Đừng để người dân 'cắn răng' tham gia bảo hiểm y tế

19/06/2017 - 13:00

PNO - Tồn tại hai lối ứng xử ở Việt Nam khiến hoạt động bảo hiểm y tế (BHYT) căng thẳng và kém hiệu quả.

Đúng như cách nhìn nhận của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: “Cứ tự hào 82% dân tham gia BHYT nhưng thử hỏi là bao nhiêu người sử dụng BHYT một cách thực chất”.

Nhiều người dân không xem BHYT như một phương tiện tài chính để được bảo vệ, phòng ngừa trước rủi ro bệnh tật. Họ xem đó như một “tài sản trả trước”, nên hình thành quan niệm phải xài… BHYT, thậm chí trục lợi.

Dung de nguoi dan 'can rang' tham gia bao hiem y te
 

Ở góc độ quản lý, cũng xuất phát từ văn hóa xem quỹ BHYT là tài sản và nỗi ám ảnh bội chi, nên cả cơ quan BHXH lẫn Bộ Y tế vẫn ra sức quản theo “phương châm” bảo vệ quỹ “đến cùng”.

Hệ quả là, để được thanh toán BHYT, người bệnh khổ sở, cơ sở y tế bị làm khó bởi nhiều quy định bất cập, rối rắm của các cơ quan này.

Điển hình vừa qua, dư luận bức xúc khi thuốc Cellcept 250mg Cap. điều trị bệnh Lupus ban đỏ bỗng dưng không còn được BHYT chi trả do vướng Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.

Rất may, sau khi báo chí phản ánh, Bộ Y tế và BHXH đã kịp thời linh động giải quyết trong khi chờ sửa các bất cập. Hoặc trong vấn đề sử dụng kháng sinh, bác sĩ muốn dùng các loại thế hệ mới, nhạy với vi khuẩn hơn, nhưng các thuốc này không nằm trong danh mục được thanh toán BHYT.

Dung de nguoi dan 'can rang' tham gia bao hiem y te
 

Bác sĩ buộc phải sử dụng thuốc “đủ điều kiện thanh toán”, điều đáng nói, những loại này đã kháng thuốc.

“Nỗi ám ảnh bội chi” của cơ quan quản lý lại chuyển hóa thành “nỗi sợ xuất toán” của cơ sở y tế. Phát sinh hệ lụy thủ tục khám chữa bệnh BHYT “chặt chẽ” đến mức nhiêu khê.

Một tín hiệu vui, việc hoàn thành kết nối hơn 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc trong năm 2016 bằng hệ thống phần mềm thông tin giám định BHYT (giám định điện tử) đã cho phép kiểm soát “văn hóa xài BHYT” khá tốt.

Hệ thống đã giúp phát hiện nhiều hành vi trục lợi BHYT. Đơn cử, truy xuất dữ liệu, BHXH Việt Nam phát hiện hàng trăm trường hợp đi khám bệnh hơn 50 lần trong một quý. 

Dung de nguoi dan 'can rang' tham gia bao hiem y te
 

Công cụ kiểm soát hành vi trục lợi đối với người dân, cơ sở y tế đã có và đang phát huy hiệu quả. Vậy có công cụ nào “trị” văn hóa quản lý xem BHYT là tài sản để “khư khư” bảo vệ?

Khi ra văn bản sai, lạc hậu, “thuốc” nào trị sự chậm chạp của Bộ Y tế trong điều chỉnh, sửa chữa? 

Muốn không vỡ quỹ phải tăng cường năng lực quản lý bằng tư duy sáng tạo, trách nhiệm, cơ chế tài chính, thu nợ hợp lý và đa dạng hóa mức đóng... chứ không phải chỉ lo siết chi và xuất toán bằng những mệnh lệnh hành chính.

Chính tư duy quản lý kiểu này đã, đang và sẽ làm giảm chất lượng, uy tín của BHYT khiến nó trở nên hình thức, kém hiệu quả và người dân cứ phải “cắn răng”… tự nguyện. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI