Đừng để di tích lạ lẫm, biến dạng sau khi trùng tu

05/08/2024 - 06:39

PNO - Việc trùng tu chùa Cầu ở phố cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang dấy lên nhiều tranh luận. Trước đó, nhiều di tích đã “được” trùng tu một cách ẩu tả, trở thành chủ đề bàn tán trong dư luận. Làm sao để công tác trùng tu di tích không gây lo âu cho công chúng yêu di sản văn hóa, lịch sử?

Các cặp rồng trên nóc điện Thái Hòa được hạ giải, đưa đến nơi bảo quản an toàn trong ngày đầu trùng tu di tích này -  ẢNH: THUẬN HÓA
Các cặp rồng trên nóc điện Thái Hòa được hạ giải, đưa đến nơi bảo quản an toàn trong ngày đầu trùng tu di tích này - ẢNH: THUẬN HÓA

Sứt mẻ niềm tin

Khi những hình ảnh đầu tiên về chùa Cầu sau trùng tu được đăng lên, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích. Nhìn bằng mắt thường hoặc qua ảnh chụp, công chúng cho rằng chùa Cầu đã bị “trẻ hóa”, mất đi vẻ đẹp rêu phong, cổ kính từng có.

Lâu nay, niềm tin của công chúng Việt Nam với công tác tu bổ, tôn tạo di tích không cao, nhất là sau một số cuộc trùng tu phi khoa học, gây tổn hại cho công trình cổ. Tháng 6/2023, hàng loạt tượng Phật cổ ở chùa Thổ Hà (di tích quốc gia, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị sơn vàng kém thẩm mỹ, chủ thầu còn sơn phết vô tội vạ tường chùa, làm vỡ bia đá 342 năm tuổi. Đó chỉ là 2 trong số nhiều lỗi nghiêm trọng trong công tác tu bổ chùa Thổ Hà.

Năm 2020, di tích quốc gia đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cũng bị phủ màu sơn vàng, sơn đỏ công nghiệp, không tôn trọng giá trị nguyên bản. Các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản khi đó cho rằng việc trùng tu đã làm xấu di tích.

Tháng 3/2022, trong quá trình trùng tu đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), giếng cổ trong khuôn viên đền bị phá bỏ, chính quyền địa phương định cho xây giếng nhỏ hơn nhưng sau khi bị phản ứng, hạng mục tôn tạo này bị yêu cầu ngừng thực hiện. Cùng thời điểm, việc trùng tu, tôn tạo tháp Bánh Ít (tỉnh Bình Định) cũng bị phản ánh là thi công không đúng với phương án đã được thẩm định, như dùng phương tiện cơ giới xâm hại di tích.

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đình, chùa và các di tích cổ bị bê tông hóa, sơn phết tùy tiện khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Hàng loạt vụ trùng tu bất ổn đã gây ra tâm lý phập phồng của công chúng khi nghe tin một di tích nào đó sắp được trùng tu.

Diện mạo chùa Cầu sau khi trùng tu gây nhiều tranh cãi ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Diện mạo chùa Cầu sau khi trùng tu gây nhiều tranh cãi ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG

Không để "tay mơ" đụng vào di tích

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2035 do Bộ VHTTDL soạn, trong giai đoạn này, có ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có đội ngũ chuyên môn trong công tác trùng tu di tích bởi nếu trùng tu ồ ạt, ẩu tả, hậu quả sẽ khó lường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, một nhà nghiên cứu di sản ở TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết, theo Luật Di sản, muốn tu sửa một công trình nào đã được xếp hạng di tích, cần có sự phê duyệt của bộ hoặc sở VHTTDL. Nhưng Luật Di sản lại không quy định việc trùng tu phải do đơn vị có chức năng sửa chữa di tích thực hiện.

Trong khi đó, mỗi công trình đều có đặc tính riêng nên phải có chuyên môn mới làm được, không thể chọn nhà thầu, thợ thầy bừa bãi. Vị này khẳng định, nếu không quyết liệt chấn chỉnh công tác trùng tu di tích thì trong tương lai, sẽ có nhiều di tích bị biến dạng.

Cách làm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế được xem là đáng để tham khảo, học hỏi và nhân rộng ra cả nước. Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án tu sửa, tôn tạo các di tích trong Hoàng thành Huế - đã ứng xử với di tích theo cách tôn trọng giá trị gốc, bảo tồn tính nguyên bản. Trước khi trùng tu một di tích nào, trung tâm đều tổ chức các hội thảo; từ các góp ý, trung tâm chuẩn bị hồ sơ tôn tạo rất kỹ cho mỗi hạng mục công trình cần trùng tu.

Ông Hồ Hữu Hành - Giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế - cho biết, trong quá trình trùng tu điện Thái Hòa trong Hoàng cung Huế, trước mỗi hạng mục như liên ba, đố bản, hệ vách ván có phần trang trí văn thơ chữ Hán, công ty đều mời các chuyên gia tư vấn cách bảo tồn, cái nào cần bảo tồn nguyên vẹn, cái nào có thể thay thế.

Sau khi có ý kiến của chuyên gia, công ty còn đem ý kiến đó trao đổi lại với hội đồng khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhằm đảm bảo độ chính xác cho từng hạng mục.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho hay, điện Thái Hòa là công trình đầu tiên mà chủ đầu tư và đơn vị thi công áp dụng công nghệ scan 3D; quá trình scan 3D được thực hiện trước, trong và sau khi trùng tu. Đó là tư liệu để đối chiếu, so sánh, từ đó khắc phục các sai lệch.

“Việc scan 3D còn nhằm số hóa, lưu trữ các dữ liệu để các thế hệ con cháu sau này có cơ sở tham khảo, tu bổ khi di tích bị hư hại do thiên tai hay do các yếu tố khách quan” - ông nói.

Thuận Hóa - Thành Lâm - Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI