Đừng để học tập trải nghiệm trở thành "gánh nặng" cho phụ huynh, giáo viên

05/11/2022 - 15:04

PNO - Học tập trải nghiệm ngoài thành phố cần phải hướng đến tính thực chất, đừng để trở thành "gánh nặng" cho phụ huynh, giáo viên.

Những "sự cố" không được nêu ra trong... báo cáo

Đoàn 25 xe ô tô đang nối đuôi nhau đưa khoảng 1.500 học sinh của một trường THPT có tiếng ở TPHCM đi đến địa điểm tham quan trong ngày đầu tiên ở Đà Lạt, bỗng... đứng khựng lại. Anh hướng dẫn viên nhanh chóng mở cửa xe chạy xuống kiểm tra.

"Có tai nạn rồi, bác tài ơi", anh hớt hải chạy lên xe thông báo. Cả đoàn xe xôn xao, lo lắng.

"Xe trong đoàn va chạm với một xe ô tô khác, chắc là người dân địa phương. May mắn là người không sao nhưng cửa kính xe vỡ nát. Đoàn mình phải đền thôi", anh nói và trấn an học sinh, giáo viên rằng xe mình cứ chạy lên điểm tham quan trước, xe nào gây tai nạn thì ở lại giải quyết, nhưng sẽ không có vấn đề gì vì chỉ là va chạm nhỏ.

"Mùa này Đà Lạt đông lắm, mùa tham quan học tập trải nghiệm mà, chủ yếu học sinh TPHCM. Vì thế, các thầy cô và các em học sinh khi đến các điểm du lịch nhớ bám đoàn, không tách ra đi riêng, tránh những sự cố đáng tiếc", anh nhắc nhở.

Học tập trải nghiệm ngoài thành phố đang được nhiều nhà trường tổ chức cho học sinh
Học tập trải nghiệm ngoài thành phố đang được nhiều nhà trường tổ chức cho học sinh


Sự cố tai nạn như trên chỉ là một trong những sự cố nhỏ có thể gặp phải khi đưa học sinh đi ra ngoài tham quan trải nghiệm. Với số lượng học sinh lên đến cả ngàn em, công tác quản lý dù sâu sát đến đâu cũng khó tránh khỏi...

"Trong chuyến đưa học sinh đi Đà Lạt cách đây khoảng vài năm, trước một ngày đoàn khởi hành về TPHCM thì xảy ra sự cố. 2 em học sinh rủ nhau đi xe đạp đôi khu vực Hồ Xuân Hương nhưng khi xe xuống dốc, các em không kiểm soát được nên đã xảy ra tai nạn khiến cả 2 em đều phải vào viện sơ cứu, cả trường được một phen khiếp vía", giáo viên một trường THPT nhớ lại. 

Cũng theo giáo viên này, những sự cố như học sinh đau bụng do dị ứng thức ăn, sốt, cảm cúm... khi thay đổi môi trường trong các chuyến đi không phải hiếm. Và không phải trong tình huống nào nhân viên y tế của trường cũng có thể can thiệp, xử lý ổn thỏa.

"Trước mỗi chuyến đưa học sinh đi tham quan, học tập trải nghiệm ở tỉnh, các trường THPT đều phải làm báo cáo gửi Sở GD-ĐT TPHCM. Trong đó, nêu rõ kế hoạch đi đâu, số lượng học sinh tham gia, lưu trú tại khách sạn như thế nào, chi phí tham gia là bao nhiêu... Vậy nhưng, có những điều sẽ không được nêu ra trong báo cáo, đó là những sự cố trong chuyến đi như trên", giáo viên này thẳng thắn.

Giáo viên cũng sợ các chuyến đi học tập trải nghiệm

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô H, giáo viên một trường THPT tại quận 3 luôn được nhà trường phân công đi theo giám sát, quản lý học sinh trong các chuyến trải nghiệm. Với cô, đây là "nỗi sợ" vì phải gánh một trách nhiệm quá lớn trong suốt chuyến đi.

"Mỗi năm lớp sẽ có 3 chuyến trải nghiệm ở tỉnh theo khối và theo toàn trường, có khi là phục vụ môn học, dự án, khi là đi tham quan học tập. Mỗi chuyến đi nhanh thì trong ngày, còn nhiều thì từ 2- 3 ngày. Nếu đi trong ngày còn đỡ lo vì không phải quản lý học sinh qua đêm, còn đi nhiều ngày thì giáo viên sợ lắm", cô H. bày tỏ.

Ngoài khâu an toàn, theo cô H. còn rất nhiều vấn đề khiến giáo viên phải căng não. Thông thường trong các chuyến đi dài ngày, học sinh sẽ luôn có khoảng thời gian để tự do đi tham quan. Đây là lúc giáo viên không thể nào theo sát 40-50 học sinh. Điều nữa là vào ban đêm, dù nhà trường luôn có nội quy về giờ giấc đi ngủ, yêu cầu các em không ra ngoài khách sạn, thế nhưng có nhiều chuyện cũng không thể kiểm soát được.

Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng sợ các chuyến đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố
Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên cũng sợ các chuyến đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố


"Có lần đến giờ đi ngủ, khi điểm danh lớp thì thấy... vắng 2 học sinh (1 nam, 1 nữ), điện thoại cũng không liên lạc được. Khi đó tôi lo đến bủn rủn, cả lớp nháo nhác. Tôi và mấy học sinh trong ban cán sự lớp chia nhau cùng đi tìm. May mắn là đến khoảng nửa đêm, hai anh chị đó dắt tay về với đoàn, với lý do là "chúng em đi dạo, điện thoại hết pin", cô H. run run kể lại.

Vay tiền cho con đi học tập trải nghiệm

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT ở huyện Hóc Môn chia sẻ, học sinh rất thích các chuyến đi trải nghiệm ở tỉnh vì các em có cơ hội được đi chơi xa. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có khả năng cho con em mình tham gia khi chi phí chuyến đi lên đến vài triệu đồng/học sinh. 

"Khu vực ngoại thành phụ huynh đa phần là lao động tự do. Năm nào trước mỗi chuyến đi cũng có phụ huynh, học sinh nhắn tin cho tôi, nói: "Cô ơi, tôi không có tiền cho bé tham gia, dù biết cuối cấp chuyến đi có ý nghĩa với con nhưng không tham gia có sao không cô"; "Cô ơi, mẹ con không có tiền, chắc con không tham gia với lớp mình được rồi". Tôi từng biết có phụ huynh còn phải vay mượn để có tiền cho con tham gia... Lúc này, chuyến đi dù vui đến mấy cũng không trọn vẹn khi trở thành gánh nặng cho phụ huynh, trở thành nỗi buồn của cả cô và trò.

Tôi mong việc đưa học sinh đi học tập trải nghiệm bên ngoài thành phố cần phải thực chất hơn nữa, làm sao chú ý đến những học sinh yếu thế. Trên hết, đừng tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo...", giáo viên này tha thiết.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI