Đừng để học xong, chữ nghĩa trả hết cho thầy

18/09/2022 - 14:57

PNO - Việc dạy và học cần giúp cho học sinh tránh được việc “học rồi, quên rồi”, đến khi đi làm việc lại mắc những lỗi lẽ ra phải thành thạo...

 

Cách đặt và trả lời các câu hỏi: cái gì? tại sao? lúc nào? làm thế nào?... muôn đời vẫn cần phải học (Ảnh minh họa)
Cách đặt và trả lời các câu hỏi: cái gì? tại sao? lúc nào? làm thế nào?... muôn đời vẫn cần phải học (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê, năm nay trên 23 triệu học sinh phổ thông đến trường. Có nghĩa gần ¼ dân số đi học phổ thông. Rõ ràng, nguồn lực của nhà nước, xã hội và gia đình đã đổ ra rất nhiều cho việc học. Năm này qua năm khác, chắc chắn một phần số học sinh đó không hoàn thành 12 năm học phổ thông. Vậy thì những năm học đó sẽ giúp gì cho các học sinh khi vào đời?

Ngày xưa, thời ông bà, cha mẹ của tôi còn nhỏ, ít người được học. Một người khi đã đọc thông, viết thạo thì có thể dẫn dắt một nhóm đồng hương cùng đi làm “cu-li”. Dù gì có người biết chữ vẫn hơn. Học xong lớp ba, viết chữ, viết số rõ ràng, thành thạo 4 phép toán có thể đi làm sổ sách cho các tiệm buôn. Có bằng tiểu học có thể thi tuyển làm công chức, dù chỉ là ngạch sơ cấp. Còn có bằng thành chung (tương đương trung học cơ sở ngày nay), đường công danh rộng mở.

Bằng cấp là một chuyện, quan trọng là thực học. Theo ông bà kể lại, dù là “con ông, cháu cha”, con nhà “thế phiệt, trâm anh” nếu không học thì rất khó thi đậu. Chính vì vậy, ngày đó học đâu biết đấy và ứng dụng được vào cuộc sống.

Tôi còn nhớ bài học thuộc lòng của mấy mươi năm về trước: Đói ăn, khát uống, sự thường/Ốm đau thì có nhà thương sẵn sàng/Dùng thuốc nhảm dễ chết oan/Không thì tiền mất tật mang suốt đời. Rất đơn giản phù hợp với học sinh lớp hai, lớp ba, thầy/cô chỉ cần giảng thêm thuốc nhảm là gì?

Bài học thuộc lòng đó đến bây giờ vẫn còn có ích. Tất nhiên, thời đại khoa học phát triển bùng nổ như hiện nay, bao nhiêu nội dung học sẽ bị mai một. Thí dụ như từ khi có máy tính điện tử bỏ túi, không còn cần dạy/học cách dùng thước logarit để tính toán nữa. Nhưng cách đặt và trả lời các câu hỏi: cái gì? tại sao? lúc nào? làm thế nào?... muôn đời vẫn cần phải học. Và quan trọng hơn, “học để làm người” vô cùng cần thiết trong “thế giới vũ trụ ảo” hiện nay.

Nhiều nhà giáo dục khẳng định chương trình giáo dục mới “chú trọng phát triển kỹ năng, hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ; giúp người học xác định được những vấn đề trong học tập, cuộc sống và bước đầu biết cách để giải quyết các vấn đề đó, hướng tới cá nhân hóa, phát triển con người”. Nhưng khi dạy và học chương trình như vậy, thầy và trò có chú trọng thực chất hay không? Hay như kiểu cũ chỉ để đạt điểm cao, để cả thầy và trò được đánh giá tốt, để được học bạ đẹp nhằm đậu vào các bậc học cao hơn.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy những câu kiểm tra từng làm sai, những bài tập từng bị điểm số thấp đã đem lại cho tôi những kiến thức tốt hơn, lâu quên hơn những khi làm bài tốt. Dạy và học làm sao để học sinh tránh được việc “học rồi, quên rồi”, đến khi ra trường đi làm lại mắc những lỗi lẽ ra phải thành thạo, không được sai như chính tả, văn phạm, đổi các đơn vị…

Được như vậy, học sinh dù chỉ học đến lớp nào đó rồi phải nghỉ, do nhiều nguyên nhân, cũng có thể sống, lao động bằng những tri thức hữu dụng được dạy ở nhà trường phổ thông.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI