PNO - Muốn kiếm tiền từ du khách càng nhiều càng tốt không sai, nhưng moi tiền từ sự bất cẩn của du khách, là đã vô tình dần giết đi con gà đẻ trứng vàng của chính mình.
Người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch tại khu vực Hồ Tây - Ảnh: Thanh Tùng
Không riêng những ngày lễ, khi đi du lịch người ta bao giờ cũng biết và sẵn sàng chi trả theo giá mắc hơn giá biểu ngày thường. Nếu mãi tính món ăn này chỉ có bao nhiêu mà ở đây cao quá, so với ở nhà, thì không thể nào đi chơi thoải mái được. Nhưng không thể chấp nhận mình phải trả tiền nhiều hơn người khác với cùng một món hàng hay cùng một loại dịch vụ chỉ vì bị lấy quá giá.
Khoảng đầu năm 2002, tôi đã phải trả 20.000 đồng cho một ổ bánh mì kẹp chả lụa, xin nhấn mạnh chỉ có chả lụa. Trong khi hiện nay, sau hơn 20 năm chỉ với 15.000 đồng tôi mua được ổ bánh mì với đầy đủ jambon, chả lụa, nước sốt, dưa chua để ăn sáng. Tôi phải trả giá cao chỉ vì giọng nói của tôi khiến người bán biết tôi là du khách. Cũng có lần gia đình tôi phải trả tiền cho một món lẩu cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết. Chỉ vì không hỏi kỹ lẩu trong bảng giá có những gì nên không thể không trả tiền khi chủ tiệm ăn cho rằng giá niêm yết chỉ là giá nồi nước lẩu không bao gồm dĩa hải sản, dĩa bún, dĩa rau.
Tiền mất không bao nhiêu so với chi phí du khách sẵn sàng chi trả cho chuyến đi. Nhưng cái cảm giác bị lừa khiến cho người ta ấm ức. Nỗi ấm ức đó khi xưa chỉ để trong lòng hay chỉ trao đổi với những người thân cận khi nói về điểm đến đó. Ngày nay họ sẵn sàng lên mạng bốc phốt để đỡ cơn tức. Và du khách có muốn đến điểm đến đó hay không? Trở lại đó hay không? Khi mà có hàng chục, hàng trăm sự lựa chọn để du lịch trong và ngoài nước.
Dân cư ở địa phương có thể tham gia kiếm tiền bằng việc cung cấp mọi thứ cho du khách ngay cả việc bán hàng rong, bán vé số. Vấn đề là làm sao du khách chịu bỏ tiền ra khi mà lúc nào họ cũng nơm nớp sợ bị lừa.
Một lần bị "chặt chém" sẽ làm cho du khách e ngại nên sẽ rất hạn chế bỏ tiền để mua sắm, tiêu xài thậm chí ăn vặt khi đi du lịch. Khi cực chẳng đã phải chi tiền cho những khoản ngoài chương trình mà họ đã đóng tiền cho công ty du lịch, người ta buộc phải hỏi han cặn kẽ. Tất nhiên vì vậy họ mất đi một niềm vui được tiêu xài, trải nghiệm, thưởng thức sản vật của địa phương mà mình đang đến tham quan.
Vậy đó, người dân địa phương muốn kiếm tiền từ du khách càng nhiều càng tốt không sai. Nhưng cái cách moi tiền từ sự bất cẩn của du khách khiến họ vô tình dần giết đi “con gà đẻ trứng vàng” của mình.
Để tránh tình trạng “trấn lột” du khách, tốt hơn hết phải có hiệp hội các ngành nghề dịch vụ phục vụ du khách. Ở đó người ta sẽ bảo nhau, sẽ giám sát lẫn nhau để không làm “bể nồi cơm của mình”. Dĩ nhiên là không thể buộc tất cả đều phải vào hiệp hội nên lại rất cần lực lượng cảnh sát du lịch. Lực lượng này phải có mặt khắp các địa điểm đông du khách sao cho du khách dễ tiếp cận để khiếu nại, thắc mắc, tìm sự giúp đỡ khi cần thiết.