Đừng để lỡ nhịp trong “cuộc chơi” thương mại toàn cầu

16/06/2023 - 06:36

PNO - Nếu không chuyển đổi sang kinh tế xanh, xuất khẩu có nguy cơ giảm sút bởi khách hàng nhập khẩu nêu những yêu cầu khắt khe hơn.

 

tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh là một trong những động lực tăng trưởng mới
Tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh là một trong những động lực tăng trưởng mới (ảnh minh họa)

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, khí độc hại là xu thế tất yếu để bảo đảm tăng trưởng bền vững, để xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi sang kinh tế xanh, xuất khẩu có nguy cơ giảm sút bởi khách hàng nhập khẩu nêu những yêu cầu khắt khe hơn. 
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.

Nghị quyết nhấn mạnh: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. 

Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó đã cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, bảo đảm cân bằng lợi ích xã hội. Vì vậy, tăng trưởng xanh, xuất khẩu xanh không chỉ là đòi hỏi tất yếu đối với thị trường xuất khẩu mà còn là yêu cầu đối với thị trường trong nước để tăng trưởng bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng (điện, nước), xử lý, chế biến rác thải, nước thải, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chuyển đổi sang kinh tế xanh, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đòi hỏi phải chuyển đổi công nghệ, kiểm soát nước thải, bảo vệ môi trường, đào tạo lại nguồn nhân lực. Trong nông nghiệp, quá trình đó đòi hỏi phải vận dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất đặc thù của địa phương, như điều kiện của đồng bằng sông Cửu Long rất khác với canh tác ruộng bậc thang ở Tây Bắc.

Hiện nay, đã có các doanh nghiệp (DN) như Vinamilk, Vinamit, Vina T&T… thực hiện việc chuyển đổi thành công sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, duy trì tăng trưởng trong điều kiện kinh tế khó khăn trên thế giới và trong nước. Trong thủy sản, nhiều DN đã chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng.

Để thực hiện việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, DN cần hợp tác với các viện, trường nghiên cứu thay đổi công nghệ, tổ chức sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Một ví dụ thành công là Công ty cổ phần Rạng Đông ở TP Hà Nội đã hợp tác với Trường đại học Bách khoa Hà Nội, các viện nghiên cứu đưa ra những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang kinh tế số. 

Cách thiết thực nhất là nghiên cứu kinh nghiệm của các DN đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này. Nhà nước đã có những gói hỗ trợ cho các DN, ngân hàng cũng hứa hẹn cấp tín dụng ưu đãi cho những dự án chuyển đổi xanh có hiệu quả. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ nông dân liên kết chuyển đổi sang canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, quy mô công nghiệp để tạo điều kiện vận dụng công nghệ cao, xây dựng và vận hành chuỗi nhà kính hiện đại, vận dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm của Israel…

Có ý kiến cho rằng, thị trường nội địa “dễ tính” hơn, có thể chấp nhận những tiêu chuẩn dễ dãi hơn. Song, điều ấy không còn phù hợp bởi kinh tế Việt Nam đã có độ mở rất lớn. Khách hàng nhập khẩu có thể điều tra, nghiên cứu các sản phẩm trong nước có đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, bảo vệ môi trường một cách nhất quán. Còn người tiêu dùng trong nước cũng trở thành những người tiêu dùng thông minh, am hiểu các quy định về bảo vệ môi trường. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh  

nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI