PNO - Khi một đứa trẻ hành động gây nguy hiểm cho chính mình, đó không hẳn là sự nhất thời thiếu suy nghĩ, mà có thể là lúc nỗi đau tinh thần vượt quá ngưỡng chịu đựng, trẻ đang phải một mình “chiến đấu” với tổn thương. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đã mất đi sự kết nối với gia đình.
Sự việc nữ sinh ở An Giang tự tử vì mâu thuẫn với thầy cô, làm tôi nhớ đến câu chuyện hai người mẹ từng chia sẻ về vấn đề của các cô con gái nhà mình. Chỉ vì một phút thờ ơ với con, suýt chút nữa họ đã đẩy con mình vào bước đường cùng.
P.T. - con gái chị P., đang học lớp 12 tại một trường công ở TP.HCM - sau khi kết thúc kỳ thi giữa kỳ, em nằng nặc đòi nghỉ học. Trước đó, T. hay phàn nàn với mẹ về việc cô K. - giáo viên chủ nhiệm - thường xuyên “cà khịa” em trong lớp học. Cô hay dùng những từ ngữ rất tục tĩu để mắng em và một số bạn, chỉ vì các em không đi học thêm. Khi con than phiền, chị nghĩ thầy cô la mắng, dạy dỗ học sinh là chuyện bình thường nên cũng không bận tâm đến lời con nói.
Cho đến khi bạn của T., đưa cho chị đoạn ghi âm, chị mới ngỡ ngàng nhận ra sự vô tâm của mình. Theo chị, cô giáo không chỉ chửi trong lớp mà còn nhấn mạnh các từ ngữ tục tĩu và nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cô còn xưng hô mày tao, tụi bây, lũ mất dạy… với học sinh. Qua bạn của con, chị còn biết được, có lần vì ấm ức mẹ không chịu tin mình, em đã nhờ một số bạn cùng lớp đến nhà làm nhân chứng, nhưng vì sợ “cái uy” của cô giáo nên không bạn nào dám nhận lời em. Chuyện em nhờ vả các bạn không hiểu vì sao cô giáo biết được. Kể từ đó, cô “chửi xéo” con gái chị nhiều hơn.
Uất ức, căng thẳng kéo dài khiến T. không còn tha thiết học hành. Em thường xuyên nghĩ đến chuyện “muốn thoát khỏi cuộc sống này” và tâm sự với bạn về điều đó. Vì muốn giúp T. nên bạn của em đã lén ghi âm trong lớp học, dù biết là sai quy định của nhà trường.
Ảnh minh họa
Bức xúc trước hành động của cô giáo, chị dự định mang đoạn ghi âm đến trường gặp ban giám hiệu nhờ can thiệp. Nhưng lại lo sẽ làm liên lụy đến bạn của con, chị đành im lặng để các con được yên ổn học tiếp những tháng cuối cấp. Phần T., chị chỉ xin chuyển lớp cho con. Nghĩ lại khoảng thời gian con đột nhiên thay đổi tính tình, hay gắt gỏng với ba mẹ và sợ đến trường… chị chẳng những không biết con đang gặp khó khăn cần mẹ hỗ trợ, mà còn la mắng con. Điều này khiến chị ray rứt và ân hận vô cùng.
May mắn là cuối cùng chị đã nhận ra vấn đề và kịp thời bảo vệ con, giúp con nhanh chóng vượt qua tổn thương của mình mà không để lại hậu quả nặng nề. Dù vậy, chị vẫn chưa bao giờ thôi dằn vặt chính mình. Chị chia sẻ: “Chỉ vì không tin con, suýt chút nữa chính tôi đã đánh mất con mình rồi”.
Trẻ tự giải quyết vấn đề của mình
Bên cạnh mâu thuẫn với thầy cô, ở lứa tuổi học sinh, các em còn dễ nảy sinh mâu thuẫn với bạn bè, bị tẩy chay, bắt nạt trong lớp học. Trong những trường hợp này, nếu không có sự can thiệp kịp thời, sẽ dễ dàng để lại hậu quả nghiêm trọng.
N.M. không may mắn có một người bạn thân để tâm sự giống như T. Khi gia đình phát hiện những bất ổn của N.M., thì em đã nhiều lần có hành vi gây hại cho mình.
Theo chị C. - mẹ của M., đầu năm em học lớp Chín, gia đình chuyển từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn sinh sống. Em được vào học tại một ngôi trường quốc tế ở TP.HCM. Từ một học sinh tỉnh lẻ, chân ướt chân ráo bước vào nơi chỉ dành cho con nhà giàu, em không thể thích nghi được với môi trường mới. Em gặp khó khăn trong việc kết bạn, cả lớp gần như cô lập em. Mỗi khi làm việc nhóm, các bạn không ai đồng ý cho em vào chung nhóm. Em nhờ giáo viên hỗ trợ, nhưng dù thầy cô có ghép em vào nhóm nào thì em cũng bị các bạn lạnh nhạt, xa lánh. Sự việc cứ lặp đi lặp lại hết tiết học này đến tiết học khác, khiến em cảm thấy vô cùng bất lực. Vì vậy, vào những giờ học phải chia nhóm, em xin thầy cô vào nhà vệ sinh rồi trốn luôn cho đến hết tiết học. M. nhiều lần xin mẹ cho em được chuyển trường, nhưng mẹ lại gạt đi mong muốn của con. Chị còn trách con không kết bạn được với mọi người là lỗi tại con.
Đỉnh điểm là vào một ngày nọ, M. đi học nhưng không đến trường mà bỏ đi lang thang, khiến cả nhà phải hốt hoảng tìm kiếm. Khi chị tìm được M. thì trên tay em đã chằng chịt những vết rạch ứa máu. Trong lúc căng thẳng, sợ hãi, M. đã dùng dao rọc giấy rạch lên tay mình như một cách giải tỏa những đau đớn trong em. Và đó cũng không phải lần đầu tiên M. gây đau đớn cho chính mình, nhưng chị không hề hay biết.
Trong quá trình làm việc với học sinh bị áp lực học tập, stress, lo âu, trầm cảm… khi được hỏi: “Những lúc gặp chuyện buồn, các em tâm sự với ai?”. Đa số đều trả lời là bạn bè, anh chị hoặc không chia sẻ với ai cả. Rất ít học sinh trả lời là cha mẹ. Điều này cho thấy có nhiều cha mẹ quá bận rộn không có thời gian cho con, không hề lắng nghe trọn vẹn tâm tư của con; có cha mẹ còn tỏ ra nghi ngờ không tin những gì con nói; và cũng có cha mẹ chưa kịp tìm hiểu vấn đề của con đã vội vàng quy chụp lỗi lên con như: “Tại con như thế nào bạn bè mới đối xử với con như vậy?”, hay “Sao các bạn làm được mà con không làm được?”… khiến đứa trẻ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, lạc lõng… và không còn muốn chia sẻ nữa. Vì vậy, khi gặp khó khăn, các em thường âm thầm giải quyết vấn đề của mình, nhưng với nền tảng tâm lý còn non nớt, các em chưa đủ mạnh mẽ, chín chắn để vượt qua nó. Từ đó, dẫn các em đến hành động làm hại bản thân, và chỉ đến khi hậu quả xảy ra, thì các bậc cha mẹ mới bàng hoàng nhận ra sai lầm của mình.
Với trẻ em, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và nâng đỡ tinh thần cho con. Sự quan tâm, lắng nghe và tình yêu thương của cha mẹ chính là sức mạnh giúp con cái vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Vì thế với trẻ, gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Gửi bố,
Bố, con - con trai của bố vẫn đang lênh đênh trên biển cả, và vẫn chưa ai biết con là ai. Thật nực cười bố nhỉ? Sao cô giáo dạy thêm toán lại chỉ trích con với thái độ khinh bỉ ấy khi con gặp sai sót? Đúng, con thừa nhận rằng con đã làm sai, nhưng con cá rằng mấy đứa nữa cũng sẽ chẳng biết làm như con trong cái lớp học ấy.
Con đã buồn, nhưng một chút thôi bố ạ. Vì cô ta đâu biết con là ai cơ chứ, phải không bố? Con chính là… Columbus - người tìm ra châu Mỹ. Haha… Bí mật này con sẽ không cho ai biết cả. Nực cười thật, con đã tự nghĩ như thế khi cảm thấy cuộc sống thật khó khăn với con, khi con quá đỗi sợ hãi. Con nghĩ như vậy vì con đã nghe được câu nói: “Nếu cứ sợ hãi thì chắc bây giờ Columbus vẫn chưa tìm ra châu Mỹ”. Đúng vậy, thật tuyệt bố ạ!
Và con đã bớt sợ việc phải đến trường mà các bạn không yêu quý con, hay bị mọi người gắt gỏng, xa lánh khi con nghĩ như vậy. Con nghĩ trong sâu thẳm mình cũng chính là một Columbus. Nếu con cố gắng, con sẽ tìm ra châu Mỹ, kẻo những con người kia, họ không thích con, ghét bỏ con thì sao? Họ thật đáng thương, họ không biết rằng con tài giỏi đến nhường nào. Con sẽ cố gắng chứ, bố ạ! Cuộc sống xa nhà để học tập thật khó khăn với một đứa trẻ. Dù 16 tuổi, nhưng con vẫn chỉ là một đứa trẻ bố nhỉ? Vì con vẫn hay sợ hãi và khóc thường xuyên mà…
Giờ, con vẫn sẽ tự đi mà không có bố mẹ bên cạnh, cho đến khi tìm ra châu Mỹ, một châu Mỹ trong con, to lớn và của con.
Con vẫn luôn sợ các buổi học không có bạn bè của mình. Con vẫn luôn buồn khi mọi người nhìn con thật lạnh lùng xa cách. Nhưng chắc vì họ chưa nhìn thấy châu Mỹ trong mắt con. Họ sẽ vẫn thấy con nhỏ bé, quá bình thường. Con muốn nói là: “Không sao cả”. Đúng vậy, bố ạ!
Bố, con cũng muốn nói với bố rằng, bố ở nhà luôn vui vẻ nhé! Mạnh mẽ lên, người đàn ông của con. Con luôn muốn vỗ vai bố và nói vậy, rồi con sẽ cười thật lớn với bố. Bố đừng lo cho con, con đang ở xa bố, sống với gia đình khác, nhưng con là ai chứ! Con sẽ cố gắng, con sẽ chỉ khóc khi đi ngủ thôi, để không ai nhìn thấy cả.