Đừng để kỳ thi vào lớp Mười làm khổ học sinh

Bài 2: Vì sao học nghề sau THCS bị xem là “bước đường cùng”?

17/12/2024 - 06:14

PNO - Công tác phân luồng sau THCS nặng tính hình thức, chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến kỳ thi vào lớp Mười cam go, áp lực hơn cả vào đại học.

Năm nào cũng xôn xao chuyện "ép học nghề"

Ở Hà Nội và một số địa phương, học kỳ II năm học nào cũng ồn ào chuyện phụ huynh học sinh lớp Chín “tố” việc con cái họ được khuyên, vận động, thậm chí là “ép” làm đơn không thi vào lớp Mười công lập. Không ít phụ huynh bức xúc vì giáo viên của con mời đến gặp mặt và “thông báo” con mình có học lực kém, “thi cũng không đậu”…

Như năm học trước, nhiều học sinh lớp Chín Trường THCS Tiến Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) không được trường phát đơn đăng ký dự thi vào lớp Mười, sự việc khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Giáo viên chủ nhiệm cho rằng những em này có kết quả học tập thấp nên đã định hướng cho các em đăng ký vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Tại TPHCM, Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) cũng gây xôn xao khi cho học sinh điền đơn xin không thi lớp Mười. Nhà trường sau đó đã thừa nhận thiếu sót khi không làm đúng chủ trương của ngành, tổ chức trao đổi lại với học sinh, phụ huynh...

Học sinh học nghề bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí hệ 9+ tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TPHCM) - ẢNH: TRANG THƯ
Học sinh học nghề bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí hệ 9+ tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TPHCM) - ẢNH: TRANG THƯ

Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) - cho biết, công tác phân luồng thường được thực hiện dần từ năm lớp Sáu, thông qua nội dung tích hợp trong các môn học, chuyên đề dưới cờ.

Đến năm lớp Chín, giáo viên thông báo với phụ huynh nhấn mạnh kỳ thi lớp Mười vô cùng quan trọng, học sinh không đủ năng lực sẽ rất khó học tiếp tại trường THPT công lập. Trên cơ sở sự thấu hiểu của phụ huynh, giáo viên bắt đầu đưa ra các hướng mở khác như: trung cấp nghề, THPT tư thục, hệ giáo dục thường xuyên.

Mặc dù vậy, việc phân luồng vẫn khá khó khăn. “Giáo viên tuyệt đối không được phân biệt học sinh giỏi thì vào công lập, dở thì vào trường nghề, giáo dục thường xuyên... khiến các em bị ức chế. Thầy cô cần trình bày rõ khó khăn và thuận lợi của tất cả con đường để học sinh, phụ huynh tự lựa chọn” - ông nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác phân luồng chưa hiệu quả là học sinh lớp Chín chưa đủ năng lực để phân định yêu thích ngành nghề gì, bản thân có phù hợp hay không. Việc nhiều trường THCS tư vấn học sinh theo kiểu “có học lực yếu kém thì nên đi học nghề” đã khiến các sự lựa chọn ngoài học THPT dường như trở thành “bước đường cùng”.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, ở nhiều quốc gia, việc tư vấn phân luồng làm từ rất sớm. Giáo viên xác định được điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để đưa ra lời khuyên, đối thoại trực tiếp với phụ huynh. Ví dụ ở Phần Lan, học sinh muốn học trường THPT nhưng giáo viên nói rõ các em cần phát triển các kỹ năng xã hội, trường THPT không phải lựa chọn tốt nhất, các em cũng không vui khi học tại đây thì học sinh sẽ tin và chọn hướng đi khác.

Ở nước ta, trường THCS cũng đã có đội ngũ tư vấn nhưng chưa chuyên nghiệp, cách hướng nghiệp không khéo léo. Hiểu biết và kinh nghiệm về thế giới nghề nghiệp của đội ngũ này không đủ khả năng thuyết phục học sinh, phụ huynh. Trong khi thế giới nghề nghiệp hiện nay cực kỳ phong phú, đa dạng, người học thành công rất nhiều.

Bằng trung học nghề cần tương đương THPT

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng, để hướng nghiệp thực chất, ngay trong quá trình học các môn văn hóa, các trường THCS cần giúp học sinh hiểu rõ hơn về sở thích, kỹ năng và lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Các thầy cô cũng cần hướng dẫn khi các em khám phá và theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Đó là hỗ trợ học sinh qua các hoạt động như: khám phá nghề nghiệp, lập kế hoạch học tập, tư vấn nghề nghiệp cá nhân, lập kế hoạch học nghề, học đại học, tìm việc và thực tập; giúp các em tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và phát triển các kỹ năng cần thiết đối với nghề nghiệp đó… Bộ GD-ĐT cũng cần có phương pháp tích hợp ngay từ cấp tiểu học để học sinh được làm quen, tiếp cận với các nghề nghiệp trong xã hội.

Ông đề xuất phải có những thay đổi chính sách ở tầm vĩ mô: tất cả người học sau 12 năm đều nhận tấm bằng tốt nghiệp trung học. Khi không còn phân biệt trung học nghề (hệ 9+3) và THPT - thì một cách rất tự nhiên, trường nghề sẽ thu hút được học sinh và công tác phân luồng sẽ hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của dự báo nhu cầu nguồn nhân lực tương lai.

Những thông tin trung thực về thị trường lao động do các nhà kinh tế và nghiên cứu thị trường lao động đưa ra sẽ giúp người học thấy được xu hướng của thị trường để tự tìm hiểu và đưa ra quyết định.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - thông tin, chủ trương phân luồng đã được đặt ra từ lâu nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được một phần do sự công nhận bằng cấp.

Nhiều quốc gia trên thế giới phân luồng sau THCS thành 2 nhánh: THPT và trung học nghề. Với trung học nghề, học sinh sẽ học 50% kiến thức văn hóa và 50% kiến thức nghề. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học nghề - 18 tuổi - là đã có tay nghề gia nhập thị trường lao động. Đồng thời vẫn có cơ hội học lên cao đẳng, đại học.

Ở nhiều quốc gia, lao động tốt nghiệp trung học nghề đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu lao động. Trong khi ở nước ta, 70 - 80% học sinh vào THPT sau THCS. Nhiều em hết THPT là gia nhập thị trường lao động mà hoàn toàn không có kiến thức nghề.

Hệ nghề sau THCS của nước ta cũng là trung cấp nghề, học xong, các em vẫn chưa đủ tuổi gia nhập thị trường lao động, càng không đủ kiến thức để có thể học lên cao.

“Chính những điều đó đã khiến hệ nghề sau THCS của ta không hấp dẫn, công tác phân luồng không hiệu quả; cơ cấu nhân lực cũng “méo mó” (số liệu thống kê năm 2021 cho thấy 70% lao động ở nước ta không có trình độ chuyên môn kỹ thuật) và khó thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Chỉ tiêu phân luồng phải hợp lý hơn

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đặt mục tiêu năm 2025 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp…

Đề án phân luồng là hợp lý và có cơ sở, để tạo nguồn nhân lực cân đối từ đại học, cao đẳng đến trung cấp. Nhưng phân luồng phải dựa trên điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, nguyện vọng của học sinh. Tỉ lệ đặt ra chỉ là mục tiêu phấn đấu chứ không nên lấy đó làm trói buộc các tổ chức.

Chúng ta phải đánh giá lại năng lực của hệ thống trường công lập, nếu đảm đương được thì vẫn nên khuyến khích học sinh hoàn thành bậc THPT tại đây. Ngược lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đảm nhận 30 - 40% học sinh, nhưng chất lượng để đào tạo ra được nguồn nhân lực hội nhập và chất lượng cao hay không lại là câu chuyện khác.

Trên thực tế, có những trung tâm thậm chí không đủ điều kiện để hoạt động, đặc biệt là trong việc liên thông và dạy văn hóa. Nếu cứ như thế mà phân luồng thì phụ huynh sẽ không tin tưởng, không đồng ý.

Trường nghề tư thục đào tạo được nhưng học phí cao và phụ huynh phải chịu phần chênh lệch (chỉ miễn phí tương đương trường công). Trường nghề nhà nước thì miễn phí nhưng học văn hóa phải đóng tiền. Vậy so với trường THPT thì có rẻ hơn không? Chính điều này làm phụ huynh phân vân.

Chính sách hiện nay đang bị chồng chéo, phụ huynh mơ hồ, lo lắng nên nghĩ tốt nhất là cho con học phổ thông. Các trường tư thục, trường quốc tế cho đến các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải tự hoàn thiện mình, hướng tới mục tiêu nghề nghiệp đi liền với văn hóa.

Các ngành quản lý phải tính toán, cân đối để làm sao có được nguồn nhân lực vừa có văn hóa, vừa có nghề nghiệp. Trên cơ sở đó trình bày lại chỉ tiêu phân luồng hợp lý hơn. Nếu các trường chỉn chu cả trong dạy nghề và dạy văn hóa thì phụ huynh cũng sẽ đồng ý phân luồng.

Ông TRẦN ANH TUẤN - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI