Đừng để nghề giáo từ cao quý thành rủi ro

16/03/2018 - 08:47

PNO - Bị phụ huynh bắt quỳ gối, bị học trò bóp cổ, bị mất việc làm hàng loạt… Chưa bao giờ nghề giáo lại chua xót đến như vậy.

Rủi ro từ nhiều phía

Trong lúc vụ cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi tại Trường tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An chưa kịp lắng xuống, thì lại xảy ra vụ một cô giáo khác bị học sinh bóp cổ ngay trong giờ học tại Trường THCS Tân Thạch, tỉnh Bến Tre.

“Có vẻ nghề giáo lúc này đang trở thành nghề nguy hiểm, và nhà trường - nơi được ví như những “pháo đài” của đạo đức đang trở thành nơi ai thích làm gì thì làm”, ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ, chua chát nói.

Dung de nghe giao tu cao quy thanh rui ro
 

Nhưng nỗi đau và sự tổn hại của các cô giáo vừa nêu xảy ra do lỗi của những học sinh manh động và những vị phụ huynh cạn nghĩ. Còn sự vụ hơn 500 thầy cô giáo ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đang bị đẩy ra khỏi trường thì quả là cay đắng cho nghề.

Nhiều người trong số họ đã chôn vùi cả tuổi trẻ để phấn đấu, hy vọng, chờ đợi được vô biên chế. Nhưng không, họ đã bị chính các cấp lãnh đạo của mình gồm hiệu trưởng và chủ tịch huyện cho ký hợp đồng lao động ồ ạt dù thực tế địa phương không có nhu cầu, rồi nay chấm dứt hợp đồng.

Trước đó, nhiều giáo viên phải tạm ngưng dạy để đi làm việc khác vì lương chỉ trên 1 triệu đồng/tháng, không thể xoay xở cuộc sống gia đình. Có giáo viên sáng đi bán cháo, chiều lên lớp cũng vì đồng lương quá bèo bọt.  

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, khi trả lời chất vấn của báo chí, đã thừa nhận đang rất căng thẳng về tình trạng dôi dư hơn 500 giáo viên hợp đồng nói trên. Theo bà Trinh, trách nhiệm thuộc về những người đã ký quyết định tuyển dụng không sát với thực tế và nhu cầu.

Nhưng vấn đề đặt ra là chuyện các vị lãnh đạo đã ký tiếp nhận hàng trăm thầy cô giáo trẻ mà địa phương không có nhu cầu thì liệu có vô tư và minh bạch không? 

Không ít giáo viên, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, chia sẻ: vô biên chế không chỉ là chuyện công ăn việc làm mà còn là sự ổn định, là mặt mũi gia đình với họ hàng, chòm xóm. Nó là cả tương lai cuộc đời mình.

Bởi thế, nhiều người dù có đủ bằng cấp và tiêu chuẩn vẫn chấp nhận “đi cửa sau” để có một suất biên chế. Tại TP.HCM, chuyện “chạy chọt” vào biên chế ngành giáo dục cũng đã ồn ào nhiều năm.

Hậu quả là hiện nay không ít trường đang thừa giáo viên, không biết bố trí vào đâu; không ít giáo viên hằng ngày đứng trên bục giảng nhưng không đủ chuẩn... Nếu ngành giáo dục không chấn chỉnh công tác tuyển dụng, rủi ro cho nghề giáo như ở Krông Pắk sẽ tiếp tục diễn ra.

Trả lại sự cao quý cho nghề dạy học

Nghề giáo vốn vô cùng cao quý và tiếp tục được các nhà hoạch định chính sách tìm cách để nó trở nên cao quý hơn, để thu hút tài năng đến với ngành. Thế nhưng, những sự việc như vừa nêu trên làm cho hình ảnh nghề dạy học chẳng những bị sụp đổ mà còn gánh chịu những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài. Đồng lương quá thấp, xin việc thì khó khăn, thậm chí phải “chạy chọt cửa trước, cửa sau” khiến người trẻ, người giỏi không dám bước vào nghề.

“Có ca tụng nghề này cao quý đến đâu, có khoác cho nó chiếc áo sặc sỡ đến thế nào mà khi vén áo lên người ta thấy toàn sự khó khăn, chua chát, nhếch nhác… thì người học giỏi giang, tự trọng cũng không thể tới; những người có yêu nghề cũng đành phải lánh xa. Thật khó chấp nhận khi những sự thực nhếch nhác ấy đang tồn tại trong môi trường sư phạm”, một vị hiệu trưởng bày tỏ. 

Do đó, để nghề giáo thực sự là nghề cao quý, thay vì cứ hô hào suông về tôn sư trọng đạo thì hãy cải thiện môi trường làm việc cho người thầy, cải thiện đồng lương để người thầy sống được đàng hoàng. Đặc biệt là phải công khai, minh bạch, tránh “chạy chọt” trong tuyển dụng giáo viên. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI