Suốt ba tháng qua, sau khi tố cáo việc con trai nuôi là cháu H. (15 tuổi) bị bà chủ trọ (57 tuổi) dụ dỗ, xâm hại nhiều lần, cả gia đình ông T.H.N. (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) sống trong chờ đợi và bất an.
Từ ngày cha nuôi tố cáo vụ án, mỗi lần ra đường, H. đều phải mang khẩu trang vì sợ người xung quanh phát hiện.
“Bán mình cho quỷ” để có tiền chơi game?
Theo tố cáo của ông N., ngày 28/6, trong lúc tức giận cháu H. ham chơi game, không canh quán, để mất xe đạp của khách, ông N. đã la rầy con trai. Lúc này, bà T. (sinh năm 1960, chủ khu nhà trọ) đã can ngăn và kéo H. ra khỏi nhà. Sau đó không lâu, cháu H. trở vào xin lỗi bố. Thấy con như vậy, ông N. mừng, tưởng con được bà chủ trọ khuyên giải nên đã nhận ra lỗi lầm. Nào ngờ sau đó, H. theo bà T. đi lên nhà nghỉ A.M (tại huyện Củ Chi). Nghĩ lại chuyện mình nóng nảy la rầy con, ông N. đã đi tìm H. khắp nơi. Mãi hơn 10 ngày sau, ông N. thấy con tại một quán net ở Củ Chi, gần nơi H. nghỉ trọ. Thấy con có vẻ khác lạ, trên tay cầm vỉ thuốc kháng sinh, ông N. hỏi con vì sao phải uống thuốc; H. nói bị đau ở bộ phận sinh dục. Kiểm tra, ông phát hiện chỗ kín của H. đang bị viêm nhiễm nặng.
Về nhà, ông N. tra gặng suốt, H. mới thú nhận đã bị bà T. ép quan hệ tình dục nhiều lần tại nhà nghỉ A.M. Ông N. lập tức đưa con đến bệnh viện Hóc Môn điều trị, đồng thời làm đơn tố cáo bà T. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy H. bị nhiễm trùng đường tiểu, viêm tinh hoàn… Bác sĩ cho rằng hiện tượng này là do cháu có do quan hệ tình dục không an toàn.
Công an có chậm trễ?
Sau khi tố cáo vụ việc, ông N. phải sống trong những ngày âu lo, phấp phỏng. Bà T. thì “tố ngược” cháu H. vu khống bà mà không lý giải vì sao bà lại đưa cháu đi đến 10 ngày, thuê phòng trọ cho ở, còn cho gần hai triệu đồng để H. chơi game?
Theo ông N., ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 14/7, ông N. đã trình báo với công an xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nhưng phải đến ngày 5/9 công an xã mới mời các bên lên lấy lời khai và thông báo cho bà T. (người bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội với cháu H.) biết hôm sau sẽ xuống kiểm tra nhà nghỉ, nơi bà T. đón cháu ở tiệm net. Sau buổi làm việc này, công an không mời gia đình làm việc thêm bất kỳ lần nào nữa.
Đợi chờ mòn mỏi, ngày 9/10 vừa qua, ông N. mới tìm đến Chi hội luật sư Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cầu cứu. Hội đã lập tức cử hai luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho cháu H. Cùng ngày, các luật sư đã trực tiếp làm việc với cơ quan điều tra công an H.Củ Chi - nơi đang giữ hồ sơ ban đầu do công an H.Hóc Môn chuyển để thụ lý theo thẩm quyền (vì nhà nghỉ A.M - nơi xảy ra vụ việc - thuộc địa bàn H.Củ Chi). Tại buổi làm việc, công an H.Củ Chi cho biết vẫn đang trong quá trình thụ lý vụ án.
Theo luật sư Đoàn Ngọc Thanh, nếu sự việc đúng như nội dung ông N. trình bày thì công an xã đã vi phạm quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo Thông tư liên tịch 06/2013 của Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Theo đó, khi nhận được tố giác về tội phạm, các cơ quan, tổ chức (trong đó có công an xã, phường, thị trấn) phải báo ngay cho cơ quan điều tra bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp có thể báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc các hình thức liên lạc khác, nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản; cần ngăn chặn ngay tội phạm, bảo vệ hiện trường, chứng cứ…
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
Từ các quy định trên, khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, trách nhiệm của công an xã là báo ngay sự việc lên cơ quan điều tra và giải quyết sơ bộ như lập biên bản tiếp nhận tin tố cáo, xác minh người bị hại. Liệu công an xã Xuân Thới Thượng có tiết lộ bí mật, làm trái các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm dẫn đến không kịp thời ngăn chặn, tạo thời gian và điều kiện để người phạm tội tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết?
Sớm làm rõ để không gây tổn thương nhiều phía
Ngày 11/10 (gần ba tháng từ ngày ông N. tố cáo), lần đầu tiên, cơ quan Cảnh sát điều tra công an H.Củ Chi yêu cầu ông N. đưa cháu H. đến cơ quan này lấy lời khai ban đầu. Sau buổi làm việc, ông N. đưa cháu H. tìm đến Báo Phụ Nữ, nhờ trợ giúp. Suốt cuộc gặp, H. luôn bịt kín khẩu trang. Cháu nói: “Giờ con đi đâu cũng bị người ta “điểm mặt”. Con xấu hổ quá, không biết phải làm sao”.
Hoàn cảnh của H. khá bi thương. Sinh ở Củ Chi, H. mất mẹ từ khi mới ba tuổi. Năm H. 13 tuổi, cha ruột em cũng qua đời vì ung thư. Anh trai của H. bán nhà, trả nợ; phần còn lại, các anh chị có gia đình chia nhau. Từ đó, H. lang thang vất vưởng. Em được ông N. nhận nuôi, cho ăn học; nhưng đến lớp Bảy, vì ham chơi game, H. bỏ học. Lúc xảy ra sự việc, ông N. đang làm hồ sơ xin cho H. học nghề, nhưng thủ tục chưa xong. Ông N. lo âu: “Sau hơn ba tháng điều trị, vết thương vùng kín của H. vẫn còn đau”.
Thiết nghĩ, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cần nhanh chóng thụ lý, điều tra, khởi tố vụ án đúng quy định của pháp luật; đồng thời có biện pháp bảo vệ nạn nhân nhằm tránh sự xâm hại, đe dọa, uy hiếp tinh thần.
Gia đình người thân cần ứng xử khéo léo
Theo tôi, người thân trong gia đình cần tránh tạo thêm vết thương cho H. Thay vì hoang mang, giày vò bản thân, ông N. và gia đình hãy bình tĩnh, luôn bên cạnh an ủi H. để cháu biết mình không bị bỏ rơi; nói với cháu lỗi không hoàn toàn thuộc về cháu.
Đừng trách mắng hay hỏi đi hỏi lại sự việc đã qua vì nó sẽ cứa thêm vào nỗi đau của H., dễ khiến cháu sợ hãi và suy sụp. Nên kín tiếng chuyện của cháu với hàng xóm, bạn bè vì chúng ta khó kiểm soát được ánh nhìn tò mò, những lời bàn tán không hay, thậm chí những lời miệt thị từ những người thiếu tâm lý và hiểu biết về vấn đề của H.
Cần nhờ các nhà tâm lý - giáo dục, tổ chức công tác xã hội để tháo gỡ từng nút thắt cảm xúc, cải thiện những lo lắng, mặc cảm nơi H. Gia đình cũng nên liên hệ với các cơ quan, đoàn thể về trẻ em của địa phương, thành phố để được hỗ trợ kịp thời, khoa học. Thậm chí là trợ giúp việc học nghề như mơ ước của H. Cuối cùng, cần thăm khám định kỳ cho H. nhằm giảm bớt những lo lắng, ám ảnh nơi cháu.
ThS tâm lý Lê Minh Huân(Giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.