Tiền đồng phục gần 2 triệu đồng/ học sinh
Chị Đào Ánh Tuyết (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) đang trong những ngày tất bật chuẩn bị năm học mới cho ba đứa con. Riêng tiền đồng phục chị vừa đóng cũng đã hết gần 5 triệu đồng.
|
Nhiều phụ huynh cho rằng đồng phục học sinh nên đơn giản, nhẹ nhàng, tránh cầu kỳ, hay thay đổi (trong ảnh: Đồng phục của học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM) - Ảnh: P.T |
Chị Tuyết cho biết: “Cuối năm học vừa rồi, trường có phát phiếu đăng ký mua đồng phục đến các phụ huynh. Trường không quy định số lượng phải mua. Nhưng cả ba cháu nhà tôi đều phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Nên tiết kiệm lắm thì mỗi đứa cũng phải có hai bộ mùa hè, hai bộ mùa đông, một bộ thể dục”.
Chị Tuyết nhẩm tính: “Tiền sách vở của ba đứa hết khoảng 1,5 triệu đồng. Tiền đồng phục gần 5 triệu. Chưa kể sắp tới, vào đầu năm học còn nhiều khoản phải đóng góp. Nếu phụ huynh làm công nhân hay lao động thu nhập thấp thì khá chật vật, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua hai năm đại dịch”.
Tại TPHCM, chị Thúy Thanh (ngụ Q.10) cho biết con gái chị chuẩn bị vào lớp 10 nên năm học này có rất nhiều khoản phải tính toán. Bên cạnh học phí, năm nay sách giáo khoa, sách tham khảo cũng mua mới hoàn toàn theo chương trình mới.
Bên cạnh đó, còn phải mua đồng phục của trường, ít nhất hai bộ với giá gần 400.000 đồng/bộ để thay đổi trong tuần, một bộ đồng phục thể dục 200.000 đồng và một bộ áo dài (vải và công may gần 1 triệu đồng). Như vậy, riêng tiền đồng phục cho con cũng gần 2 triệu đồng.
“Đối với đứa con nhỏ học lớp Tám chưa phải may áo dài thì tiền đồng phục cũng gần cả triệu đồng. Các trường đều nói không bắt buộc mua tại trường và không bắt buộc mua mới mỗi năm, nhưng với mẫu đồng phục trường đưa ra không dễ để đặt may giống y.
Ngoài ra, con đang độ tuổi lớn nên hầu như sau mỗi năm lại phải mua mới. Đứa nhỏ học khác trường, khác đồng phục nên cũng không mặc lại đồ của chị được. Bởi vậy, cứ đầu năm học là gia đình tôi đau đầu tính toán đủ thứ chi phí, có khi mất hết một tháng lương của cha hoặc mẹ”, chị Thúy Thanh lo lắng.
Năm học 2022-2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) đổi mẫu đồng phục cho học sinh khối lớp 10. Đồng phục hiện nay của trường khá đơn giản, phổ biến, phụ huynh có thể dễ dàng tìm mua hoặc tận dụng lại đồ cũ. Do đó, có ý kiến băn khoăn việc đổi mẫu đồng phục mới với các thiết kế đặc trưng hơn thì phụ huynh khó có lựa chọn nào khác ngoài mua tại trường.
Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, việc đổi đồng phục là nhằm hướng đến một hình ảnh mới mẻ hơn cho học sinh và nhà trường. Việc đổi đồng phục năm nay chỉ áp dụng riêng với khối lớp 10 mới nhập học. Còn các khối 11, 12 đang học sẽ giữ nguyên mẫu cũ nên không ảnh hưởng nhiều đến học sinh. Trường sẽ thực hiện việc đổi đồng phục theo hình thức cuốn chiếu nhằm tránh áp lực về chi phí đồng phục cho phụ huynh.
Theo cô Hiền, đồng phục của nhà trường được bán với mức giá phổ thông, chênh lệch không đáng kể với thị trường. Với các trường hợp khó khăn, hằng năm nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ học bổng để các gia đình trang trải chi phí trường lớp đầu năm, trong đó có đồng phục.
Còn Trường tiểu học Văn Bình, nơi con của chị Đặng Thị Nga (H.Thường Tín, TP.Hà Nội) đang học, năm học này bỗng nhiên thay mẫu đồng phục mới. Bảy - tám năm trước, trường này từng vấp phải sự phản ứng gay gắt của phụ huynh, cũng vì đột nhiên thay mẫu đồng phục.
“Năm nay, trường lại thay đổi mẫu, điều này thực sự lãng phí. Trường yêu cầu mua đồng phục và các cháu chỉ phải mặc vào thứ Hai. Tuy nhiên, trường lại không quy định chặt nên rất nhiều cháu không mặc đồng phục. Mà hầu như năm học nào các cháu cũng phải mua mới ít nhất một bộ mùa hè, một bộ mùa đông”, chị Nga bức xúc.
Mỗi trường một kiểu
Theo Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT (ngày 30/9/2009) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định của thông tư và các quy định khác của nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Bích - phụ huynh học sinh Trường tiểu học - THCS Thăng Long (H.Thường Tín, TP.Hà Nội) - cho biết, tại buổi họp phụ huynh, chị cùng cha mẹ của 149 học sinh đầu cấp đã làm việc trực tiếp với nhà may và thống nhất công khai chất liệu, giá tiền. Chị Bích mua đồng phục cho con hết 1,865 triệu đồng - cho tổng cộng ba áo ngắn tay, ba váy, ba quần dài, hai bộ thể dục, hai áo khoác mùa đông.
Còn Trường THCS Phương Mai (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội), đầu tháng 7/2022, trong buổi hỗ trợ đăng ký tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, phụ huynh học sinh lớp Sáu nhận được danh sách và bảng giá chi tiết của từng bộ đồng phục.
Danh sách gồm: bộ sơ mi dài, bộ sơ mi ngắn tay, bộ thể dục dài, bộ thể dục ngắn tay, áo khoác, áo hoodie, tất. Tổng cộng số tiền là 1,85 triệu đồng. Số tiền này chỉ ít hơn một chút so với số tiền đồng phục chị Nguyễn Thị Bích mua cho con (1,865 triệu đồng) nhưng số lượng mỗi loại chỉ là một, chỉ riêng tất đồng phục là hai đôi.
Bà Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai - cho biết: Đồng phục là do hội phụ huynh làm việc với nhà may, nhà trường chỉ đưa danh sách để phụ huynh tham khảo và cũng không bắt buộc phải mua toàn bộ số đồng phục được liệt kê trong phiếu thông báo giá.
Thế nhưng điều này dường như lại không phù hợp với tinh thần của đồng phục vì có thể có học sinh mặc đồng phục, có học sinh không. Bởi đồng phục, trước hết là để các học sinh bình đẳng với nhau về hình thức, tránh phân biệt giàu - nghèo, tránh để những bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thấy tủi thân. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho biết họ không được tham gia vào việc chọn chất liệu vải hay thống nhất giá đồng phục cho con.
Có thể thấy, vấn đề đồng phục đã được quy định tại thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lâu, có những trường thực hiện tốt, nhưng cũng không ít trường - dường như lại đang thực hiện theo cách riêng. Đồng phục càng cầu kỳ, càng thay đổi nhiều lần càng làm tăng gánh nặng lo toan của phụ huynh trước năm học mới.
Học sinh cả quận cùng đồng phục áo trắng, quần xanh Tại TPHCM, từ năm học 2017-2018, UBND Q.12 đã thống nhất một mẫu đồng phục chung cơ bản cho học sinh tất cả trường học trên địa bàn. Cụ thể, đồng phục chung là quần xanh - áo trắng với nam sinh và váy xanh - áo trắng với nữ sinh. Quận chỉ đưa ra một số quy định khác như nam sinh ở bậc tiểu học mặc quần short, ở bậc THCS và THPT mặc quần dài; nữ sinh mặc váy phải dài quá gối. Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Q.12 - đánh giá: Qua 5 năm triển khai, chủ trương thống nhất mẫu đồng phục đã tạo thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh, học sinh. Quận đặt ra chuẩn đồng phục chung là kiểu cực kỳ đơn giản, phổ biến, để phụ huynh có thể dễ dàng tìm mua hoặc đặt may. Với những gia đình không có điều kiện, học sinh còn có thể tận dụng lại đồng phục cũ của anh chị, hoặc khi chuyển trường, chuyển cấp không nhất thiết mua đồng phục mới. Theo ông Hùng, địa bàn Q.12 phần đông là lao động phổ thông, công nhân nên chủ trương của quận tạo được sự đồng thuận cao. Các trường cũng có thể tập trung vào chuyên môn, không phải phân tâm bởi những vấn đề khác. Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.12) - nhận xét, sau nhiều năm thực hiện chủ trương thống nhất mẫu đồng phục học sinh đã tạo thuận lợi không chỉ cho phụ huynh mà còn cả nhà trường. Với quần xanh, áo trắng rất cơ bản, phổ biến thì phụ huynh dễ dàng trang bị cho con tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình. Nhà trường cũng không phải mất thời gian lên danh sách và đặt may đồng phục mỗi đầu năm. Theo thầy Dũng, đồng phục có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự bình đẳng, hòa đồng, thoải mái cho học sinh. Do đó, không nhất thiết phải cầu kỳ mà chỉ cần lịch sự, gọn gàng là được. Để tạo nét đặc trưng thì nhà trường đặt mẫu logo, phù hiệu của trường để học sinh dán hoặc may lên đồng phục, rất dễ dàng, thuận tiện. Minh Linh |
Uông Ngọc - Phương Thanh