Đừng để giật mình vì giá xăng

16/02/2022 - 06:36

PNO - Mấy ngày nay, đồng nghiệp trong cơ quan tôi cứ bàn tán về việc giá xăng tăng mạnh. Người thì than tiền đổ xăng gấp đôi ngày thường mới đầy bình, người thì kêu giá tô phở sáng đã tăng mười ngàn đồng cũng vì giá xăng tăng.

 

Người dân không thể không than khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với RON 95, cao nhất từ tháng 8/2014 cho đến nay. Doanh nghiệp còn “kêu” nhiều hơn sau hơn một năm “đắp chiếu” vì COVID-19, nay mới trở lại hoạt động chưa bao lâu thì chi phí lại đội lên nhiều lần do xăng tăng giá, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải, đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Việt Nam nhập khẩu đến hơn 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ cả nước cho nên giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước cũng tăng theo là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, yếu tố chính trị kinh tế rất dễ tác động đến sự tăng giảm giá xăng dầu trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tình hình chính trị kinh tế trên thế giới cả năm qua đã diễn biến vô cùng phức tạp vì COVID-19, nhất là tại các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nên đã tác động đến nguồn cung dầu, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng lên. Thêm vào đó là yếu tố thiên tai và những cơn bão khiến các nhà máy lọc dầu vùng Vịnh Mexico của Mỹ phải đóng cửa, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia trở nên xấu đi khiến Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than, các nhà máy điện ở Ấn Độ sắp cạn kiệt than… Tất cả những nguyên nhân khách quan này khiến cho xăng dầu bị thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tăng giá xăng sẽ không khiến doanh nghiệp và người dân điêu đứng nếu được cảnh báo sớm. Ai cũng thấy rằng hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Vì vậy, thiết nghĩ Chính phủ và Bộ Công Thương - Tài chính cần đưa ra những nhận định, dự báo sớm hơn và công khai để người dân có sự chuẩn bị để tránh thiệt hại. 

Ngoài ra, ông Ngô Trí Long cho rằng cũng Chính phủ có thể tham gia điều chỉnh giá xăng dầu bằng cách giảm thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% và thuế bảo vệ môi trường từ khoảng 4.000 đồng/lít.  
Về phía ngược lại, doanh nghiệp và người dân cũng cần chủ động chuẩn bị kế hoạch đối phó cũng như tìm cách thích nghi với việc xăng dầu tăng giá. Nếu được thông tin dự báo sớm và bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thì doanh nghiệp ít nhiều đã có thể dự đoán trước được việc tăng giá, và có giải pháp ứng phó linh hoạt nhằm giảm thiểu thiệt hại. 

Trên thực tế, trước tình hình giá xăng dầu tăng, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tính toán lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ năng lượng thay thế, quản lý chặt chẽ nhiên liệu xăng, dầu, hạn chế tối đa tiêu hao nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng, dầu như doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp ngành dịch vụ cũng phải tính toán cân đối đầu vào, cân nhắc tăng giá để giá dịch vụ nằm trong khoảng "chấp nhận được" và chất lượng dịch vụ không đi xuống…

Theo tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới thì tình hình giá xăng dầu tăng thời điểm này chỉ là hiệu ứng ngắn hạn, không phải xu hướng dài hạn. Vì vậy, hy vọng doanh nghiệp và người dân sẽ cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Quan trọng hơn, khi công tác dự báo được thực hiện sớm cùng với những giải pháp hạn chế những tác động dây chuyền từ giá xăng dầu được thực hiện kịp thời, người dân sẽ không phải giật mình, bị sốc trước mỗi lần giá xăng tăng. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI