Đừng để học trò "căng mình chịu trận"

31/08/2015 - 11:12

PNO - Hãy để ngày khai giảng là ngày hội của thầy cô và các cháu, đừng để các cháu nhỏ phải đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu...

Dung de hoc tro
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Không phải ngẫu nhiên mà ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về lễ khai giảng năm học mới lại nhận được nhiều sự đồng thuận của GV lẫn phụ huynh HS, bởi điều này cũng là nỗi băn khoăn, e ngại của nhiều người, nhưng chẳng ai dám mạnh dạn nói ra để có một sự thay đổi phù hợp.

Phó thủ tướng chỉ đạo: “Hãy để ngày khai giảng là ngày hội của thầy cô và các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ phải đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu và phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi các cháu không hiểu gì cả ”

Đã bao năm qua, cả GV và HS “buộc” phải quen với một buổi lễ khai giảng đầy tính hình thức. Không khí hân hoan chào đón năm học mới, tâm trạng háo hức được gặp lại bạn bè, thầy cô sau những tháng nghỉ hè không còn nữa, bởi trên thực tế, HS đã bắt đầu đi học trước lễ khai giảng ít nhất hai tuần, chưa kể học thêm suốt cả mùa hè.

Chính vì thế, các em chẳng mấy quan tâm đến buổi lễ này, chỉ làm theo sự hướng dẫn của thầy cô cho qua chuyện.

Chính bản thân tôi là GV cũng cảm thấy không còn hứng khởi như trước, khi buổi học đầu tiên đầy ý nghĩa không còn bắt đầu sau lễ khai giảng.

Chưa kể, chuẩn bị cho buổi lễ đó, thầy và trò phải luyện tập khá vất vả để thể hiện bộ mặt của nhà trường. Mục đích chính là đón tiếp các vị lãnh đạo về dự cho tươm tất chứ không phải vì HS và GV - những nhân vật chính của lễ khai giảng.

Thế nên, mới diễn ra tình trạng các em ở mầm non, tiểu học “chịu đựng” trong im lặng lắng nghe những bài diễn văn dài lê thê.

Còn HS cấp II, III lại tha hồ tám chuyện, mặc những gì diễn ra trên lễ đài. Đó là chưa kể, buổi lễ kéo dài thì thầy cô lần lượt tìm chỗ tránh nắng, trong khi HS cứ phải phơi mình chịu trận, thấy mà thương.

Đúng như tinh thần chỉ đạo của phó thủ tướng, buổi lễ khai giảng chỉ nên làm những nghi thức cần thiết. Theo tôi, chỉ cần một, hai tiết mục văn nghệ chào mừng là đủ; đảm bảo việc chào cờ, hát quốc ca và hiệu trưởng đọc thư của Chủ tịch nước.

Đặc biệt, những khoảnh khắc như đón HS mới, đánh trống khai trường cần được chú trọng bởi sẽ để lại dấu ấn trong tâm trí các em. Buổi lễ khai giảng chỉ nên thực hiện ngắn gọn trong vòng một giờ.

Song song đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cần điều chỉnh khung thời gian năm học cho phù hợp để buổi lễ khai giảng chính thức đánh dấu buổi học đầu tiên của năm, tránh tình trạng học một thời gian rồi mới khai giảng. Điều này là rất quan trọng, để buổi tựu trường được HS háo hức chờ đón và lễ khai giảng cũng mang ý nghĩa trang trọng hơn.

Hà Lam (giáo viên, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI