Thứ Hai, 9 giờ sáng, thông thường tôi đã đến cơ quan, ngồi vào bàn và chuẩn bị làm việc. Nhưng hôm nay tôi lại phải tất tả dẫn con đến bệnh viện, ngồi chờ ở phòng khám, bụng dạ nóng ran như lửa đốt. Nóng vừa vì con đã nuốt vật gì vào bụng, vừa vì tôi tự trách mình.
Tôi đã ngồi ngay bên cạnh cho con ăn mà không ngăn được nó. Thằng nhỏ hai tuổi quấy cả bữa ăn, chỉ có thể đút cháo vào miệng khi nó bị phân tâm, và hôm nay, tôi ngồi ngay đó, ngó qua cái bếp, ngó lại thì chỉ kịp thấy một vật gì đó đã tọt vào miệng thằng nhỏ. Cảm thấy có tội, tôi “tình nguyện” dẫn thằng cu vào bệnh viện, trong khi bố nó đi làm. Có vật lạ trong bụng nhưng thằng nhóc vẫn ngây thơ cười nói như chả có chuyện gì xảy ra.
Ngẩng mặt lên khỏi con, tôi chứng kiến cả phòng chờ đầy những bậc cha mẹ với con cái cùng chờ đến lượt. Nói chuyện qua lại, hóa ra có khá nhiều phụ huynh cũng có hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi là những cha mẹ mang nặng mặc cảm tội lỗi. Với suy nghĩ “rời mắt khỏi con một giây” rồi để con té xuống cầu thang, chạy ra đường bị xe quẹt, thò tay vào cánh quạt... Đôi khi, tai nạn xảy ra không hẳn do lỗi của cha mẹ, nhưng phản ứng tự nhiên của chúng ta là tự đổ lỗi cho mình. Và điều buồn cười là tai nạn luôn xảy ra, dù chúng ta có cẩn thận đến mấy.
Đó là phản xạ tự nhiên của những người có “nghề” làm cha mẹ. Mỗi lần con cái gặp tai nạn là nó kích hoạt cảm giác tội lỗi của bố mẹ, làm chúng ta cảm thấy hối hận với những lựa chọn, quyết định của mình khiến có thể đẩy con đến tình cảnh đó. Từng vết cắt, vết trầy, cơn đau bụng, cảm cúm... của con, bố mẹ lại mong mình có thể thế chỗ con, chịu đựng thay trẻ những nỗi đau đó.
Ngay cả khi con bệnh, cha mẹ cũng nhức nhối với những suy nghĩ như mong thay đổi được quá khứ, ước là mình đoán trước được bệnh của con để ứng phó, thậm chí đổ lỗi đến cả gen di truyền của mình để bệnh lại cho con. Cha mẹ khó có thể cưỡng lại cái phản xạ này. Không có nghề nào khó hơn "nghề" làm cha làm mẹ, và cũng không có trách nhiệm nào mà chúng ta coi trọng hơn nó. Tuy vậy, dù chúng ta có tự đổ lỗi cho mình đến mức nào, hay cố gắng bảo bọc con đến mức nào, thì việc điều khiển được tất cả mọi rủi ro là không thể.
Thử nghĩ về thế hệ các bậc cha mẹ trước kia, tôi không nhớ rằng bố mẹ mình đã từng có nhiều nỗi lo lắng như tôi có ngày nay không. Khi còn nhỏ, tôi lúc nào cũng lông nhông ngoài vườn, ngoài ngõ, sân chơi là những bãi đất đầy đá cuội và dĩ nhiên là không sạch sẽ gì. Thời đó không có mũ bảo hiểm khi đi xe, hay vắc-xin và khám bệnh định kỳ.
Cũng không có chuyện bố mẹ quá lo lắng về việc xin vào trường điểm này, trường điểm nọ cho con học an toàn, có thầy giỏi. Tôi không bảo rằng những tiện nghi ngày nay là dở, nhưng khi xưa, bố mẹ không cần phải xem xét từng chút một về cuộc sống của con cái. Tai nạn vẫn xảy ra, dù có những đảm bảo an toàn hiện đại hay không. Đầu gối trầy vẫn xảy ra, cúm sốt vẫn xảy ra, các chuyến đi đến bệnh viện vẫn xảy ra, bố mẹ vẫn phải đi theo con, dỗ dành chúng và dẫn con về nhà tiếp tục cuộc sống của mình. Ấy vậy mà con cái vẫn lớn lên khỏe mạnh đấy thôi.
Bản thân tôi vẫn thường tự hào là người có học và thường nghiên cứu, tìm hiểu về cách dạy dỗ, bảo vệ con cái đúng mức. Chính thế nên khi con gặp chuyện, nỗi dằn vặt “cắn” tôi đau hơn. Mọi chuyện có lẽ cũng không đến nỗi. Nhưng khi đến lượt vào phòng khám, chắc là tại không khí lạ và ồn ào, thằng cu bỗng dưng mếu máo.
Thấy con khóc trong khi được khám, cùng cái suy nghĩ day dứt trong lòng, tự nhiên tôi cũng mở “đường ống nước” và khóc theo. Nghĩ lại cũng thấy khá là buồn cười. Bác sĩ thấy vậy, trấn an và hỏi chuyện. Cô ấy cười, bảo rằng chuyện bố mẹ tự đổ lỗi cho mình cũng thường thôi, và lúc nào cũng làm lớn chuyện mà chẳng được gì. Bác sĩ kể rằng trước kia, cô ấy cũng từng quýnh quáng lên khi lỡ tay để con chạm vào ấm nước vừa đun sôi và bị bỏng.
Là bác sĩ, chắc hẳn cô ấy còn đổ lỗi cho mình “mạnh” hơn nữa - tôi nghĩ. Nhưng cô ấy bảo: “Cuối cùng thì con cái cũng qua cả thôi, tự trách mình cũng chẳng giúp được gì”. Có lẽ tôi cũng nên theo lời khuyên đó. Hóa ra vật lạ cũng không lớn mấy, và sẽ dễ dàng chui theo đường ruột và thoát ra một cách tự nhiên. Chỉ cần cho thằng nhỏ uống thuốc nhuận tràng và theo dõi là xong.
Tôi nghiệm ra rằng, chúng ta nên biết ơn những cách thức bảo vệ an toàn cho con cái ngày nay. Những cái như mũ bảo hiểm, dây an toàn, thuốc thang... được đưa ra để làm cho công việc của cha mẹ dễ dàng hơn, chứ không phải làm nó khó hơn. Chúng ta không hoàn hảo, trong khi lại phải đưa ra hàng ngàn quyết định mỗi ngày cho con trẻ.
Sai lầm là chuyện thường tình, tai nạn lại còn ngẫu nhiên hơn và không phải lỗi của ai cả. Nếu bạn may mắn, thì con cái lớn lên khỏe mạnh và không gặp vấn đề gì. Bất kỳ cha mẹ nào yêu thương con cũng sẽ gặp phải sự hối hận khi có chuyện xảy ra, và có lẽ đó là một cảm giác nên có, nhưng không phải là thứ mà ta nên để chúng hành hạ mình lâu dài.
Minh Hạnh