Đừng để bạo lực học đường đến từ các... thầy cô

17/05/2023 - 18:55

PNO - Không chỉ học được các hành vi bạo lực từ gia đình, cộng đồng, trẻ còn có thể học được hành vi bạo lực tại trường, và người dạy các em không ai khác mà chính là các thầy cô giáo.

Mới đây, một giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị tố có hành vi tát một học sinh lớp 8 trong giờ kiểm tra.

Cô giáo có hành vi bạo lực được xác định là cô N.T.X. Vào ngày 9/5, trong giờ kiểm tra học kỳ II, khi phát hiện nam sinh T.G.V.T có dấu hiệu sử dụng tài liệu (chưa sử dụng), cô N.T.X. đã từ khu vực bàn coi thi xuống lớp rồi dùng tay tát mạnh 2 cái vào mặt em T.G.V.T

Hình ảnh cô N.T.X. tát nam sinh do camera của trường ghi lại
Hình ảnh cô N.T.X. tát nam sinh đã được camera của trường ghi lại

Chị T.T.H.T - mẹ nam sinh T.G.V.T. - đã làm đơn tố cáo gửi Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai yêu cầu xử lý nghiêm. Phụ huynh nam sinh này cũng không chấp nhận lời xin lỗi của giáo viên có hành vi bạo lực. Ngoài ra, chị T. cho biết, sau khi bị cô giáo tát, con trai chị có nhiều biểu hiện khác thường.

Biết rằng, học sinh sử dụng tài liệu là sai, là vi phạm quy chế thi, nhưng hành động của cô N.T.X là vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ khiến học sinh tổn thương về mặt thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần các em. Chưa hết, làm sao có ai dám đảm bảo các học sinh, ở lứa tuổi non nớt bước vào đời, các em không bắt chước, học theo cô để mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, các em lại giải quyết sự việc bằng cách đánh đập, hành hung người khác?

Cách đây ít ngày, tại Lào Cai cũng xảy ra trường hợp cô giáo dạy lớp 1 dùng thước đánh vào đầu học sinh. Và cô cho rằng sở dĩ có hành động này là do mình… thiếu kinh nghiệm. Nghe cô giải trình, có lẽ nhiều người chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Dù cho thiếu kinh nghiệm, có lẽ cũng chẳng có giáo viên nào lại hành xử như cô. Thứ cô thiếu, thực ra không chỉ là kinh nghiệm, mà đó còn là đạo đức nhà giáo.

Mới cách đây 2 ngày, nam sinh lớp 10 tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11, TPHCM) bị bạn cùng trường đánh đập dã man. Em bị đánh đến mức nứt xương trán, nhiều chỗ bị phù nề, bầm dập, hai mắt bị đánh thâm đen. Trong lúc bị đánh, vì quá đau đớn, em đã xin tha, nhưng bạn nam đánh em yêu cầu em phải chui qua háng của tất cả nam sinh có mặt ở đó. Vụ việc xảy ra có rất nhiều nam sinh chứng kiến, và không một ai can ngăn.

Tại sao và từ bao giờ các em học sinh lại coi việc đánh bạn trở nên bình thường như thế? Và vì đâu khi 1 học sinh bị đánh mà tất cả đều vô cảm, coi việc này quá đỗi bình thường, chẳng hề can ngăn? Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường trong việc chưa mạnh tay với các hành vi bạo lực, mà còn là việc đã để cho một số thầy cô giáo bạo hành học trò, đánh đập, chửi mắng các em.

Biết bao nhiêu vụ học sinh đánh nhau, nữ sinh bị đánh hội đồng, biết bao câu chuyện đau lòng do bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều cha mẹ lo lắng, khi trường học không hề là nơi an toàn cho con em mình, khi mà ở đó, các em không những bị bạn đánh, mà còn bị cả thầy cô giáo ra tay. Và ở những lớp học đó, bài học các em học được là gì, là cách “dùng nắm đấm” giải quyết vấn đề khi xảy ra sự việc hay sao?  

Vân Đặng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI