Đừng để học đường là môi trường của bạo lực

24/10/2024 - 06:18

PNO - Chiều 7/10, nhân lúc cô giáo đi vắng, một trẻ 5 tuổi ở Trường mầm non Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã dùng đồ chơi và cây keo nến đánh bầm tím tay, chân, mặt của 6 bạn học. Cùng thời điểm, một nữ sinh lớp Mười của Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đã dùng dao bầu đâm nữ sinh cùng lớp. Bạo lực học đường đang xảy ra ở mọi cấp học và không chỉ giữa học sinh với nhau.

Hoạt động ngoại khóa phòng, chống bạo lực học đường của Trường tiểu học Tân Phú C, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước ẢNH: L.Đ.
Hoạt động ngoại khóa phòng, chống bạo lực học đường của Trường tiểu học Tân Phú C, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - Ảnh: L.Đ.

Muôn màu bạo lực

Cuối tháng Chín, một số hình ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội Facebook ghi cảnh học sinh ở huyện Củ Chi, TPHCM đánh bạn học. Trong các đoạn clip, nữ sinh nằm chịu trận, thậm chí xin tha nhưng vẫn bị cả nhóm đánh bằng tay, chân, nón bảo hiểm. Cơ quan chức năng xác định, nữ sinh bị đánh là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi; nhóm đánh hội đồng gồm 2 học sinh của trung tâm trên và 1 sinh viên.

Cũng cuối tháng Chín, trên Facebook, xuất hiện clip ghi cảnh nhóm học sinh lớp Tám, Trường THCS Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long dùng nón bảo hiểm, chổi, ghế gỗ đánh hội đồng bạn cùng trường. Nhóm học sinh này còn dùng chân đạp lên đầu bạn nhiều lần. Trưa 20/9, xảy ra vụ đánh nhau ở Trường THPT Bù Đăng khiến 1 nam sinh bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Tháng 3/2024, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, 2 nữ sinh lớp Mười một và Mười hai của Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã hẹn gặp nhau rồi xảy ra ẩu đả. Nữ sinh lớp Mười hai đã dùng dao đâm chết nữ sinh lớp Mười một. Tháng 4/2024, một nữ sinh lớp Mười, Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử do bị nhóm bạn học đánh, đe dọa, cô lập, tẩy chay trong một thời gian dài.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn giữa các giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên, giữa phụ huynh với bạn học của con. Đầu tháng 10/2024, một phụ huynh học sinh đã vào Trường THCS Nguyễn Du, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hành hung 2 học sinh lớp Tám do 2 em này đánh con mình sưng mắt. Cuối năm 2023, 2 giáo viên Trường tiểu học - THCS Xy (xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đánh nhau trong buổi liên hoan. Giữa năm 2023, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đánh giáo viên ngay trước mặt học sinh…

Thông điệp xây dựng tình bạn nhằm phòng, chống bạo lực học đường của Trường THCS Hoa Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - ẢNH: T.H.
Thông điệp xây dựng tình bạn nhằm phòng, chống bạo lực học đường của Trường THCS Hoa Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: T.H.

Xây dựng môi trường hòa hợp

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - cho rằng, tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh có nhiều biến đổi, đặc biệt là ở độ tuổi từ 12-17. Các em muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân, khó kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Các em không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, còn nhà trường lại thiếu các giờ ngoại khóa hoặc các sân chơi phù hợp với lứa tuổi này.
Theo bà, với thực tế đó, gia đình cần nắm bắt được tâm tư, những vấn đề mà con em mình đang phải đối mặt cũng như hướng dẫn chúng những kỹ năng tự giải quyết vấn đề, tự bảo vệ bản thân. Các trường cần quan tâm công tác tư vấn học đường, công tác xã hội; giáo viên cần nắm bắt được tâm tư của học sinh.

Trong phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” ngày 29/9 vừa qua, bạo lực học đường là vấn đề được các đại biểu nhí quan tâm, đưa ra thảo luận, chất vấn nhiều nhất. Nhiều đại biểu than phiền rằng, các clip cổ xúy bạo lực học đường đang nhan nhản trên mạng xã hội. Đại biểu Đặng Minh Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm soát, sàng lọc phim ảnh, clip có nội dung liên quan đến bạo lực học đường.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM sinh hoạt chuyên đề  “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” năm 2023 - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” năm 2023 - Ảnh: T.T.

Đại biểu này cũng nhận định, một số gia đình ít có sự tương tác, thiếu kết nối giữa các thành viên, mỗi người đều chìm đắm trong thế giới riêng của mình trên mạng xã hội; một số gia đình ly hôn, cha mẹ bận rộn, chỉ cung cấp cho con cái về vật chất mà thiếu quan tâm về sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần; có vị còn bạo hành khiến trẻ bị tổn thương, tự ti, hung hãn. Đại biểu Đặng Minh Hoàng nhận định: “Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách và hành vi của trẻ, do vậy các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, cần phân biệt từng trường hợp, từng dạng bạo lực học đường như bạo lực bằng nắm đấm, bằng lời nói, thái độ hoặc kết hợp cả hai. Ông nhận định, xã hội phát triển, kinh tế đi lên nhưng hệ giá trị đạo đức lại đang đi xuống. Đây là lỗi của cả hệ thống quản lý xã hội chứ không riêng của ngành giáo dục. Rất nhiều tình huống bạo lực diễn ra hằng ngày, ngay trước mắt học sinh, khiến các em bị ảnh hưởng nhanh chóng, sâu sắc. Chẳng hạn, người lớn va quẹt xe cũng dùng bạo lực giải quyết; cha mẹ cãi vã, chửi bới, thậm chí đánh nhau ngay trước mặt con; cảnh bạo lực đầy rẫy trên mạng xã hội…

Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TPHCM tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” năm 2023 - ẢNH: T.T.
Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TPHCM tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” năm 2023 - Ảnh: T.T.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - khẳng định, trường học hạnh phúc là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu bạo lực học đường. Trong môi trường đó, mỗi thành viên - từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh - đều được nói lên suy nghĩ, có điều kiện sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân và cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trường học như gia đình. Cảm xúc hạnh phúc có vai trò rất lớn trong hành vi của giáo viên. Khi giáo viên hạnh phúc thì những hành vi, giải pháp của họ sẽ sáng suốt hơn, tích cực hơn, nghĩ ra được nhiều phương án hơn để hóa giải hoặc xử lý những vấn đề phải đối mặt trong quá trình giáo dục học sinh, từ đó truyền cảm hứng, tạo động lực và lan tỏa những cảm xúc, hành vi tích cực tới đồng nghiệp, học sinh.

“Ngăn ngừa bạo lực học đường là hành trình dài, gian nan, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội, của nhiều tổ chức, đoàn thể. Chúng ta không nên nói suông mà phải hành động ngay để thay đổi nhận thức; phải có quyết tâm phê phán, thậm chí phải dùng luật pháp để cùng giải quyết”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI