Đội mưa dạo phố
Tháng Mười, có dịp đến TP Đà Nẵng chơi, bà Đào Thi Lâm (tỉnh Hà Tĩnh) được con cháu dẫn đi Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) trúng ngay đợt mưa lớn kéo dài. Tưởng chuyến dạo chơi sẽ bất tiện, vô vị, nào ngờ bà thấy khách Việt, khách Âu, khách Hàn mặc áo mưa nườm nượp đi dạo khắp phố cổ dưới trời mưa nặng hạt. Trên dòng sông Hoài, nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về đục ngầu. Bà phấn khích rút điện thoại quay phát trực tiếp (live stream) trên Facebook cho bạn bè và người thân ở quê thấy cảnh đẹp lạ này.
Trung bình mỗi năm, TP Hội An có nhiều đợt ngập lụt. Dần dà, cảnh này trở thành “đặc sản” cuốn hút du khách. Họ đến để ngắm cảnh mưa ở phố cổ, ngồi uống cà phê dọc đường Bạch Đằng chờ nước lên ngập chân. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng tha hồ chụp các bức ảnh độc đáo. Khi nước dâng cao hơn, ngập các tuyến đường trong phố cổ, du khách thích thú thuê thuyền chèo đi ngắm các con phố trong nước lũ.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này đều tự phát, kể cả dịch vụ cho thuê thuyền. Ông Nguyễn Văn Năm - chuyên chèo thuyền ở phố cổ Hội An - cho biết, trong những đợt lụt, UBND TP Hội An chốt chặn các khu vực nguy hiểm và cấm các hoạt động trên sông. Tuy nhiên, để phục vụ du khách, kiếm thêm thu nhập, ông vẫn chèo thuyền đưa du khách đi ngắm các tuyến phố ở vùng an toàn, mỗi chuyến chở 2-3 khách, giá 80.000-100.000 đồng/khách.
|
Du khách trải nghiệm mưa dầm ở Đại Nội (TP Huế) Ảnh: Thuận Hóa |
Đầu năm 2011, Sở Du lịch TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch Huế”, trong đó có định hướng khai thác mưa Huế như một sản phẩm du lịch đặc trưng, thậm chí có kế hoạch xây dựng khu du lịch Làng Mưa ở bãi bồi Lương Quán, phường Thủy Biều. Làng Mưa gồm các nhà sàn chống ngập nối kết với nhau bằng hệ thống trường lang (lối đi nối các công trình), có nơi biểu diễn âm nhạc, thời trang, phòng thu thanh, dịch vụ du thuyền… để có thể nghe mưa, xem mưa, chiếu sáng mưa. Nhưng đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy.
Đại diện một số công ty du lịch ở TP Huế khẳng định, đã từng nghe nói về tour du lịch “Huế trong mưa” và đã được ngành du lịch triển khai hơn 10 năm trước, nhưng hạ tầng phục vụ du khách trong mùa mưa chưa có gì. Giám đốc chi nhánh Huế của một công ty lữ hành của TP Hà Nội nói: “Mùa mưa, công ty chúng tôi thường cho du khách nước ngoài ngồi xích lô ngắm đường phố, đi thăm hoàng thành, lăng tẩm. Do phải đảm bảo an toàn cho du khách, chúng tôi không dám cho khách trải nghiệm các dịch vụ khác”.
Cần sự đồng bộ về công trình, tua tuyến
Ông Ngô Hòa - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, muốn biến mưa Huế thành sản phẩm du lịch, cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch và du khách. Họ phải thực sự nhìn thấy được vẻ đẹp cũng như giá trị của mưa Huế. Việc đặt vấn đề khai thác du lịch mùa mưa Huế, quảng bá cho du khách về vẻ đẹp thâm trầm, sâu lắng của Huế trong mưa là đúng.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết, đang cân nhắc và hướng tới xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch mùa mưa lụt: “Chúng tôi đã thành lập nghiệp đoàn ghe bơi du lịch, nhưng vẫn phải tính toán để đảm bảo an toàn cho các công trình di tích, an toàn cho du khách, xây dựng tua tuyến. Vẫn còn nhiều việc cần phải làm trước khi xây dựng đề án này”. Ông nói thêm, trong đề án, sẽ có nội dung cho du khách trải nghiệm cảnh dọn đồ chạy lụt, ăn những bữa cơm tạm bợ ngày lũ để cảm nhận cuộc sống thực của người dân phố Hội mùa mưa lũ.
|
Du khách trải nghiệm mưa dầm ở Đại Nội (TP Huế) - Ảnh: Thuận HóaHUẬN HÓA |
Kiến trúc sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) - cho rằng, mưa Huế có thể tạo ra giá trị để khai thác du lịch. Chẳng hạn, có thể hình thành các tuyến đường đi bộ phục vụ du khách đi dạo dọc sông Hương với nhiều điểm ngắm mưa lý tưởng như đồi Vọng Cảnh, lầu Ngũ Phụng ở Ngọ Môn, đỉnh núi Ngự Bình, tầng 4 của khách sạn Hương Giang nhìn về Ngã Ba Sình…. Tất nhiên, trước đó, cần phải quy hoạch và thiết kế các điểm dừng trú mưa trên các tuyến đường này với kiến trúc độc đáo, phù hợp với cảnh quan của thành phố di sản. Cũng cần có thêm hệ thống khách sạn và quán cà phê mang chủ đề mưa. Đặc biệt, không thể thiếu hệ thống chùa chiền và nhà vườn ở Huế dành cho những du khách có nhu cầu tĩnh tâm.
Năm 2011, STDe đã công bố đề án “Sản phẩm du lịch thích ứng với mưa, bão, lụt miền Trung”. Trước đó, vào năm 2010, đề án này đã được báo cáo xin ý kiến ở 3 địa phương có khả năng ứng dụng cao là TP Đà Nẵng, TP Hội An và TP Huế. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay, đề án này vẫn chưa được triển khai. Bà Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, mưa, lụt ở Hội An không nguy hiểm như ở những nơi khác và người dân Hội An đã quen sống chung với mưa, lụt, có hẳn một văn hóa ứng xử với mưa lụt rất độc đáo, thể hiện trong phong tục tập quán và nhiều chi tiết kiến trúc, nội thất của ngôi nhà cổ.
Theo bà, mưa, lụt là cơ hội để du khách tiếp cận, khám phá các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3, tầng mái các ngôi nhà cổ Hội An. Các dịch vụ uống cà phê ngắm lụt từ trên độ cao 3m sẽ rất mới lạ và thú vị. Những ngày mưa lụt, hoạt động bên ngoài bị đình trệ, các hoạt động trong nhà lại có cơ hội phát triển, vì lúc đó một lượng khách du lịch rất đông sẽ bị giữ chân lại trong các ngôi nhà cổ. Khi mưa, lụt, sẽ rất phù hợp nếu tổ chức cho du khách giao lưu, kết nối, chia sẻ văn hóa, văn nghệ hoặc trải nghiệm cách làm bánh, pha trà, làm đồ thủ công mỹ nghệ, hoặc tổ chức các hoạt động như nhạc nước, múa rối nước, chụp ảnh.
“Thay vì trốn chạy hoặc chống lại các yếu tố thời tiết bất lợi, chúng ta sống chung với nó, thích ứng với nó và khai thác nó. Đó là tư duy mới thích ứng với biến đổi khí hậu” - bà Nguyễn Thu Hạnh nói.
Nhiều khách du lịch thích trải nghiệm trong mưa lũ Ngồi thuyền ngắm Hoàng thành Huế; thành phố ngập nước mang vẻ đẹp đặc biệt… Đó là những cảm xúc của nhiều du khách trong và ngoài nước được phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM ghi nhận trong đợt mưa lụt tại Huế vào tháng 10/2022. Chị Linda Liên - một Việt kiều Pháp - chia sẻ: dù phải tham quan Đại Nội và nhiều thắng cảnh trong mưa lụt nhưng chị vẫn thấy thành phố rất đẹp. Điều mà chị ấn tượng là người dân TP Huế vẫn bình tĩnh đối phó với thiên tai, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn… Đó là chuyến đi đáng nhớ của gia đình chị. Đáng chú ý, nhiều đoàn khách quốc tế lưu trú ở những khu vực không bị ngập nước đã chủ động thuê đò tham quan những vùng ngập và xem đó như một trải nghiệm thú vị. Một thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, trong 2 ngày 15 và 16/10/2022 - thời điểm TP Huế bị ngập nặng - tỉnh đã đón hơn 2.000 khách, trong đó hơn một nửa là khách quốc tế. Thuận Hóa |
Lê Đình Dũng - Thuận Hóa