Đừng để bạo hành phụ nữ trở thành một “đại dịch ngầm”

06/01/2022 - 06:01

PNO - Nhiều phụ nữ thoát khỏi hành vi bạo lực nhờ sự bảo vệ từ cộng đồng, đặc biệt là nguy cơ bạo hành gia đình. Tuy nhiên, điều đáng buồn là tình trạng giãn cách, suy thoái kinh tế… do dịch bệnh cũng khiến bạo lực đối với phụ nữ trở nên thường xuyên hơn.

Bạo lực gia đình gia tăng

Theo báo cáo “Bạo lực đối với phụ nữ trong thời gian COVID-19” của Liên Hiệp Quốc (LHQ), gần 70% phụ nữ được hỏi từ 13 quốc gia cho biết, bạo lực gia đình gia tăng trong cộng đồng của họ kể từ khi đại dịch bắt đầu, và 40% phụ nữ hiện cảm thấy không an toàn nơi công cộng. Hơn nữa, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 1/3 phụ nữ trên thế giới từng trải qua bạo lực về thể chất hoặc tình dục. 

Kathryn Travers - chuyên gia LHQ về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ - nhấn mạnh cần giải quyết sự gia tăng bạo lực gần đây đối với phụ nữ. Bà cho biết: “Về mặt văn hóa, khi phụ nữ báo cáo bị quấy rối tình dục, những câu hỏi đầu tiên là: Cô ấy đã ở đâu? Vào thời gian nào? Cô ấy đã mặc gì? Cô ấy ở một mình? Tất cả những điều này đặt ra trách nhiệm cho người phụ nữ về sự an toàn. Trong khi thực tế, những vấn đề xã hội rộng lớn hơn cần phải thay đổi”. 

Suốt hai năm qua, phần lớn dân số thế giới ở nhà, nhưng đối với nhiều phụ nữ - đặc biệt là những người lao động thiết yếu và bộ phận làm việc trong khu vực phi chính thức - ở yên trong nhà không phải là lựa chọn khả thi. Bà Travers chia sẻ: “Nhiều phụ nữ có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng cho cộng đồng. Nhưng họ lại tiếp xúc nhiều hơn với nguy cơ bạo lực và quấy rối, vì họ phải ở bên ngoài nhà”. Mặc dù quấy rối tình dục trên đường phố vẫn tồn tại trước đại dịch, khảo sát của LHQ ghi nhận 62% phụ nữ ở nông thôn cho rằng vấn nạn đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2021, con số này ở thành thị là 55%. 
 

Phụ nữ diễu hành trong ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở Bogota, Colombia ngày 25/11/2021 ẢNH: GETTY IMAGES
Phụ nữ diễu hành trong ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở Bogota, Colombia ngày 25/11/2021 - Ảnh: GETTY IMAGES

Cần những thay đổi cơ bản

Bạo lực gia đình rất khó theo dõi, nhưng điều rõ ràng là một số biện pháp  mà chính phủ sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 - chẳng hạn như phong tỏa, cách ly, đóng cửa trường học, làm việc từ xa - đã tạo cơ hội cho nạn bạo hành. Tuy nam giới và trẻ em trai cũng nằm trong số các nạn nhân của bạo hành nhưng phụ nữ và trẻ em gái có nhiều khả năng phải đối mặt với bạo lực gia đình hơn. 

Vào thời điểm Umm Zeid mắc COVID-19 vào tháng 9/2021, bà mẹ ba con người Jordan này đã trải qua 18 tháng chịu đựng bạo lực gia đình. Kể từ đợt giãn cách đầu tiên, Umm Zeid đã phải chịu đựng cuộc sống đau khổ trong ngôi nhà nhỏ. Bà mẹ 30 tuổi là người chăm sóc kiêm giáo viên cho những đứa con nhỏ, đồng thời chịu đựng những vụ lạm dụng thể xác và bạo hành lời nói từ chồng, người không thể tìm được việc làm ổn định.

Gia đình của Umm Zeid nợ tiền thuê nhà nhiều tháng, và dù đã được tiêm phòng, cả hai vợ chồng lần lượt mắc bệnh. Umm Zeid không thể rời khỏi nhà hoặc báo cáo cho nhà chức trách về việc bạo hành, vì sợ mất quyền nuôi con và bị dư luận phán xét như một phụ nữ “vong ơn bội nghĩa”. Do vậy, giống như COVID-19, việc hứng chịu các hành vi bạo lực dường như đã trở thành một phần cuộc sống “bình thường mới” của Umm Zeid. Cô thổ lộ trong cay đắng: “Tôi không thể nói với bất kỳ ai. Tốt hơn hết tôi nên chịu đựng thay vì tạo ra gánh nặng cho gia đình”.

Các chuyên gia cho rằng nếu không có những thay đổi cơ bản đối với các dịch vụ phòng ngừa và hỗ trợ, những tình cảnh bi thương tương tự như của Umm Zeid sẽ vẫn tồn tại khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, các biến thể vi-rút khác không ngừng xuất hiện. Các nhà chức trách đã cố gắng hỗ trợ những phụ nữ báo cáo bị lạm dụng hoặc giúp họ rời kẻ tấn công, nhưng nguồn lực còn hạn chế và các rào cản truyền thống đã ăn sâu vào xã hội. Vô số phụ nữ như Umm Zeid vẫn phải tiếp tục ở với những kẻ bạo hành họ.

Asa Regnér - Phó Giám đốc điều hành Cơ quan về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của LHQ - cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều chính phủ thể hiện thiện chí trong việc giải quyết nạn bạo hành, nhưng vẫn còn một khoảng trống rất lớn để thay đổi thực tế. Họ không có đủ kinh phí để thực sự giúp thay đổi cuộc sống của nạn nhân”. Mặc dù đã quá mệt mỏi, Umm Zeid vẫn cho rằng: “Tôi không nghĩ tình hình của mình sẽ thay đổi. Nhưng tôi buộc mình phải tin vào một tương lai mà điều tốt đẹp hơn sẽ đến”. 

Ngọc Hạ (theo US News, ABC, Washington Post

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI