Đừng để người già cô độc trên không gian mạng

23/09/2024 - 06:47

PNO - Việc giúp người già tiếp cận công nghệ và sử dụng chúng một cách an toàn là một quá trình lâu dài và cần sự chung tay của cả xã hội.

Nạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, các chiêu trò lừa đảo luôn biến hóa tinh vi, số tiền bị lừa ngày càng lớn, nạn nhân ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến vẫn là phụ nữ và người cao tuổi.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ trở thành một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Đặc biệt, người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc làm quen với các thiết bị và ứng dụng mới. Điều này không chỉ hạn chế chất lượng sống của họ mà còn khiến họ dễ bị bọn lừa đảo tấn công.

Theo kết quả do Google công bố vào đầu năm 2024, qua khảo sát trên 1.248 người dùng internet Việt Nam về an toàn thông tin trực tuyến, có 90% từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Trong đó, nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương với 49% từng bị lừa đảo.

Có 3 lý do hàng đầu khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến lần lượt là: 48% không nhận ra tình huống đó là trò lừa đảo; 39% thấy giao dịch, giải thưởng có vẻ hấp dẫn; 38% cảm thấy tò mò.

Người già cô độc trên không gian mạng, loay hoay tiếp cận công nghệ là thực trạng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Người già khó tiếp cận ứng dụng công nghệ một phần là do chúng có giao diện chưa thân thiện với họ. Nhiều ứng dụng dày đặc chức năng, rối mắt, vô tình đánh đố người già.

Để người già dễ tiếp cận công nghệ, cần thiết kế các ứng dụng một cách đơn giản, trực quan, dễ sử dụng, có hỗ trợ bằng giọng nói hoặc hình ảnh. Các ứng dụng công nghệ cũng cần cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại, trực tuyến để giải đáp thắc mắc của người cao tuổi. Về lâu dài, cần tạo ra các cộng đồng trực tuyến hoặc trực tiếp để người cao tuổi có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỏi đáp và nhận được sự giúp đỡ.

Nhận thức về an toàn trên không gian mạng của người Việt chưa cao, ngay cả thế hệ trẻ. Do đó, nhiều người - đặc biệt là người cao tuổi - dễ dàng chia sẻ hình ảnh gia đình, lịch trình, các hoạt động trong ngày… lên không gian mạng. Đây sẽ là chất liệu để những kẻ lừa đảo bổ sung vào kịch bản lừa đảo, làm cho nạn nhân dễ sập bẫy.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ công nên có nhiều dịch vụ được triển khai trực tuyến như bảo hiểm, thuế, định danh điện tử, các thủ tục hành chính… Các đối tượng lừa đảo lợi dụng điều này để tiếp cận người lớn tuổi, tạo ra các kịch bản liên quan để chiếm đoạt thông tin cá nhân, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn đánh vào nỗi lo sợ của nạn nhân để thao túng, như thông báo con cháu họ bị tai nạn, vi phạm pháp luật, cần phải xác minh tài sản.

Để ngăn chặn lừa đảo nhắm vào người già, cần có các biện pháp nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng, như tổ chức các lớp, khóa đào tạo; tận dụng các kênh truyền thông để phổ biến về an toàn mạng; các đoàn thể chính trị - xã hội cần tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo để mọi người - đặc biệt là người cao tuổi - có cơ hội học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Song song đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện chế tài xử lý các đối tượng lừa đảo và tăng cường quản lý không gian mạng.

Cuối cùng, vai trò của gia đình là đặc biệt quan trọng. Con cháu cần dành thời gian hướng dẫn người cao tuổi sử dụng các thiết bị, ứng dụng một cách an toàn. Việc giúp người già tiếp cận công nghệ và sử dụng chúng một cách an toàn là một quá trình lâu dài và cần sự chung tay của cả xã hội. Chúng ta không nên để người cao tuổi tự “bơi” và trở thành miếng mồi ngon cho tội phạm mạng.

Nguyễn Hưng - đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo

Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI