Đừng để bánh mứt tết ngọt ngào trở thành hung thần với trẻ em

30/01/2022 - 17:05

PNO - Ngày tết, do cha mẹ bận rộn, trẻ em được tự do hơn trong việc ăn uống. Lúc này, bánh mứt, các loại hạt có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Tết ngọt ngào hóa đau thương

Vào dịp tết, những gia đình có con nhỏ không nên chủ quan để các bé tự ăn bánh mứt, chơi đùa ngoài tầm quan sát của cha mẹ. Đã có nhiều trường hợp không may trẻ hóc sặc, không được phát hiện dẫn đến tử vong. 

Theo bác sĩ Nguyễn Tường Thi - Liên chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, hầu như bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ hóc dị vật. Vào những đợt lễ, tết tỷ lệ nhập viện cao hơn. Khi trẻ hóc dị vật, người lớn quá lo lắng nên dùng tay móc, vô tình làm dị vật bị đẩy sâu hơn có thể gây tổn thương vùng họng, thực quản của trẻ. Cũng có trường hợp dị vật bị đẩy vào khí quản có thể chèn đường thở, khiến trẻ tử vong.

Trẻ có thể mất tết nếu vô tình hít sặc hay nhét các loại hạt vào mũi, tai,...
Nhiều trẻ bị hóc do vô tình hít sặc hay nhét các loại hạt vào mũi, tai...

“Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận một bé trai 3 tuổi bị hóc hạt sen. Khi phát hiện bé có dấu hiệu vướng ở cổ, người bà nhờ thai phụ mang ngôi ngược vuốt nhưng không khỏi nên cho bé nuốt cơm, sau đó dùng chiếc phễu đặt vào miệng bé rồi đổ nước khiến bé bị sặc qua phổi, khi bé được đưa đến bệnh viện thì đã quá trễ”, bác sĩ Thi nói.

Bác sĩ Thi lưu ý, nếu chỉ hóc ở thực quản, trong một số trường hợp nhẹ, bé có thể có phản xạ nôn ói, lúc này cha mẹ dùng cần phương pháp vỗ lưng ấn ngực để sơ cứu cho bé.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị hít sặc sang đường thở thì nguy cơ chuyển nặng rất cao, chỉ khoảng 3-5 phút, bé có thể ngưng thở. 

Như trường hợp của bé T.K.L (7 tuổi, ở Đồng Nai). Bé đang chạy chơi thì đột ngột ho liên tục, mặt đỏ, quấy khóc. Khi người nhà phát hiện, bé đã tím tái, thở mệt. Phát hiện trong miệng bé có nhiều vỏ hạt dưa, mẹ bé đã... hô hấp nhân tạo cho con. Đến khi bé không còn phản xạ, đưa đến bệnh viện thì đã tử vong ngoại viện. Thay vì cả nhà vui tết, lại phải trải qua một năm mới đầy đau thương, nuối tiếc.

Bác sĩ Thi nói thêm: “Những năm trước đây, trẻ được đưa đến cấp cứu đa số do hóc hạt dưa, hạt bí, hướng dương, hạt mãng cầu… đường thở. Cũng có nhiều bé bị hóc xương gà, xương cá, mảnh tôm cua… Có bé ngậm nắp bút bi, inox gây tắc nghẽn đường thở, tử vong”.

Những loại hạt, đậu phộng tuy nhỏ nhưng có thể trở thành hung thần đối với trẻ
Đậu phộng và các loại hạt có thể trở thành hung thần đối với trẻ

Đừng kiêng kỵ, trì hoãn đi bệnh viện khi trẻ gặp tai nạn hít sặc

Trẻ cũng có thể bị hóc dị vật bỏ quên, tức là ngay sau cơn ho sặc sụa, trẻ trở về trạng thái bình thường, nhưng khoảng vài ngày sau bé sốt, khò khè… và phải đi khám hô hấp mới phát hiện.

Với trẻ trên 3 tuổi, ngoài tai nạn hóc dị vật, có bé còn tự ý lấy hạt nhãn, hạt bí, hạt ngô nhét vào lỗ mũi, lỗ tai… Thêm vào đó khi có tiền lì xì tết, các bé lớn đi mua đồ chơi, như xe ô tô nhựa, lego... Trong lúc chơi lại bỏ vào miệng ngậm, chỉ cần giật mình, hay sơ ý, trẻ có thể sặc chúng, hậu quả là dị vật bỏ quên. Tùy vào cấu tạo, nguyên liệu của dị vật, trẻ có thể gặp nhiều di chứng.

Như bé N.B.C. (5 tuổi, ở Bình Phước) bé được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, mệt mỏi, thở rít... khi hội chẩn, bác sĩ phát hiện bé đã rơi vào nguy hiểm, bắt buộc mở nội khí quản để cấp cứu, xử lý dị vật. 

Nguy hiểm ở chỗ, người lớn hay nhầm lẫn trẻ bị hóc dị vật đường thở với các bệnh cảm sốt. Bác sĩ Thi lưu ý, nếu trẻ bị chảy mũi, nóng sốt nhiều ngày, nước mũi tanh hôi, thở khò khè, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, phụ huynh phải nghĩ đến tình huống bé đang có dị vật. Nên đưa trẻ đến các bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để được kiểm tra, xử lý. 

Có tiền, nhiều trẻ cũng thích đi mua đồ chơi, có thói quen ngậm rồi sặc vào phổi lúc nào không hay
Nhiều trẻ hóc các dị vật là những chi tiết nhỏ của đồ chơi 

Trường hợp nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám, không tự lấy dị vật bởi có thể làm tổn thương khí quản, thực quản, đẩy dị vật vào sâu hơn, gây tổn thương, thậm chí tắc đường thở rất nguy hiểm.

“Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không cho trẻ nuốt cơm, không tự móc dị vật, không thực hiện phương pháp dân gian như cho thai phụ có ngôi thai ngược vuốt mà nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Thi lưu ý.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, các ông bố bà mẹ nên phân công nhau chăm sóc, quan sát trẻ. Nên để các khay bánh mứt, nhất là các loại hạt, tránh xa tầm tay trẻ. Cần kiểm soát khi cho trẻ ăn các loại bánh trong lúc ăn hạn chế cho trẻ chạy chơi, xem điện thoại...

Nếu nghi ngờ con gặp sự cố, cần quan sát các biểu hiện của trẻ. Nếu bị dị vật ở tai, trẻ lớn sẽ nói hoặc cho tay vào tai ngoáy. Nếu dị vật ở mũi, sau 2 ngày mũi của bé sẽ chảy nước mũi xanh, có mùi hôi, tanh khó chịu, còn khi mắc xương, trẻ cảm thấy đau, sợ ăn, sợ nuốt...  Bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

“Thường vào “mùa” tết, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 5 đến 10 trẻ bị dị vật bỏ quên ở mũi, còn dị vật đường thở từ 1-2 ca/ngày. Vì vậy, người lớn cần quan tâm, quan sát trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trong tình huống trẻ bị hóc dị vật, không nên kiêng kỵ ngày tết mà trì hoãn việc đi bệnh viện, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho trẻ”, bác sĩ Thi khuyến cáo.

 Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI