Đừng để kỳ vọng thành thất vọng

16/11/2019 - 10:40

PNO - Thực tế cho thấy cũng đã có nhiều hội chuyên môn tồn tại kiểu hữu danh vô thực, hoặc hoạt động kiểu đầu voi đuôi chuột khiến người trong cuộc mất dần niềm tin.

Sáng 12/11 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra đại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024. 

Tạm thời hội chưa có chủ tịch, mà chỉ có Tổng thư ký hội là NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng năm phó chủ tịch gồm ông Quản Văn Minh (Công ty luật số 5 quốc gia), Nguyễn Văn Nhiêm (Hiệp hội Phổ biến và phát hành phim Việt Nam), Nguyễn Đức Tuấn (Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam), nghệ sĩ Quyền Linh (Hội Điện ảnh TP.HCM) và bà Phạm Thị Tuyết (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu - khoa học Trung ương).

Dung de  ky vong thanh  that vong
Nghệ sĩ Quyền Linh là một tỏng 5 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, phương hướng hành động hội đề ra là chú trọng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác quyền cho hội viên; nhận ủy quyền quản lý, bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, hình ảnh hội viên nghệ sĩ; đàm phán cấp phép thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép sử dụng, khai thác tác phẩm, thu tiền sử dụng và chi trả cho những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính của hội.

So với các tác giả âm nhạc vốn từ lâu đã có chỗ dựa về tác quyền từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (thành lập năm 2002), các cá nhân - đơn vị hoạt động trong mảng phim ảnh bị thiệt thòi hơn, bởi phải chờ đợi đến tận bây giờ mới có một địa chỉ để cậy nhờ mỗi khi bị xâm phạm tác quyền. Sự chờ đợi quá lâu đó tất yếu biến thành kỳ vọng lớn lao mà những người làm nghề gửi gắm vào Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

Tuy vậy, so với lĩnh vực âm nhạc mà hành vi xâm phạm bản quyền chủ yếu chỉ là dùng bài hát không xin phép, không trả tiền tác quyền, thì công cuộc bảo vệ tác quyền trong phim ảnh nhiêu khê hơn rất nhiều, do diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Chỉ nói riêng về tình trạng trùng hợp ý tưởng kịch bản, dễ thấy nhất là chuyện biên kịch gửi kịch bản chào hàng nhà sản xuất, nhưng sau đó một thời gian phát hiện có một bộ phim với đường dây câu chuyện giống kịch bản đã gửi, chỉ khác tên nhân vật hoặc bối cảnh diễn ra sự việc, là đã thấy khó cho hành trình đi tìm công lý về quyền tác giả.

Dung de  ky vong thanh  that vong
Về nhà đi con là phim truyền hình bị "chôm" nhiều nhất thời gian gần đây

Về tác phẩm, trong thời buổi công nghệ lên ngôi như hiện nay, nạn bản quyền càng khó kiểm soát, vì các trang, nhóm, diễn đàn chia sẻ phim lậu nở rộ, trong đó nhiều trang lại đặt máy chủ ở nước ngoài, khiến hội muốn đi tìm công bằng cho nhà sản xuất cũng khó.

Sự ra đời của hội có thể xem là một sự muộn màng trong bối cảnh ngành công nghiệp làm phim đã phát triển nhộn nhịp khá lâu, và nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh - truyền hình đã hoành hành trong thời gian quá dài, nhưng dẫu sao có vẫn còn hơn không. Vấn đề còn lại chỉ là hội sẽ làm thế nào để đáp lại lòng tin của những người làm nghề, chứ đừng để những kỳ vọng nhanh chóng trở thành thất vọng trước những khó khăn đã được tiên liệu. Âu lo này không hẳn là không có cơ sở, bởi thực tế cho thấy cũng đã có nhiều hội chuyên môn tồn tại kiểu hữu danh vô thực, hoặc hoạt động kiểu đầu voi đuôi chuột khiến người trong cuộc mất dần niềm tin. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI