Tin học sinh lớp 6 bị cây phượng đè ngay trên sân trường sáng 26/5 khiến một em tử vong, nhiều em khác đang cấp cứu làm nhiều người bủn rủn chân tay.
|
Cây phượng cổ thụ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bị bật gốc |
Sáng nay, cũng đưa con tới một ngôi trường cùng địa bàn với trường Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) tôi không thể hình dung nổi, nếu cái tin con bị cây đè được nhắn tới điện thoại mình, tôi có đứng vững hay không.
Hình ảnh phụ huynh đứng trước cổng trường ngóng chờ tin tức của con khiến tôi bật khóc.
Nam bộ đã vào mùa mưa, ngôi trường con tôi cũng có nhiều cây xanh lâu năm. Cả nước ta, mọi nhà, trường học đều chú trọng trồng cây lấy bóng mát cho học sinh vui chơi.
Tôi còn nhớ cảm giác bàng hoàng một sáng nọ, khi tôi chở con tới cổng trường Lê Văn Tám (đường Độc Lập, quận Tân Phú) và chứng kiến cây xà cừ trước cổng bật gốc làm sập nhà xe phía trái cổng và một phần mái khu nhà ăn. May sao trận gió mưa và tai nạn bật gốc ấy xảy ra vào ngày cuối tuần, khi học sinh nghỉ, nên không xảy ra thương vong. Thử tưởng tượng, nếu cái cây cao có tán rộng, cành dài vài chục mét ấy trùm lên học sinh vào giờ ra vào cổng, hay lúc đang ăn thì tai nạn sẽ khủng khiếp thế nào. Quan sát gốc cây cổ thụ bị ngã ấy, tôi và nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, phần rễ của cây rất gọn, nó không đủ sức giữ cây đứng vững.
Hóa ra, cây xanh ở thành phố dù trông vẻ ngoài cổ thụ, nhưng có thể được đánh gốc đưa từ nơi khác về, bộ rễ nguyên thủy đã bị cắt gọn, rễ con mọc ra sau này có thể nuôi được cây xanh tốt, nhưng không tương xứng với phần tán cồng kềnh bên trên, rất dễ bị bật gốc khi giông lớn. Đó là chưa tính những cây liên tục mất rễ vì những lần đào đường, sửa vỉa hè, hay phần địa chất bên dưới không ổn định.
Cây bàng, cây phượng vốn là những loại cây "kinh điển" trong thơ ca nhạc họa, là biểu tượng của tuổi học trò. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem lại lợi ích của cây phượng, nếu đem so với sự an toàn của con trẻ.
Trên báo Phụ Nữ TPHCM cách đây 5 năm, đã từng nêu ý kiến không nên trồng cây phượng vĩ trên vỉa hè đường phố. Hiện trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM có ghi rõ phần nhược điểm của loài cây này: "Không nên trồng đường phố có vỉa hè nhỏ hơn 5m và dưới đường điện vì cây dễ bị sâu bệnh dẫn tới dễ đổ gãy nếu tỉa cành không đúng kỹ thuật. Rễ phượng dễ bị trồi trên mặt đất nơi tầng đất nông hoặc kè chung quanh gốc quá nhỏ".
|
Phần rễ cây quá nhỏ, ngắn không đủ sức giữ thân cây |
Nền sân các trường học ở thành thị hiện đều bê tông hóa, việc kè quanh gốc không được chú ý. Các bồn cây thường thu nhỏ để tăng diện tích sân chơi, sinh hoạt dưới cờ.
Việc tỉa cành mé nhánh trong sân cũng không được chú trọng và không kịp thời như cây ngoài vỉa hè (các công ty công viên cây xanh phụ trách) nên nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão cao hơn hẳn. Qua mỗi cơn giông, cành khô khoảng 50 - 70cm rơi trên nền trường là chuyện tôi thường thấy.
Phượng là loài cây tán rộng, hoa đẹp, nhưng có tính gỗ yếu, chất gỗ giòn. Tuổi thơ ai từng trèo phượng có thể rõ loại cây này. Trong các sân trường tôi học, số cây phượng bị sâu ăn ruỗng bên trong thân cũng nhiều hơn hẳn lim hay những loại cây khác, tuy nhiên lá bên ngoài của cây phượng thường vẫn xanh tốt, hoa vẫn nở bình thường.
Tôi không rõ cây phượng trong sân trường Bạch Đằng bao nhiêu tuổi, nhưng cây cao hơn 10m mà nhìn phần gốc bật lên không tương xứng với phần tán, một nhánh rễ lớn bị gãy đôi. Đó là lý do mới đầu mùa mưa và một trận mưa không quá lớn chiều ngày 25/5, nó đã ngã nhào, và quá nhanh nên các học sinh không kịp chạy.
Trên các diễn đàn nông nghiệp, nhiều tác giả cũng nhấn mạnh tính chất giòn của cành phượng. Giả sử không bị bật gốc, thì rất dễ gãy, gây tai nạn cho người qua lại bên dưới. Hiện có không ít ý kiến cho rằng việc quản lý cây cối trong sân trường thuộc về nhà trường, vốn là những người không giỏi về kỹ thuật chăm sóc và bảo quản cây cối, nên khi cây phượng vĩ ở trường Bạch Đằng đè chết người, thì đó là lỗi bất khả kháng.
Tuy vậy, cũng có luật sư cho rằng cần làm rõ xem nhà trường trong trường hợp này đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn mùa mưa hay chưa?
Nếu như trường không có biện pháp tỉa cành mé nhánh trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ cây có nguy cơ gãy đổ thì không thể xem đó là sự kiện bất khả kháng và có trách nhiệm trước tai nạn của các học sinh.
Đã quá muộn, nhưng tôi khẩn cầu các trường kết hợp với cơ quan chuyên môn cấp tốc rà soát lại hết cây cối trong các sân trường và có các biện pháp hiệu quả. Chống, trụ, giặm gốc hay thay thế các loại cây trồng không an toàn, thậm chí phải hi sinh toàn bộ bóng mát khi trời đang cao điểm nắng nóng, cũng phải tính. Đừng để mỗi đứa trẻ phải khiếp sợ, ám ảnh cái chết của bạn, dưới bóng phượng vĩ.
T. Minh