Đừng để gánh nặng cho con

17/05/2014 - 06:35

PNO - PN - Có một dãy trọ 20 phòng ở gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM), bà Hồng rảnh rang suốt ngày, rồi giết thời gian bằng cách lao vào cờ bạc hoặc se sua chưng diện với bạn bè.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong khi đó, Hường - con gái bà - phải đi làm thêm để tự lo trong suốt thời sinh viên. Hường ra trường, bà Hồng mang nợ phải bán một nửa số phòng trọ. Vài năm sau, bà bán nốt số phòng trọ còn lại. Đem số tiền ấy gửi vào ngân hàng để lấy lãi, nhưng tiền sinh lãi… không kịp tốc độ xài tiền, bà phải rút về cả gốc lẫn lãi. Chẳng lâu sau, gốc lẫn lãi tiêu tan hết. Tiền tiêu vặt Hường gửi hàng tháng, cứ khoảng một tuần là bà tiêu hết sạch.

Dung de ganh nang cho con

Ảnh mang tính minh họa. gettyimage


Hường phải “nuôi” cả sự hào phóng và thú vui phấn son, bè bạn của mẹ. Công ty gặp khó khăn, cắt giảm thu nhập, Hường bị mắc kẹt giữa áp lực phải kiếm được việc làm lương cao hơn để nuôi sống hai mẹ con, và nỗi lo nếu bỏ việc ở chỗ đang làm, chỉ cần vài ngày không kiếm được công việc mới thì cả hai mẹ con dễ rơi vào túng quẫn. Gần 30 tuổi, cô cứ quẩn quanh mãi với một công việc biết trước là không có đường phát triển, chuyện chồng con cũng xa vời.

Việc phụng dưỡng cha mẹ vốn là điều đương nhiên, là nhiệm vụ của con cái. Thế nhưng, khi xem đó là điều hiển nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại phó mặc tuổi già cho lòng hiếu thảo của con cháu. Tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo thì không thể đo đếm, nhưng khả năng của mỗi người con là có hạn, gánh thêm cuộc sống của cha mẹ bên cạnh những nhu cầu cá nhân đôi khi là một việc quá sức. Không thể bỏ mặc cha mẹ, có những đứa con chọn cách từ bỏ cơ hội xây dựng cuộc sống. Mặt khác, khi việc phụng dưỡng không còn là một điều tự nhiên mà trở thành áp lực, con cái dễ rơi vào cảm giác ấm ức, bức bối, rồi hành xử không đúng mực, cha mẹ cũng khó mà thanh thản an hưởng tuổi già.

Vì muốn tránh những điều này mà bà Nguyễn Thị Lài (Dĩ An, Bình Dương) chấp nhận để mọi người nhạo là “dở hơi”, “hành xác” khi vẫn miệt mài làm công việc nấu ăn cho công nhân, dù con trai đã trở thành giám đốc một công ty xây dựng. Con tốt nghiệp đại học, làm kiến trúc sư, rồi mở công ty, năm lần bảy lượt mời mẹ lên Sài Gòn sống cùng. Lấy lý do không thích ở thành phố, mỗi năm bà Lài chỉ lên thăm con vài lần và đón cháu về chơi vào những ngày nghỉ. Nhận tiền cấp dưỡng của con hàng tháng, bà đem gửi ngân hàng làm “quỹ dưỡng già”, để phòng khi đau ốm không phải phiền đến con. Được hỏi về việc này, bà Lài tâm sự: “Con trai, con dâu đều học cao, môi trường sống khác mẹ nên chừng nào còn tự lo được thì tôi sẽ sống ở quê nhà để cả mình và các con đều thoải mái. Tự chủ về tiền bạc cũng là cách tôi giữ cái “uy” trong mắt
các con”.

“Nghĩ cho mình cũng là nghĩ cho các con” là quan điểm của chị Hương, một giáo viên cấp III ở Biên Hòa, Đồng Nai. Con cái đều đã lập gia đình, không còn phụ thuộc vào cha mẹ nhưng chị Hương vẫn âm thầm kiếm công việc khác để làm sau khi nghỉ hưu. Chị chia sẻ: “Tôi thấy mình cần đi làm để không phí hoài kinh nghiệm tích lũy được suốt 30 năm, đồng thời tích lũy thêm ít vốn liếng để có thể phụ giúp khi con gặp khó khăn”.
Già yếu, ốm đau… phải phụ thuộc vào con cháu là điều chẳng đặng đừng, không cha mẹ nào mong muốn. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ thời hiện đại đã lo liệu cho tuổi già, bệnh tật ngay từ khi còn trẻ, khỏe. Khi việc chăm sóc, lo toan của con cái trở thành một điều tự nhiên thuộc về tình cảm thì cuộc sống trong gia đình, mối quan hệ của cha mẹ - con cái sẽ nhẹ nhàng hơn.

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI