PNO - “Bảo dở thì không phải. Nó hay! Nó tải một lượng lớn thông tin và tăng tính kịch. Nhưng nó không phải chèo, mà là một cái gì đó na ná kịch nói phương Tây”- NGND Hoàng Kiều.
Việc duy trì Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc ba năm một lần như hiện nay là một nỗ lực của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đến hẹn lại lên, làng chèo vừa hân hoan mở hội và khép lại thành công. Chưa kịp vui với những thành tựu, thì cụm từ quen thuộc “kịch hóa chèo” được người trong giới nhắc tới với băn khoăn: phải chăng nó đang làm… hỏng chèo?
Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2019 tổ chức tại Bắc Giang (từ ngày 14-28/9) vừa qua đã thu hút đông đảo khán giả. 16 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 1.000 nghệ sĩ tham gia liên hoan là một con số vô cùng ấn tượng. Đây cũng là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của chèo. Tuy nhiên, cũng ở liên hoan này, người tâm huyết với chèo lại thêm một lần lo lắng, và muốn rung chuông cảnh báo những chuyển hóa nội tại trong nghệ thuật chèo hiện nay theo hướng “đồng hóa” với kịch nói. Điều này khiến tôi nhớ lại câu nói của vị lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam: “Nếu không giữ chèo cổ thì mất nghiệp”, song song với những nỗ lực bảo tồn chèo cổ đáng ghi nhận của nhà hát những năm gần đây.
Vở Công lý không gục ngã – Nhà hát Chèo Quân đội tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019
Có người hỏi tôi: “Kịch hóa chèo là như thế nào? Đoàn kịch hát chèo hay đoàn chèo diễn kịch?”. Câu hỏi tưởng ngắn gọn nhưng xứng tầm là câu hỏi nghiên cứu của một đề tài khoa học. Thực ra, câu chuyện kịch hóa chèo không phải điều gì quá xa vời với người yêu chèo. Nó đã tồn tại nhiều năm qua, và đây cũng là chủ đề tôi từng nhiều lần trao đổi với một trong những tên tuổi lớn của sân khấu chèo thế kỷ XX - tác giả âm nhạc vở chèo kinh điển Súy Vân, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - cố Nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Kiều (1925-2017).
Theo NGND Hoàng Kiều, kịch hóa chèo bắt đầu có từ khi xuất hiện phong trào cải biên. Khi tôi đặt ra vấn đề cải biên là sự phát triển tất yếu, xuất phát từ nhu cầu của khán giả, thì NGND Hoàng Kiều cũng đồng tình. Nhưng ông cho rằng: “Sau cải biên vẫn phải là chèo, tuồng, cải lương chứ không phải biến thành cái khác”. NGND Hoàng Kiều cũng chỉ thẳng nguyên nhân: “Bởi “chủ soái” sân khấu chèo bây giờ là đạo diễn chứ không phải anh “nhạc sĩ chèo”.
Để anh đạo diễn, nhất là đạo diễn kịch nói có thể dựng một vở chèo, NGND Hoàng Kiều khẳng định: “Vị đạo diễn đó phải học để ít nhất biết được bài bản này ra làm sao, áp dụng vào chỗ nào”. Bên cạnh đó, để “giảm nhiệt” kịch nói trong chèo, nhất thiết phải giảm tính “độc quyền” của đạo diễn, đồng thời tăng vai trò của người viết nhạc và biên đạo múa dân gian (không phải phương Tây).
Trên thực tế, nguyên tắc xưa kia của nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung, chiếu chèo nói riêng thì cả ba thành tố: đạo diễn, người viết nhạc, biên đạo múa được nhập lại làm một, gọi là thầy tuồng. Nhưng đó chỉ là ba trong nhiều yếu tố mà thầy tuồng phải có. Thầy tuồng là một người toàn tài. Hai thầy tuồng mà NGND Hoàng Kiều nhắc đến là cố NSND Tào Mạt (1930-1993), và cố NSND Năm Ngũ (1890-1984). Theo NGND Hoàng Kiều: “Khi dựng vở Bài ca dựng nước cả ba tập, ông Tào Mạt đều dựng cả hát, múa, diễn, hát nói... Vở ra đời rất thống nhất, rất chèo. Còn ông Năm Ngũ có thể sáng tạo bài hát, múa, hát nói, kịch bản, hay hình dung bài trí sân khấu...”.
Vở Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội) nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan chèo toàn quốc 2019
Những tài danh bậc thầy như Tào Mạt và Năm Ngũ giờ không còn nữa, đây cũng là một trong những nuối tiếc của cố NGND Hoàng Kiều. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa chèo sẽ không còn sự sáng tạo tiếp nối. Cái chính ở đây là làng chèo cần nhìn nhận sự nghiêm trọng của vấn đề, không nên sa đà vào đối thoại mà xem nhẹ nói vần, không nên sa đà vào diễn tiến câu chuyện bằng những thủ pháp của kịch nói, mà bỏ qua hoặc giảm tối đa vai trò của hát và múa dân gian.
Nói cách khác, một khi hát, múa và nói vần bị xem nhẹ hoặc lãng quên, dù chỉ là một trong ba yếu tố, thì chèo sẽ không còn là chèo đúng nghĩa. Cần giảm bớt vai trò của đạo diễn, tăng cường vai trò của nhạc sĩ chèo và biên đạo múa chèo, để thiết lập mối quan hệ kiềng ba chân - mà thực chất trước kia chỉ do một người đảm nhiệm. Chèo không nên trông đợi vào “sự cứu rỗi”, mà chính làng chèo phải tự vực dậy và quyết định sự sống còn của bộ môn nghệ thuật này.
Thêm một yếu tố bên ngoài tác động là tâm lý nhất định phải mời bằng được những đạo diễn “hot” dựng vở để đảm bảo thành tích, mà quên rằng đạo diễn ấy có phải là người của làng chèo, có hiểu và thạo các lề lối niêm luật của chèo hay không. Điều này có lẽ bản thân các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không làm được, mà nó phải thuộc về quan điểm chỉ đạo của các cấp trên như bộ, cục quản lý lĩnh vực này. Xin nhắc lại lời của NGND Hoàng Kiều khi nhận xét về hiện tượng kịch hóa chèo để chúng ta cùng thức tỉnh: “Bảo dở thì không phải. Nó hay! Nó tải một lượng lớn thông tin và tăng tính kịch. Nhưng nó không phải chèo, mà là một cái gì đó na ná kịch nói phương Tây”.