|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Bỗng dưng biến mất
Nữ sinh viên Ngọc Đoan (tên nhân vật đã thay đổi, quê Long An) sống trong sầu khổ suốt 2 tháng nay. Bạn trai cô - một kỹ sư - nhân chuyến ra Bắc công tác đã đột nhiên dừng liên lạc, đổi số điện thoại, xóa email, chặn Facebook khiến cô gái trẻ rối bời với những suy đoán.
“Mình có lỗi gì mà anh ấy làm vậy?” - cô liên tục tự hỏi, rồi tự tìm câu trả lời: “Tại mình mấy lần nói lỡ lời”, “Tại mình ít chia sẻ công việc với anh ấy”, “Tại mình từ chối “ăn cơm trước kẻng”… “Mà có chia tay cũng phải nói với nhau rõ ràng chứ” - cô gái trẻ sụt sùi. Chuyện tình của cô kéo dài được hơn 2 năm. Cô yêu anh ở ý chí vượt khó và có kiến thức hơn cô “một cái đầu”. Trải qua bao buồn vui, đến lúc cảm thấy yên tâm thì anh biến mất.
Nhiều bạn gái trẻ khác cũng từng có trải nghiệm không mong muốn này. Chuyện xảy ra bất ngờ khiến họ bị kẹt với những câu hỏi tại sao. Các cô thường quyết liệt tìm cách liên lạc với người ấy để hỏi rõ lý do, song khi đó, “ma” sẽ đóng nốt những cánh cửa liên lạc còn lại để được yên thân, còn các cô càng thêm hoang mang và “khó ở”.
Nhận diện… “ma”
Trong bài viết trên Tạp chí Elle, tác giả Nora Crotty công bố kết quả khảo sát nhỏ với tỉ lệ 50% người trẻ từng bị “bơ” trong chuyện yêu đương và cũng chừng đó người từng “bơ” người khác. Nhiều bài báo khoa học khác cũng chung nhận định “ghosting” trở nên phổ biến hơn rất nhiều trong thời đại bùng nổ các ứng dụng hẹn hò - khi mà việc bật - ngắt kết nối rất dễ dàng, do “con ma” có quá nhiều lựa chọn.
Thật ra, ứng dụng hẹn hò chỉ tạo ra bối cảnh thuận lợi, còn ghosting là cách hành xử của một người có nhiều vấn đề bất ổn. Dễ thấy nhất là chuyện thiếu hụt các kỹ năng tương tác xã hội, trước tiên là kỹ năng mở đầu và rút lui khỏi mối quan hệ nào đó sao cho tử tế. Tiếp theo, “ma” còn thiếu hụt cả kỹ năng đương đầu, giải quyết vấn đề nên cứ thế lẳng lặng rút êm, cho người kia tự hiểu.
Sâu xa hơn còn là những vấn đề về tâm lý, nhân cách của “con ma”. Đó có thể là xu hướng gắn bó “qua đường” với đối tác, nhu cầu nhiều đối tác trong chuyện yêu đương, kiểu hứng thú không kiên định với bất cứ ai, thiếu niềm tin vào đối tác và tình yêu… Đó cũng có thể là kiểu thiếu tôn trọng người khác, thiếu trách nhiệm trong các mối quan hệ, cả thèm chóng chán…
Nhìn xa hơn về quá khứ, đó có thể là sự trục trặc về gắn bó tình cảm giữa “con ma” với cha mẹ. Theo thuyết gắn bó, cách cha mẹ đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của con trẻ (qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, tương tác) trong những năm tháng đầu đời và cả những giai đoạn sau đó sẽ quyết định “chiến lược gắn bó” của đứa trẻ với những mối quan hệ gần gũi khác sau này, mà đặc biệt là quan hệ cặp đôi. Với “chiến lược” né tránh, anh ta rất dễ ghosting để tháo lui và rời xa bạn.
5 cách để bước tiếp
Ghosting do một bên gây ra, nhưng lãnh hậu quả là bên còn lại. Khi đột ngột bị “bơ”, nạn nhân rất muốn hiểu chuyện gì đang xảy ra để giải quyết, nhưng không thể. Họ thường tự động chất vấn bản thân “mình đã làm gì sai?” và nếu không được phản hồi sẽ dẫn đến cảm nhận hoài nghi về giá trị bản thân, kém tự tin khi bước vào cuộc tình mới và thiếu niềm tin vào mọi mối quan hệ trong cuộc sống.
Trong suốt quá trình đó, nạn nhân có thể còn trải qua vô vàn cảm xúc khó chịu như buồn bã, hụt hẫng, thất vọng, tức giận, mất mát, tiếc nuối, uất ức, xấu hổ… Chúng có thể khiến họ nghẹt thở, không còn muốn chăm sóc bản thân. Mức độ sát thương cảm xúc còn tàn khốc hơn đối với những ai có lòng tự trọng mong manh, từng quá tin tưởng vào “ma”, từng quá kỳ vọng về cuộc tình, từng dày công bồi đắp tình cảm và cả quan hệ thể xác…
Tuy vậy, mức độ tổn thương bởi ghosting còn tùy thuộc vào bản lĩnh ứng phó của mỗi người. Bạn gái trẻ có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
Chấp nhận sự thật: Khi cánh cửa liên lạc cuối cùng bị đóng sầm lại, đồng nghĩa việc anh ta im lặng rút lui. Chấp nhận sự thật sớm sẽ giúp bạn không còn đuổi theo cái bóng ma trong vô vọng, chấm dứt biện minh cho hành vi tệ bạc, thôi tự chất vấn và suy đoán về những lỗi lầm của bản thân…
Quản lý cảm xúc: Những cảm xúc khó chịu nêu trên chính là thái độ của bạn với sự việc. Điều quan trọng là ta có thể lựa chọn thái độ, tức là tự chủ về cảm xúc. Hãy tập hít thở sâu đúng cách, thực hành các kỹ thuật thư giãn, giãi bày tâm tư với người thân hoặc nhà tâm lý, làm những việc mà bạn hứng thú như chơi thể thao, nghe nhạc, nấu ăn…
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ngưng đổ lỗi cho bản thân: Việc anh ta chọn biến mất khỏi cuộc đời bạn nói lên những bất ổn tâm lý, nhân cách và cả sự thiếu hụt về các kỹ năng tương tác xã hội và văn hóa giao tiếp ứng xử trong tình yêu của anh ta. Vì vậy, bạn hãy dừng đổ lỗi cho bản thân hoặc nghi ngờ về giá trị của chính mình.
Thôi là “vì sao bất hạnh”: Ghosting ngày càng phổ biến dưới tác động của những thay đổi về giá trị sống, môi trường văn hóa - xã hội, điều kiện tương tác xã hội mở rộng… Vì vậy, đừng nghĩ mình là vì sao bất hạnh trong vũ trụ bao la này, bởi suy nghĩ đó có thể dẫn tới các cảm xúc và hành vi có hại cho bản thân.
Rút kinh nghiệm và bước tới: Như trong mọi sự cố khác, ta cần nhìn lại toàn bộ mối quan hệ và rút ra kinh nghiệm sống, nhưng cần gói ghém câu chuyện và để nó lại bên đường. Xóa sạch những dấu tích từng có với “ma” cũng là việc nên làm, để không lãng phí thời gian và năng lượng của bạn.
Hãy chăm sóc bản thân, mở lòng cho những mối quan hệ mới. Sự thật là cuộc đời ta đâu chỉ có mỗi chuyện yêu đương mà còn nhiều thứ tuyệt vời khác để theo đuổi. Và trong quãng đời còn dài phía trước, ta hoàn toàn có thể tìm được người xứng đáng hơn “con ma” đó.
Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thanh Bình