Đừng để các tiêu chuẩn bất hợp lý gây rào cản cho nước mắm Việt Nam

07/03/2019 - 06:00

PNO - Sau khi báo Phụ Nữ TP.HCM đăng loạt bài về dự thảo 'TCVN 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm', tiếp tục có nhiều ý kiến tranh luận cho rằng cần bỏ nhiều nội dung bất cập trong dự thảo.

Ông Trương Đình Hòe – Chủ nhiệm Câu lạc bộ nước nắm truyền thống Việt Nam, bức xúc: Không để tiêu chuẩn histamine  tạo ra rào cản kỹ thuật đối với nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như gây chi phí tốn kém cho nhà sản xuất không cần thiết.

Cộng đồng các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và các tổ chức liên quan đề nghị tạm thời bỏ quy định về scombrotoxin (histamin) vì chưa có bằng chứng về ngộ độc do dùng nước mắm, đồng thời bỏ quy định trong dự thảo TCVN 12607:2019 về việc lấy mẫu định kỳ để xác định histamine.

Dung de cac tieu chuan bat hop ly gay rao can cho nuoc mam Viet Nam
Nhiều người vẫn có sở thích, thói quen ăn nước mắm truyền thống vì cảm nhận rõ vị ngọt từ cá.

"Châu Âu là thị trường khó tính nhất nhưng cũng không quan tâm đến quy chuẩn histamine trong nước mắm"- chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết.

Theo các chuyên gia, chất histamin không có sẵn trong cá, chỉ một số loại cá biển (thu, ngừ) khi không được bảo quản kỹ mới sinh ra chất histamin, ăn phải dễ bị ngộ độc nhưng hiện tượng ngộ độc này nhẹ và sẽ hết trong vòng vài tiếng đồng hồ. 

Trong quá trình làm nước mắm, phải dưới nhiệt độ trời nắng 38 độ C thì cá mới phân giải, lúc này cá dễ bị nhiễm khuẩn, rồi qua chượp cả năm, không thể tránh chất histamin có trong nước mắm. Nước mắm càng cao đạm thì càng nhiều cá, mà càng nhiều cá thì càng nhiều histamin. Tuy nhiên, thực tế chưa nghe trường hợp nào ăn nước mắm bị ngộ độc.

Ngoài quy định liên quan đến histamine còn có hơn 50 quy định khác trong dự thảo cũng được đánh giá là bất hợp lý. Cụ thể, trong bản kiến nghị gửi Tổng cục tiêu chuẩn  đo lường chất lượng, đại diện Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam và các Hiệp hội nêu rõ: cá làm nước mắm là cá nổi nhỏ, không có dư lượng kim loại nặng; không ai sử dụng cá lớn rạn đá có nguy cơ độc tố ciguatera trong làm nước mắm thương phẩm và không tồn tại mối nguy mối nguy Clostridium botulinum trong sản xuất nước mắm.

Vì vậy, các ý kiến đề nghị bỏ các tiêu chuẩn về kim loại nặng; phân loại các loài cá có nguy cơ gây ra các độc tố sinh học như ciguatoxin ở cá lớn vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới….

Dung de cac tieu chuan bat hop ly gay rao can cho nuoc mam Viet Nam
Nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng tin dùng.

Trước việc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (cơ quan soạn thảo dự thảo) tiêu chuẩn được đặt ra chỉ là khuyến khích áp dụng, không bắt buộc, đại diện CLB nước mắm truyền thống Việt Nam và các Hiệp hội kể trên phản bác: “Mặc dù trước mắt, TCVN chỉ là khuyến khích áp dụng, nhưng TCVN cũng có thể sẽ được sử dụng như là một căn cứ để xây dựng, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực hành sản xuất nước mắm sau này”.

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM, lo ngại: “Khi đã trở thành quy chuẩn thì bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Hơn nữa khi thêm chỉ tiêu kiểm soát thì doanh nghiệp sẽ tốn thêm chi phí, trong khi những điều kiện này không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Đáng nói, nhiều quy định trong dự thảo còn nhiều bất cập cần xem xét kỹ lưỡng lại; nếu không nước mắm truyền thống trên thị trường có nguy cơ bị xóa sổ”.

"Cả quá trình xây dựng dự thảo, Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam và các Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao; Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM; Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… không nhận được yêu cầu góp ý kiến cho dự thảo này", ông Trương Đình Hòe cho biết.

Hiện các đơn vị vẫn bảo lưu kiến nghị Chính phủ tạm dừng việc ban hành TCVN 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm, vì cần lấy thêm ý kiến xây dựng cho TCVN này hợp lý, sát với thực tế.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI