Đừng để con em chúng ta phải sang Singapore khởi nghiệp

19/06/2023 - 06:24

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với tiến sĩ kinh tế, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - về vấn đề phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở TPHCM.

Phóng viên: Theo ông, các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có tầm quan trọng và ý nghĩa như thế nào đối với TPHCM? 

Tiến sĩ kinh tế Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 với những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống quản lý pháp luật còn nhiều vướng mắc khi đưa các công nghệ, các mô hình này vào cuộc sống. Ví dụ, nhiều nước có các chính sách quản lý rạch ròi giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, nhưng chúng ta vẫn đang quản lý chúng như nhau. Đây chỉ là một ví dụ. Còn nhiều mô hình kinh doanh công nghệ khác chưa có khuôn khổ pháp luật để quản lý.

Chúng ta phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hiện nay, nếu không có điều kiện để áp dụng trên cả nước thì có thể thực hành thí điểm ở các trung tâm có tiềm năng lớn như TPHCM. 

Cơ chế, chính sách đặc thù không phải là ưu đãi riêng cho TPHCM mà là tạo ra động lực cho sự phát triển toàn vùng, cả nước. TPHCM là một mắt xích quan trọng, là trung tâm trong chuỗi giá trị của hệ sinh thái toàn vùng. TPHCM phải là nơi thử nghiệm của những cải cách để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, từ đó nhân rộng cho cả nước. Hiện hệ thống pháp luật chưa tạo thuận lợi trong vấn đề này. Vì sao một số DN Việt Nam phải sang Singapore khởi nghiệp? Cuộc cách mạng 4.0 yêu cầu phải có thể chế thông minh để thúc đẩy phát triển các mô hình thông minh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Trong quá trình đô thị hóa, TPHCM đã bị biến thành một siêu đô thị, một đại công trường với không gian và cơ cấu phát triển không còn hợp lý. Chúng ta đang dồn nén các khu công nghiệp vào thành phố, thu hút nhiều lao động thủ công thay vì nhân lực chất lượng cao khiến thành phố trở nên quá tải. COVID-19 vừa qua như một phép thử để chính quyền TPHCM nhìn rõ vấn đề này.

TPHCM phải phát triển thành trung tâm công nghệ, thương mại, dịch vụ quốc tế, thu hút nhân lực chất lượng cao, song song với đó là liên kết vùng với các địa phương để nguồn lao động thủ công không còn di cư ngược từ nông thôn về thành thị, từ đó cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề, như giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực, giảm tải cho TPHCM, đảm bảo các vấn đề anh sinh xã hội.

* Theo ông, làm gì để thu hút được nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ? 

- Có 3 cột trụ chính tạo ra sự đột phá, phát triển nền kinh tế là thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng phải hướng vào 3 vấn đề này. Trong đó, muốn thúc đẩy khoa học, công nghệ, phải tạo ra bước đột phá trong tuyển dụng và trả công. Việc trả lương cho các chuyên gia đầu ngành phải được đặt trong mối tương quan với thu nhập của thế giới. Bên cạnh đó, cần đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, visa, giấy phép lao động... Với chuyên gia nước ngoài, có thể có các sáng kiến, các hình thức để tôn vinh họ, chẳng hạn như có các danh hiệu công dân danh dự.

* Để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành sức bật, lãnh đạo TPHCM cần lưu ý vấn đề gì nếu dự thảo nghị quyết được thông qua?

- Một điểm quan trọng khi đưa nghị quyết vào cuộc sống là giải quyết được những khó khăn, xung đột về pháp lý, bởi khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, sẽ có các vấn đề chưa được pháp luật quy định. Đôi khi, chúng ta chưa thể hình dung hết được những vướng mắc nằm trong thể chế chung. Trong bối cảnh đó, phải xử lý ra sao? Bởi vậy, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, phải có nghị định của Chính phủ để hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật. 

Trong thời gian qua, chúng ta đã có một số cơ chế đặc biệt, đặc thù cho một số địa phương nhưng chưa được tận dụng hết. Với chính sách đặc thù thì cách thực hiện cũng phải hết sức đặc biệt, phải nhanh, táo bạo nhưng cũng cần có hướng dẫn cụ thể, an toàn. Nếu không xử lý được các “điểm mờ” pháp lý, khi đưa vào triển khai, nghị quyết sẽ chỉ là tuyên ngôn, không thể bước vào thực tế.  

Bên cạnh đó, đã gọi là thí điểm, thử nghiệm thì bao giờ cũng có nguy cơ rủi ro và phải chấp nhận rủi ro. Quan trọng là chúng ta có cách hành xử khi xảy ra rủi ro và thất bại. Chính sách bảo vệ cán bộ là vô cùng quan trọng. Không hồi tố, không lấy tiêu chuẩn của ngày nay để đo đếm ngày hôm qua. Đây là điểm tựa để cán bộ, lãnh đạo TPHCM dám nghĩ, dám làm, tạo ra bước bứt phá.

Hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đang có sáng kiến phối hợp với UBND TPHCM để tạo ra một diễn đàn xây dựng, hỗ trợ pháp lý cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài khởi nghiệp ở TPHCM. Trước hết, phải tạo điều kiện để con em chúng ta không còn phải sang Singapore khởi nghiệp.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI