Đừng để mất mạng vì lỗ rò bé xíu

27/07/2019 - 07:00

PNO - Khi phát hiện trên cơ thể có lỗ rò (dù là bẩm sinh hay mắc phải), bạn nên đi khám ngay để được can thiệp sớm nhất, đừng chủ quan đợi tới lúc có triệu chứng bất thường mới đến bệnh viện.

Đường rò ở một số vị trí phức tạp có thể thông tới các cơ quan quan trọng, khi nhiễm trùng chuyển nặng rất nhanh, gây nguy hiểm tính mạng.

Áp-xe lỗ rò rất dễ tái phát 

Chị P.T.T. (ngụ Q.10, TP.HCM) có một lỗ rò bằng đầu đũa ở cổ từ khi sinh ra nhưng không gây đau đớn. Thỉnh thoảng, chị T. lấy tay nặn thì thấy từ lỗ này chảy ra chút dịch vàng, mùi hôi. Cách đây vài ngày, tự dưng lỗ nhỏ này sưng to, tiết mủ vàng và mùi hôi. Tình trạng ngày một nặng, bệnh nhân bị sốt cao 39 độ C, phải vào bệnh viện khám. 

Dung de mat mang vi lo ro be xiu
Bác sĩ Trần Doãn Trung Cang đang phân tích tình trạng một bệnh nhân có đường rò khe mang 

Các bác sĩ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM xác định chị T. có khối áp-xe ở cổ đang nhiễm trùng. Đây là một tình trạng rò khe mang bẩm sinh, nếu không xử lý kịp thời, ổ áp-xe sẽ lan rộng xuống vùng tim, phổi và bệnh nhân có thể tử vong. Chị T. đã được phẫu thuật rạch dẫn lưu áp-xe. 

Sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, các bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật để lấy đường rò. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Doãn Trung Cang - Khoa Phẫu thuật đầu mặt cổ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM - tiên lượng, với những trường hợp đường rò đã chuyển biến áp-xe, khi mổ sẽ phức tạp hơn rất nhiều bởi các mô bị biến đổi, co dính, rất khó phân biệt giữa mô lành và mô rò. Vì thế, lúc thao tác, bác sĩ khó lấy sạch đường rò nên nguy cơ tái phát cao. Tỷ lệ người bị lỗ rò khe mang khá nhiều, chiếm 30% trên tổng số các trường hợp bị bẩm sinh bất thường vùng cổ.

Liên quan đến lỗ rò trên cơ thể, mới đây Bệnh viện Tai - Mũi - Họng cũng vừa phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân T.V.D. (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Trường hợp của ông D. không phải là lỗ rò bẩm sinh. Bệnh nhân mới phẫu thuật ung thư thanh quản. Bệnh nhân phải mổ hở, mở đường họng mới có thể lấy hết được khối u. Và khi đóng đường họng lại, vết khâu bị xì rò.

Đây là một trong những biến chứng thường gặp của ca mổ. Sau mổ vài ngày, bệnh nhân sốt cao, cổ sưng to (do nước bọt và dịch từ họng xì qua vết khâu vào vùng mới được nạo vét khối u). Rất may mắn, bệnh nhân được phát hiện kịp thời... Phải mất một tháng sau đường rò mới lành hẳn. Nếu xử lý chậm, tình trạng sẽ vô cùng phức tạp, dịch và nước bọt rò vào vết mổ gây nhiễm trùng, bục vết mổ...

Gần 30%bệnh nhân khám bất thường đầu mặt cổ có lỗ rò

Bác sĩ Cang cho biết, đường rò là đường thông nối giữa hai bộ phận cơ thể hay bộ phận đường ống này sang đường ống khác hoặc ra ngoài da. Đường rò chia làm hai dạng: bẩm sinh và mắc phải.

Đường rò bẩm sinh có rất nhiều loại, do trong quá trình phôi thai phát triển gặp bất thường. Lỗ rò hay ở các vị trí: trước tai (rò luân nhĩ), ở cổ (rò khe mang), rò đáy lưỡi, xương móng (rò giáp móng do sự phát triển bất thường của tuyến giáp). Nếu lỗ rò ngoài ở dưới da sẽ tạo thành nang (rò khe mang).

Chăm sóc đúng cách

Chăm sóc các lỗ rò để tránh biến chứng và nhiễm trùng là điều cần lưu ý. Trước đó, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM từng tiếp nhận một trường hợp phải nhập viện cấp cứu do chăm sóc lỗ rò sai cách.

Đó là một cụ ông 73 tuổi, ngụ tại Long An. Do lỗ rò luân nhĩ ở trước tai phải chảy mủ gây ngứa ngáy, bệnh nhân đã tự lấy tăm bông chọc vào lỗ rò để gãi. Kết quả, cây tăm bông bị gãy và nằm lại trong lỗ rò gây áp-xe. 

Theo các bác sĩ, 1/3 các trường hợp rò luân nhĩ không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi đã có dấu hiệu chảy mủ, dịch, sưng tấy (nhiễm trùng), bắt buộc phải phẫu thuật để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng, tiến triển thành nhiễm trùng máu, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Đa số trường hợp nhiễm trùng đường rò là do bệnh nhân tự ý lấy dị vật chọc, ngoáy vào lỗ rò để gãi ngứa. Thậm chí một số trẻ em hiếu kỳ, nghịch ngợm còn nhét dị vật vào lỗ rò.

Trong các vị trí lỗ rò kể trên, rò luân nhĩ thường gặp nhất nhưng xử trí không khó do đường rò ngắn. Riêng rò khe mang được chia thành 4 dạng.

Dạng thứ nhất: lỗ rò trong nằm dưới ống tai ngoài, lỗ rò ngoài ở tuyến mang tai, vùng cổ cao hoặc góc hàm.

Dạng thứ hai: lỗ rò trong ở vùng amidan, lỗ rò ngoài ở vùng dưới cằm.

Dạng thứ ba: lỗ trong ở đáy xoang, lỗ ngoài ở 1/3 phía trên cổ.

Dạng thứ tư: lỗ trong ở khí quản, lỗ ngoài ở 1/3 dưới vùng cổ. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, vị trí lỗ rò có thể thay đổi đôi chút.

Tiếp đến, các bệnh nhân bị đường rò mắc phải thường xảy ra do tai biến sau phẫu thuật. Cụ thể các phẫu thuật vùng họng, thực quản… làm tổn thương niêm mạc vùng này và gây rò.

Biểu hiện của đường rò mắc phải sau phẫu thuật là xì dịch, mủ ở vết khâu trên da hoặc tạo thành nang ở vùng cổ. Những áp-xe do lỗ rò ở vùng cổ gây ra rất nguy hiểm bởi nhiễm trùng dễ lan xuống vùng tim, phổi, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Cang, khi thấy đường rò bẩm sinh hay mắc phải, dù chưa gây đau đớn nhưng bạn không nên chủ quan mà hãy đi khám ngay để được can thiệp càng sớm càng tốt. Tùy độ tuổi, bác sĩ sẽ ra chỉ định điều trị thích hợp.

Đối với trẻ sơ sinh, đừng vội can thiệp, nhưng từ ba tuổi trở lên đã có thể gây mê, phẫu thuật lấy đường rò. Ước tính 30% các trường hợp đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM khám bất thường vùng đầu, mặt, cổ được ghi nhận có lỗ rò. Trong đó, lượng bệnh nhân có lỗ rò nhưng chưa chuyển biến áp-xe chiếm khoảng 10%. 

Tại sao bịt hết mũi và miệng mà tôi vẫn thở được?

* Tôi thấy cạnh mũi có một lỗ nhỏ nhưng không gây đau đớn. Đôi lúc bạn bè trêu đùa bịt hết mũi, miệng mà tôi cũng không bị ngộp thở. Vậy tôi bị gì? Có phải đây là lỗ rò thông với mũi không? 

Chị N.T.X. (Q.3, TP.HCM)

Bác sĩ Trần Doãn Trung Cang - Khoa Phẫu thuật đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM: Theo mô tả của chị, có thể đây là một trường hợp rò rễ mũi (tỷ lệ rất hiếm gặp). Tuy nhiên, một lỗ rò nhỏ cạnh mũi như thế cũng không đủ để thở khi bịt hết mũi và miệng. Chị cần đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM để bác sĩ khám trực tiếp.

Với các trường hợp rò đơn giản như luân nhĩ thì chỉ cần nhìn bằng mắt thường là có thể nhận ra. Tuy nhiên, trong trường hợp phức tạp hơn, bệnh nhân cần được bơm thuốc cản quang rồi chụp CT để xác định lỗ rò bên trong. Chưa chắc chị chỉ có một đường rò duy nhất. Dù không đau nhưng chị tránh chủ quan vì các đường thông như vậy có thể gây nhiễm trùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI