Đừng để mẹ già đi viện một mình

16/09/2022 - 05:57

PNO - Đến khi cha mẹ rời cõi tạm, không ít người ngẩn ngơ nghĩ phải chi cha mẹ còn nằm đó, để con được bón muỗng cháo, nắn bóp tay chân, gãi lưng...

Tôi bị bệnh về cột sống nên chọn một nơi điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu vì tôi dị ứng với thuốc tây. 

Ngày đầu đến khám, tôi nghe được một câu chuyện. Bác sĩ hỏi một người bệnh: “Ai đến đây với bà?”. Bà cụ ngồi xe lăn chỉ ra phía cửa sổ cách đó vài bước chân, một phụ nữ độ tuổi trung niên đang đứng đợi. Bác sĩ hỏi tiếp: “Đó có phải là người nhà của cụ không?”. Bà cụ gật đầu rồi lại lắc đầu. Bác sĩ hỏi lại, bà cụ mới nói là chị hàng xóm. 

Bác sĩ lại hỏi cặn kẽ xem cụ có mấy người con? Người đàn bà tóc bạc lơ thơ nhưng còn minh mẫn, bà nói có năm người con nhưng đều bận rộn công việc, biết mẹ bị tai biến điều trị lâu nên thuê người chăm sóc, rồi mỗi đứa sẽ vào thăm sau. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Bác sĩ giải thích cho bà cụ biết, bệnh nhân tai biến, nhất là người già đến khám và điều trị phải có con cháu theo cùng. Bác sĩ chỉ về hướng treo tấm bảng nội quy của bệnh viện có ghi rõ ràng nội dung ấy. 

Một anh điều dưỡng làm việc lâu năm ở bệnh viện cho biết, các bác sĩ luôn nhấn mạnh về việc chăm sóc bệnh nhân tai biến, phải là người thân, tốt nhất là con, cháu, vợ, chồng… Bởi vì chỉ người thân mới mang lại hơi ấm, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục hơn. Nơi này không dùng thuốc mà, nên sức khỏe tinh thần của bệnh nhân rất quan trọng. Bệnh đâu chỉ có ở thân, mà còn ở tâm nữa. 

Anh điều dưỡng nói thêm, các bác sĩ làm “căng” chuyện này lắm, nhất là trường hợp cha mẹ già yếu mà con cái không đi theo cùng, để cha mẹ phải vào điều trị một mình, hoặc với người xa lạ chẳng thể có tình cảm gắn bó…

Anh nói đến đó rồi chép miệng, biết là mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng thử nghĩ xem, lúc này không chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già thì là lúc nào nữa? Công việc quan trọng đến vậy hay sao? Không lẽ đợi đến khi hết bận rộn mới chăm sóc cha mẹ được? Cha mẹ già như ngọn đèn treo trước gió, có đợi mình đến ngày đó không?

Tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi. Nhớ hồi mẹ tôi còn sống, anh em tôi không thuê người chăm sóc mẹ ở bệnh viện nhưng thỉnh thoảng kẹt công chuyện cũng có nhờ người nọ người kia vào chăm. Sau những lần ấy tôi vào đều thấy ánh mắt mẹ buồn buồn. Mẹ không trách con cái, mẹ còn khuyến khích đám con cháu cứ lo cho công việc, đừng vì mẹ mà dở dang công chuyện đang làm, mẹ không vui đâu. 

Ảnh mang tính minh họa - Wiroj Sidhisoradej
Ảnh mang tính minh họa - Wiroj Sidhisoradej

 

Vậy nên cứ thấy mẹ khỏe lại, đám con lại lơ là đến bệnh viện với mẹ. Anh Bảy ở xa nhất, cũng siêng gọi điện, nhưng chỉ hỏi thăm “mẹ sao rồi?”. “Sao rồi” ở đây là có trở nặng không, có cấp bách phải đến liền không? Nếu nghe nói mẹ ổn, tỉnh táo lên, ăn uống được là cuối tuần đó không thấy anh xuất hiện. 

Ai có người nhà đau ốm lâu mới biết cảnh nuôi bệnh ở bệnh viện vất vả thế nào. Vậy mà đến khi cha mẹ rời cõi tạm, không ít người ngẩn ngơ nghĩ phải chi cha mẹ còn nằm đó, để con được bón muỗng cháo, nắn bóp tay chân, gãi lưng mỗi ngày… Thêm giờ nào, ngày nào tốt ngày đó, để con còn có cha, có mẹ. 

Ánh Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI