi 27. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho một người bạn, anh viết: “Tôi cảm thấy tan nát từ bên trong. Căn bệnh trầm cảm đang ăn mòn tôi, cuối cùng nó đã nuốt chửng tôi và tôi không thể đánh bại nó".

Gia đình, bạn bè chính là chỗ dựa quan trọng nhất đối với những người trẻ đang cô độc và tuyệt vọng trước áp lực của cuộc sống - ẢNH MINH HỌA: GETTY IMAGES
Gia đình, bạn bè chính là chỗ dựa quan trọng nhất đối với những người trẻ đang cô độc và tuyệt vọng trước áp lực của cuộc sống - Ảnh minh họa: Getty Images 

Dữ liệu năm 2021 từ Dịch vụ thông tin thống kê Hàn Quốc cho thấy, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 26/100.000 dân, trung bình 37 người tự tử mỗi ngày. Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Hàn Quốc đối với những người trong độ tuổi từ 10-39. Paik Jong-woo - giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee và là cựu Giám đốc Trung tâm phòng chống tự tử Hàn Quốc - cho rằng, tỉ lệ tự tử cao trong nhóm thanh thiếu niên và người dưới 30 tuổi là do nỗi ám ảnh "không đáp ứng được kỳ vọng" từ xã hội.

Đại dịch COVID-19 và các quy tắc giãn cách xã hội chặt chẽ càng tạo ra tác động lớn đối với những người trẻ tuổi, nhóm đối tượng về cơ bản cần nhiều hoạt động xã hội. Ông Paik giải thích: “Căng thẳng do giãn cách xã hội, lo lắng về tương lai và khó khăn trong việc tìm việc có thể cùng nhau đẩy tỉ lệ tự tử trong giới trẻ Hàn Quốc lên cao”.

Bức tường chắn từ gia đình, bạn bè

Tình trạng tự tử ở người trẻ do vấn đề tâm lý không phải chỉ là của Hàn Quốc mà dường như đang là vấn đề của toàn cầu. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, số vụ tự tử ở nhóm học sinh trung học tại xứ sử hoa anh đào đã đạt mức kỷ lục với 512 vụ vào năm 2022. Tại Mỹ, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ghi nhận, 57% trẻ em gái và 29% trẻ em trai trong nhóm 13-19 tuổi cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng dai dẳng vào năm 2021, với gần 1/3 trẻ em gái từng nghiêm túc nghĩ về việc tự tử.

Tại Hà Lan -quốc gia đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của thế giới năm 2023 -khảo sát từ Dịch vụ y tế công cộng và các văn phòng ứng phó y tế khẩn cấp theo khu vực (GGD GHOR) cho thấy, hơn một nửa cư dân Hà Lan từ 16-25 tuổi đã trải qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng và thường xuyên chán nản vào năm 2022. Trong đó, 50% cho biết họ từng có ý định tự tử ít nhất một lần trong vòng 12 tháng gần nhất. Đồng thời, 2/3 số người được hỏi cảm thấy cô đơn vào thời điểm nghiên cứu.

Tình trạng này phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi có học thức, phụ nữ và những người sống một mình. Họ dường như không có sự ràng buộc chặt chẽ trong các mối quan hệ cá nhân cũng như ít khi liên lạc với bạn bè, gia đình và người quen.


 

Cha mẹ cần đồng hành, đối thoại với con về nhiều vấn đề để chúng có thể mở lòng về những cảm xúc nội tâm - ẢNH MINH HỌA
Cha mẹ cần đồng hành, đối thoại với con về nhiều vấn đề để chúng có thể mở lòng về những cảm xúc nội tâm - Ảnh minh họa

Trong thông điệp nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới vào tháng 10/2022, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho biết, gần một tỉ người đang sống với tình trạng sức khỏe tâm thần yếu trên toàn cầu. Dù vậy, đây vẫn là một trong những “khía cạnh bị lãng quên nhất của chăm sóc sức khỏe”. Ông nói: “Chúng ta phải tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng cho những người có nhu cầu, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Đầu tư vào an sinh tinh thần nghĩa là đầu tư vào các cộng đồng khỏe mạnh và thịnh vượng”. 

Vào giữa tháng Tư, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch kiểm tra sức khỏe tâm thần mỗi 2 năm để giải quyết tỉ lệ tự tử cao ở nước này. Chính phủ cũng sẽ thành lập một tổ chức giám sát 24 giờ, chuyên kiểm soát nội dung trực tuyến liên quan đến các phương pháp tự sát hoặc ý định tự sát.

Tại Nhật Bản, từ năm 2022, khóa học về phòng ngừa và phục hồi ám ảnh tâm thần đã được thêm vào các lớp giáo dục thể chất và sức khỏe ở trường trung học. Mục tiêu là giúp những người trẻ tuổi tìm hiểu về bệnh tâm thần, nhận thức được vấn đề tâm lý của bản thân và những người xung quanh để tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi họ cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Cuối cùng, bên cạnh những chính sách tích cực từ các chính phủ, sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè chính là bức tường chắn hiệu quả nhất ngăn cản người trẻ tìm đến cái chết. 

Mike Palmer - một người lính cứu hỏa 58 tuổi ở Manchester, Anh - đã làm mọi cách để bảo vệ các cô con gái của mình như thường xuyên đưa đón, dạy võ, đưa ra lời khuyên về cuộc sống. Nhưng trong khi Mike giúp các con thoát khỏi những rủi ro từ ma túy, tội phạm và lái xe quá tốc độ thì cô con gái út của anh - Beth - đã tự chấm dứt cuộc sống ở tuổi 17 vào năm 2020. Anh Mike chia sẻ: “Mối nguy hiểm lớn nhất đối với Beth là chính bản thân con bé và tôi hoàn toàn bỏ qua điều đó. Nếu tôi hỏi đúng câu hỏi và Beth có thể nói về cảm xúc của mình sớm hơn thì bây giờ có thể con bé vẫn còn ở đây”.

3 năm sau cái chết của Beth, Mike và những người bạn của anh đã tổ chức các chuyến đi bộ đường dài và quyên góp được hơn 1 triệu bảng Anh cho tổ chức từ thiện Papyrus nhằm ngăn ngừa tự tử ở thanh niên. Bạn đồng hành của Mike, ông Andy Airey - người cũng mất cô con gái Sophie (29 tuổi) do tự sát - chia sẻ: “Chúng ta cần giúp mọi người, nhất là giới trẻ, hiểu rằng điều đúng đắn cần làm là yêu cầu sự giúp đỡ, thay vì cố gắng tự mình giải quyết mọi vấn đề”. 

Linh La (theo Korea Times, Guardian, CNN, Japan Times)

Những dấu hiệu nào cho thấy tâm lý của trẻ trở nên bất thường?

Bác sĩ Kirsten A. Bechtel - Bệnh viện Nhi đồng, Đại học Yale (Mỹ) - cho biết, khoảng 900/40.000 bệnh nhi đến bệnh viện mỗi năm để được hỗ trợ về chứng lo âu, trầm cảm, các vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần khác. Khoảng một nửa trong số đó từng suy nghĩ hoặc có hành vi tự sát. Trong một số trường hợp, hành động làm hại bản thân dường như không có lý do rõ ràng nào. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tự tử đều có thể ngăn ngừa được. Nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy, chẳng hạn như cha mẹ, giáo viên hoặc bác sĩ, có thể là cứu cánh cho những em đang tuyệt vọng.

Theo tiến sĩ Eli Lebowitz - Giám đốc Chương trình rối loạn lo âu tại Trung tâm Nghiên cứu trẻ em, Đại học Yale - một đứa trẻ bình thường phải có cuộc sống xã hội cả trong và ngoài trường học cũng như khả năng tham gia cuộc sống gia đình lành mạnh. Cha mẹ nên chú ý nếu con thường xuyên tức giận, cáu kỉnh hoặc khó chịu. Chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên có thể biểu hiện qua những hành vi này. Cha mẹ cũng cần quan tâm nhiều hơn đến con nếu đứa trẻ tìm cách tự cô lập mình khỏi bạn bè, thường xuyên xung đột với gia đình hoặc bạn bè, có tâm trạng thất thường, cho đi đồ đạc của mình hoặc bắt đầu sử dụng rượu bia, chất kích thích.

Ý định tự sát không phải là hiếm. Trên thực tế, hầu hết thanh thiếu niên đều từng có suy nghĩ này, ngay cả khi họ không thử thực hiện. Dù vậy, nhiều bậc cha mẹ do dự khi đặt câu hỏi trực tiếp cho con. Tiến sĩ Lebowitz khẳng định: “Không hỏi con là sai lầm chung của người làm cha mẹ”. Hãy hỏi trẻ rằng: “Liệu con có bao giờ muốn làm đau chính mình không?”. Nếu câu trả lời là “có”, phụ huynh có thể đặt thêm các câu hỏi tiếp theo: “Con có thường xuyên nghĩ về điều đó không, khi nào?”, “Con có muốn làm điều đó?”... Nếu câu trả lời tiếp tục là “có”, cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. 

Quá trình điều trị, loại bỏ ý nghĩ tự tử có thể bắt đầu bằng việc hiểu những mối quan tâm tiềm ẩn của trẻ, kết hợp với liệu pháp cá nhân, sự hỗ trợ của thuốc tùy thuộc vào hoàn cảnh. Cuối cùng, cha mẹ cần biết rằng câu nói “con vẫn ổn” nhiều lúc chỉ có tác dụng như một lời trấn an dành cho cha mẹ. Để bước vào thế giới nội tâm của con, cùng con chiến đấu cuộc chiến với chính mình, cha mẹ cần sự nhẫn nại, thấu hiểu và vị tha. 

Ngọc Hạ (theo Yale Medicine)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI