Việc xét duyệt còn khắt khe, cảm tính
Chiều 28/10, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, điều khó khăn nhất khi chấp bút xây dựng dự thảo luật này là đưa một hoạt động giàu tính sáng tạo vào khuôn khổ của thể chế, trong khi bản chất sáng tạo là không có giới hạn: “Một tác phẩm có thể chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử nhưng đôi khi lại chất chứa đầy bản ngã của tác giả. Do đó, cần hài hòa giữa quản lý nhà nước với hoạt động sáng tạo để không gây ức chế cho nghệ sĩ”.
|
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, việc kiểm duyệt, đánh giá phim trong thời gian qua còn khắt khe, cảm tính |
Theo ông, dự thảo luật vẫn còn một số quy định khá mơ hồ. Có tới 17 điểm quy định các hành vi bị nghiêm cấm nhưng một số điểm cấm không cụ thể, tầm bao quát khá rộng nên khi áp dụng vào thực tế, chắc chắn sẽ bó buộc sự sáng tạo, sự thăng hoa của đạo diễn ngay từ những xúc cảm đầu tiên.
Ông đề nghị xác định rõ thế nào là gây tổn hại tới giá trị văn hóa, truyền bá tệ nạn xã hội, phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội: “Cần phải minh định nhằm tránh sự cảm tính của cơ quan có thẩm quyền khi cầm cân nảy mực trong khâu xét duyệt. Trong khi đó, thời gian qua, việc nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí bất cập về văn hóa đã góp phần làm thay đổi lối sống của thanh niên, như sống thử trước hôn nhân. Như vậy, điều này có phá hoại truyền thống văn hóa hay không?”.
Ông cũng nêu thực tế, một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam được nhận giải thưởng nước ngoài nhưng lại bị cấm chiếu trong nước do vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc phản ánh hiện thực quá đen tối: “Thử hỏi, có nơi nào trên thế giới này mà chỉ toàn điều tốt đẹp, không thể hiện mặt trái của xã hội? Ngay cả New York (Mỹ) cũng không khó để thấy những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang. Trong khi Mỹ chưa bao giờ cấm chiếu những hình ảnh này”.
|
Phim Chị Dậu, dựa trên tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, khắc hoạ tận cùng sự nghiệt ngã của số phận con người. |
Ông viện dẫn, văn học, nghệ thuật những năm 1930 - 1945 có ba dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại để mô tả toàn bộ cái hồn xã hội, cuộc sống của người dân. Vậy những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học như Lão Hạc, Chị Dậu, khắc họa tới tận cùng của sự khắc nghiệt thì có làm tổn hại tới các giá trị văn hóa hay không? Nên theo ông, những đánh giá với các tác phẩm điện ảnh trong thời gian qua có phần khắt khe, cảm tính. Do đó, nhà quản lý phải nhìn nhận dưới lăng kính khách quan mới có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Ông nói: “Tại Việt Nam, hai chủ thể (nhà làm phim và nhà quản lý) dường như chưa tìm được điểm chung. Hệ quả của nó là ngành điện ảnh hiện nay vẫn chưa thể rời xa vạch xuất phát”. Từ thực tế này, ông đề xuất, cần có những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe, thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng “được” quản lý: “Đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, luật lệ đè nén tương lai của nền điện ảnh Việt Nam”.
Đồng quan điểm, ĐBQH Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, trong dự luật có quy định “quyền sáng tạo nghệ thuật trong khuôn khổ pháp luật”. Quy định như thế là không sai, bởi mọi hoạt động đều phải tuân thủ quy định pháp luật, nhưng hoạt động sáng tạo nghệ thuật có đặc trưng riêng, như trí tưởng tượng, sự bay bổng, thăng hoa. Theo ông, phải xem xét kết quả của sáng tạo đó như thế nào, mang lại các giá trị ra sao với công chúng và văn hóa, từ đó đối chiếu với các quy định của pháp luật để quyết định sử dụng hay không sử dụng.
Cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cũng đề xuất về việc tăng cường xã hội hóa để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam. ĐBQH Tô Văn Tám khẳng định, điện ảnh không chỉ là một ngành văn hóa thông thường mà còn là một ngành công nghiệp kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra trường quốc tế. Do đó, các chính sách của Nhà nước cần bao trùm cả vấn đề hợp tác điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.
Trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, cần quan tâm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh. Khoản 3, điều 5 của dự thảo luật có quy định khuyến khích tham gia hoạt động điện ảnh thuộc Nhà nước đầu tư và Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách. Ông đề nghị cần quy định cụ thể về cách thức tham gia, trách nhiệm của các bên.
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải kiểm duyệt kịch bản phim hợp tác với nước ngoài vì chúng có thể xuyên tạc lịch sử Việt Nam |
ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) đặt vấn đề: “Vì sao người Việt Nam thích xem phim nước ngoài hơn phim trong nước?”. Bà đề nghị cần đánh giá nghiêm túc về thực trạng điện ảnh nước nhà, thị hiếu của khán giả nhằm phát triển điện ảnh. Xu thế hợp tác sản xuất phim là tất yếu. Bà đề nghị có các quy định cụ thể, thông thoáng để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia trong thời gian tới.
Lấy dẫn chứng về việc nền điện ảnh của Hàn Quốc đã quảng bá rất tốt hình ảnh đất nước, con người của họ, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị cần tham khảo để thay đổi chính sách, chẳng hạn như hướng tới các vấn đề mà công chúng, những người thụ hưởng tác phẩm điện ảnh quan tâm và coi đó là động lực thúc đẩy điện ảnh phát triển.
Bà Tú Anh cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra một số chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng để tạo sự đột phá trong hợp tác làm phim, cần cởi bỏ nút thắt, nhất là quy định về thẩm định kịch bản phim: “Các đạo diễn thường có tư duy độc lập, toàn quyền sáng tạo với các tác phẩm điện ảnh của mình. Với quy trình hiện đại, nhiều đạo diễn không có kịch bản chi tiết trước mà sáng tạo ngẫu hứng, nhất là phim hành động. Do đó, nên cân nhắc việc yêu cầu cung cấp kịch bản phim như dự luật nêu”.
Liên quan tới vấn đề này, cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là một vấn đề khó và đang được xem xét. Theo ông, thực tế, đã có một số cuộc liên kết, liên doanh không tuân thủ pháp luật Việt Nam: “Gần đây nhất, khi làm phim về hệ thống hang động Sơn Đoòng ở tỉnh Quảng Bình, nhà làm phim dựng ra một câu chuyện là hang này do người nước ngoài sinh sống và phát hiện ra. Hoặc có bộ phim phản ánh sai lệch về cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968”.
Ngoài ra, các phim hợp tác với nước ngoài, khi làm xong, thường không phổ biến ở Việt Nam nên nếu không có thẩm định, sẽ không kiểm soát được nội dung, dẫn tới xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Đề xuất giảm giá vé vào rạp cho trẻ em Nhiều ĐBQH cũng góp ý về khoản 2, điều 20 của dự thảo luật quy định về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim. Dự thảo quy định, giảm ít nhất 20% giá vé đối với người cao tuổi và miễn giá vé đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, giảm 50% giá đối với người khuyết tật nặng. ĐBQH Trần Văn Thức (tỉnh Thanh Hóa) đề xuất làm rõ khái niệm “người khuyết tật đặc biệt nặng” và “người khuyết tật nặng” để áp dụng được vào thực tế. Một số ĐBQH đề xuất, Nhà nước nên khuyến khích việc xây dựng rạp chiếu phim, điểm chiếu phim công cộng để có thêm nhiều người dân được tiếp cận. Bên cạnh người già, người khuyết tật, nên xem xét thêm việc giảm giá vé cho trẻ em. |
Minh Quang