Trên TikTok và các mạng xã hội khác, ngày càng nhiều chuyên gia đăng tải các đoạn video hướng dẫn bí quyết chữa hoặc khám bệnh, thu hút hàng ngàn lượt theo dõi. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo không phải lúc nào các phương pháp này cũng phù hợp với bệnh nhân.
Cho trẻ nhỏ nắn khớp theo... Tiktok
Dustin Judd điều hành một phòng khám trị liệu thần kinh cột sống ở Corsicana, bang Texas (Mỹ). Anh thường xuyên đăng các video lên mạng xã hội và nhận được vài ngàn lượt xem mỗi video. Vào tháng Bảy, một video cho thấy Judd ôm một em bé 6 ngày tuổi, xoa bóp lưng cho đứa trẻ bằng thiết bị rung cầm tay. Đoạn video đã được xem hơn 1,2 triệu lần.
|
Một số hình ảnh chữa trị cho trẻ em và trẻ sơ sinh từ các chuyên gia nắn xương khớp được đăng trên các nền tảng, mạng xã hội. Ảnh: Washington Post |
Nhiều bình luận bày tỏ sự ủng hộ và cả hoài nghi về phương pháp chăm sóc thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh này. Nhìn chung, đã có hơn 50 video về chăm sóc thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi được đăng tải năm 2022 bởi các tài khoản TikTok nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến nhiều phòng khám trên khắp nước Mỹ.
Thực tế là có rất ít bằng chứng cho thấy sự hữu ích của việc chăm sóc thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh. Dù vậy, các chuyên gia nắn khớp trên TikTok vẫn khẳng định cách chăm sóc này có thể giúp giảm tình trạng đứa trẻ quấy khóc và mắc nhiều chứng bệnh (đau bụng, táo bón, trào ngược, vấn đề về cơ xương). Thậm chí là cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị chấn thương trong quá trình sinh nở.
Các chuyên gia cam kết phương pháp điều trị là an toàn và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một số bác sĩ nhi khoa nhận định, sự gia tăng của việc quảng cáo dịch vụ chăm sóc thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh trên các phương tiện truyền thông xã hội rất đáng lo ngại. Nếu áp dụng sai, đứa trẻ có thể bị tổn thương. Bởi xương của trẻ mềm, dễ bị cong khi chịu áp lực và các khớp nối lỏng lẻo cũng dễ bị kéo căng quá mức.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Sean Tabaie - Bệnh viện Nhi Đồng quốc gia ở thủ đô Washington (Mỹ) - cho biết, các đồng nghiệp của anh rất sốc khi xem những video trên Instagram hoặc TikTok từ các phòng khám trị liệu thần kinh cột sống đang điều trị cho trẻ sơ sinh. Đồng quan điểm, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa Anthony Stans - Trung tâm Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ) - cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên điều trị thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh.
“Theo hiểu biết của tôi, có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy chăm sóc thần kinh cột sống làm thay đổi đặc điểm tự nhiên của bất kỳ bệnh hoặc tình trạng y tế nào khác” - bác sĩ Stans nói. Riêng Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho biết, tổ chức này không có “chính sách chính thức” nào về chăm sóc thần kinh cột sống cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi.
Người dùng phải tự quyết định
Truyền thông xã hội đang làm thay đổi cách mọi người tiếp cận thông tin. Điều này thúc đẩy các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng mạng xã hội để chia sẻ kiến thức của họ. Ở phía ngược lại, thế hệ trẻ ngày càng tìm kiếm lời khuyên điều trị, chăm sóc sức khỏe từ mạng xã hội nhiều hơn. ReferralMD - phần mềm quản lý dành cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe - cung cấp một thông tin đáng chú ý là có đến 90% người tham gia một khảo sát, tuổi từ 18-24, chọn tin tưởng thông tin y tế do người khác chia sẻ trên mạng xã hội. Dường như việc nhận tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí mà không cần phải rời khỏi nhà để đến phòng khám, bệnh viện là yếu tố thu hút thế hệ trẻ nhiều nhất.
Các nền tảng, mạng xã hội đã trở thành nơi để những người cùng trang lứa chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của họ về một căn bệnh hoặc một vấn đề trong cuộc sống. Nhận lời khuyên từ những người từng đối mặt với các triệu chứng tương tự của mình thường có thể mang lại cảm giác dễ chịu và loại bỏ cảm giác muốn đi khám bác sĩ. Nhưng trong khi một số mẹo chữa trị và thông tin về giáo dục trên TikTok, Instagram, Twitter và Facebook tỏ ra hữu ích, các nền tảng cũng chứa đựng “một đại dịch” về thông tin sai lệch.
Bác sĩ Raenell Williams - Tổ chức Bác sĩ nội khoa và Y tế gia đình Sentara ở Virginia (Mỹ) - nói: “Trên internet, bạn luôn có thể tìm thấy thông tin để hỗ trợ bất kỳ quan điểm nào bạn muốn. Nếu đó là chẩn đoán mà bạn tin rằng mình có, bạn sẽ tìm thấy tất cả thông tin phù hợp với căn bệnh. Và đó là nơi mọi thứ trở nên nguy hiểm”.
Ngay cả khi một video có vẻ hữu ích nhưng nếu nó không khuyến khích người xem đến gặp bác sĩ hoặc nhà trị liệu để được chẩn đoán chính thức, thì video đó vẫn có thể trở thành một vấn đề. Hơn nữa, một số chuyên gia y tế sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của họ không phải như một kênh thông tin y tế mà như một công cụ tiếp thị. Đặc biệt là với lời hứa của họ về việc có thể khắc phục nhanh chóng một triệu chứng nào đó. Không có quy định nào từ các nền tảng liên quan đến những mối nguy hiểm này và việc phân biệt giữa thật và giả là một nhiệm vụ khó khăn mà mỗi người xem phải tự mình quyết định.
Ngọc Hạ (theo Washington Post, Shondaland, Miami Herald)