Sau thời gian dài quy hoạch thiếu tầm nhìn, để đất ven biển lọt vào tay các doanh nghiệp, chính quyền phải đi xin từng mét đất làm lối đi xuống biển cho dân, nay Đà Nẵng lại tiếp tục đối mặt với câu chuyện bít lối tiếp cận bờ sông của cộng đồng.
Tại sông Hàn, việc quản lý lỏng lẻo đã để cho doanh nghiệp làm dự án lấp mất một phần cửa sông và “xí” nhiều đoạn dọc hai bờ sông. Tình trạng ấy cũng xảy ra tương tự ở sông Cổ Cò. Cụ thể, 9km sông Cổ Cò trên địa bàn Đà Nẵng hiện đã phủ kín các dự án đô thị.
|
Một dự án chiếm trọn 1,5km bờ sông Cổ Cò |
Trả lời thắc mắc của Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc này, lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng quá khó trả lời vì phê duyệt quy hoạch chi tiết đã được lãnh đạo nhiệm kỳ trước chấp thuận, đất đã cấp cho chủ đầu tư thì không thể yêu cầu họ thay đổi.
Không chỉ tại Đà Nẵng, sông Cổ Cò còn 19,5km chảy qua tỉnh Quảng Nam và hai bờ sông hiện gần như đã được lấp kín bởi các dự án đô thị, nghỉ dưỡng. Thống kê dọc sông Cổ Cò qua H.Điện Bàn có tới 34 dự án bất động sản và nghỉ dưỡng.
Khi mặt tiền sông bị biến thành các dự án đô thị thì cuộc sống của người dân bao đời gắn bó với dòng sông lại bị đảo lộn. Ngồi trông cặp bò đang gặm cỏ bên bờ sông Cổ Cò giữa trưa nắng gắt, bà Nguyễn Thị Liên (thôn Hà Quảng Tây, P.Điện Dương, thị xã Điện Bàn) cảm thán: “Dự án đô thị đang lấp ruộng đến bờ sông rồi, sắp tới chỗ thả bò cũng không có!”. Bà cho biết thêm, trước đây gia đình bà còn trồng cấy hoa màu ven sông, nhưng vài năm nay dự án đô thị mọc lên, xe cộ chở đất cát san lấp tràn lan nên không trồng cấy được gì nữa. Vài năm nữa thì không còn lối ra sông, con cháu có khi cũng không biết sông Cổ Cò nó lớn nhỏ, nông sâu như thế nào!
Gần đây, chính quyền hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã thực hiện dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò với số tiền chi cho đoạn qua Quảng Nam là 1.700 tỷ đồng, đoạn qua Đà Nẵng là 800 tỷ đồng. Ngoài hình thành tuyến du lịch đường sông, thoát lũ, tạo giá trị gia tăng cho bất động sản, dự án khơi thông sông Cổ Cò còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi lại giá trị lịch sử, văn hóa, là gạch nối quá khứ và tương lai, nối đô thị cổ Hội An và TP.Đà Nẵng hiện đại, sôi động. Tuy nhiên, khi các giá trị cộng đồng chưa xuất hiện thì giá đất của các dự án đô thị hai bên sông đã được “thổi” lên một cách chóng mặt với mỗi mét vuông lên vài chục triệu đồng.
|
Theo quy hoạch khu vực ven sông Cổ Cò sẽ là các khu đô thị ken kít |
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - nói dự án sau khi nạo vét sẽ có hành lang, cảnh quan hai bên sông. Tuy nhiên, một số đoạn trong ranh giới dự án khơi thông sông Cổ Cò và ranh giới các dự án đô thị phía bờ Tây bị chồng lấn, thị xã đã báo cáo tỉnh Quảng Nam.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng thực tế ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam đã để cho doanh nghiệp làm resort quá dày đặc, khiến lợi ích công cộng và quyền tiếp cận bờ biển của cộng đồng bị ảnh hưởng. Cũng như bờ biển, không gian bên bờ sông, nếu quy hoạch bài bản, sẽ không có chuyện chia nhau làm bất động sản. Có chỗ xây dựng, nhưng cũng có chỗ phải để thoáng ra để thoát nước và tạo cảnh quan cho khu dân cư hiện có. Phải chừa lại những cánh đồng hoặc những khoảng trống để tạo cảnh quan không gian làng quê chứ không phải cứ dọc sông là chia ra làm đô thị hết.
Ông Chính nói: “Sông Cổ Cò gần biển, là con sông có giá trị về mặt kinh tế và du lịch nhưng không thể chia nát nó ra như vậy. Nhìn vào hình thức quy hoạch ven sông Cổ Cò thì thấy hơi dày đặc, và nó sẽ tạo ra mật độ dân cư quá lớn và mất đi hệ sinh thái của dòng sông. Thứ hai là giao thông dọc sông phải nhìn nhận cho tốt và phải để lại cây xanh mặt nước nhiều hơn. Đây là vấn đề quy hoạch mà các địa phương cần xem xét. Đừng vì giá trị đất cao mà… không quản lý được!”.
Ngày 2/9 vừa qua, TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã khánh thành phố đi bộ ven sông Sài Gòn (phía Bình Dương). Sự kiện này được đông đảo người dân chào đón. Tại TP.HCM, gần đây cũng đã có nhiều kiến nghị việc quy hoạch lại đôi bờ sông để trả lại không gian ven sông, để kết nối giao thông thủy - bộ giúp việc đi lại được thuận lợi, phục vụ du lịch, phát triển kinh tế và tạo điều kiện để ai muốn đều được hưởng thụ không gian sông nước. Vì thế, người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng mong muốn không gian ven sông phải giành cho lợi ích cộng đồng.
Điều chỉnh quy hoạch không phục vụ lợi ích cộng đồng Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khu vực 3, chỉ riêng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã có hàng loạt sai phạm tại Sở Xây dựng trong công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng. Trong những sai phạm đó có việc điều chỉnh không nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh quy hoạch theo điều 47 Luật Quy hoạch đô thị, như đồ án khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân, đồ án khu đô thị ven sông Hòa Quý Đồng Nò, đồ án khu đô thị công nghệ FPT, dự án tháp ven sông Hàn… |
Bài và ảnh: Lê Đình Dũng