Đừng dễ dãi với những chi tiết nhỏ trong phim

15/05/2024 - 06:40

PNO - So với nam giới, các diễn viên nữ thường bị người xem “soi” kỹ hơn khi lên phim. Còn về phía diễn viên, là phái đẹp nên tâm lý ít ai muốn mình xấu trong phim.

Bộ phim truyền hình Trạm cứu hộ trái tim (đang phát trên kênh VTV3) ngày càng tiến đến những cao trào mới quanh hành trình cứu sản nghiệp gia đình và chữa lành vết thương hôn nhân của Ngân Hà (Hồng Diễm đóng). Là nhân vật trung tâm nên Ngân Hà nhận được nhiều sự quan tâm của người xem, nhất là khoản tạo hình. Cách ăn mặc, tóc tai, phục sức của nữ chính Hồng Diễm cho dù bị chê là đã “dìm” nhan sắc của cô nhưng phù hợp với tính cách hiền lành của nhân vật. Song có một chi tiết nhỏ khiến Hồng Diễm “mất điểm” là việc cô vẫn diện đôi giày cao gót lúc nhân vật Ngân Hà có thai.

Ở tập 26, trong cảnh Ngân Hà được cô bạn thân Mỹ Đình (Thúy Diễm đóng) chở đi khám thai, diễn viên Hồng Diễm từ trên xe bước xuống với đôi giày bít gót nhọn cao 5-7 phân. Việc bà bầu mang giày cao gót điệu đà như đang đi sàn catwalk trong khi đây lại là đứa con đầu lòng sau nhiều năm trông ngóng được xem là chi tiết bất hợp lý trong tạo hình nhân vật.

Trong khi đó, ở phim Ước mình cùng bay (đang phát trên kênh VieON), chi tiết nhỏ này được đoàn phim để ý kỹ. Khán giả thấy nhân vật Ngân (Thùy Dung đóng) cũng mang thai con đầu lòng, bụng bầu lùm lùm, luôn đi giày đế bệt.

Nhân vật Mai Anh bị bệnh ung thư, chờ hiến tủy, nằm trên giường bệnh nhưng vẫn trang điểm, làm móng kỹ càng
Nhân vật Mai Anh bị bệnh ung thư, chờ hiến tủy, nằm trên giường bệnh nhưng vẫn trang điểm, làm móng kỹ càng

So với nam giới, các diễn viên nữ thường bị người xem “soi” kỹ hơn khi lên phim. Còn về phía diễn viên, là phái đẹp nên tâm lý ít ai muốn mình xấu trong phim. Thường thấy nhất trong phim truyền hình là tình trạng nhân vật đi ngủ cũng trang điểm, thậm chí nằm viện cũng chưng diện. Chẳng hạn trong phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ, nhân vật Mai Anh bị bệnh ung thư chờ được hiến tủy. Tuy nhiên trên giường bệnh, diễn viên vẫn được tạo hình điệu đà với bầu mắt đánh màu ánh cam, bộ móng màu trắng chải chuốt. Tất nhiên, không ai đòi hỏi diễn viên phải để mặt mộc 100% nhưng việc để lộ rõ lớp trang điểm chứng tỏ khâu tạo hình chưa tinh tế.

Không chỉ ở những cảnh đi ngủ, nằm viện, tình trạng diễn viên vào vai nghèo khổ nhưng ăn vận tươm tất, tóc tai chăm chút cũng phổ biến. Trong phim cổ trang Nghiệp sinh tử, nhân vật Hương Thị (Quỳnh Lam đóng) sống trong nhà lá rách nát, làm lụng vất vả nhưng lông mày sắc sảo, kẻ mắt tỉ mỉ, tóc chải bới láng mượt. Xem phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, khán giả thấy gợn khi nhân vật Luyến (Thanh Hương đóng) sống ở gầm cầu nhưng hàm răng trắng sáng.

Chuyện diễn viên làm răng sứ là điều khó tránh, nhưng giá như bộ phận hóa trang chú ý đến chi tiết nhỏ này để có giải pháp phù hợp khi diễn viên vào vai nghèo khổ sẽ hay hơn. Ngoài đời, nhiều người lao động vất vả vẫn có hàm răng trắng đều, nhưng không thể có màu trắng phát sáng do thẩm mỹ như nhân vật trên phim. Điều chỉnh màu răng phù hợp hoàn cảnh sống nhân vật thể hiện sự tính toán, ý tưởng trong tạo hình.

Cũng trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, khán giả rất ấn tượng với hàm răng ố vàng của nhân vật Bát. Hàm răng màu vàng sẫm cũng là điểm nhấn khiến người xem thêm ác cảm với Bát mỗi khi hắn xuất hiện. Trên thực tế, diễn viên Tuấn Anh có hàm răng sáng hơn nên trước mỗi cảnh quay anh phải trải qua công đoạn hóa trang màu răng.

So với phim điện ảnh, phim truyền hình khó đầu tư nhiều cho khoản tạo hình nhân vật vì ít kinh phí. Song việc chăm chút cho những chi tiết nhỏ kể trên cũng không quá gây thêm tốn kém, để đừng ảnh hưởng đến tổng thể bộ phim.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI