Đừng để áo dài Huế bị thời gian hờ hững

15/03/2019 - 18:00

PNO - Áo dài từng góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế. Nhưng qua bao thăng trầm, áo dài Huế như viên ngọc quý, có lúc đã bị sự hờ hững, rẻ rúng của người đời che hết vẻ đẹp lấp lánh vốn có.

Bảo tồn nét đẹp áo dài truyền thống xứ Huế

Theo dòng đổi mới của đất nước, áo dài đã dần được hồi sinh, với diện mạo mới. Từ Huế, những lễ hội áo dài gắn với Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, bắt đầu từ năm 2000 đến nay, đã đánh thức vẻ đẹp kiêu sa, đài các của áo dài phụ nữ Việt Nam. Từ quý IV/2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu nữ cán bộ, công chức, viên chức và nữ sinh bậc trung học, đại học mặc áo dài mỗi sáng thứ Hai; miễn vé tham quan di tích cố đô Huế đối với phụ nữ mặc áo dài trong ngày 8/3 đã tạo ra những chuyển động ban đầu về nhận thức lẫn hành động, hướng đến khôi phục vẻ đẹp của chiếc áo dài, thành nét mới trong sinh hoạt của cố đô Huế.

Dung de ao dai Hue bi thoi gian ho hung
Thiếu nữ Huế bên dòng sông Hương thơ mộng. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận thì áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong đời sống hằng ngày của người dân hay tác động mạnh vào đời sống kinh tế, xã hội ở Huế. Tuy áo dài nữ đã xuất hiện phổ biến, áo dài nam chỉ mới có mặt trong những ngày giỗ chạp, khi có việc làng, việc họ và chủ yếu vẫn trong số người lớn tuổi. Giới trẻ ở Huế mới chỉ sử dụng áo dài trong các dịp cưới hỏi hay trên các sân khấu trình diễn nghệ thuật. Hình ảnh chiếc áo dài nam vẫn còn vướng vất với quá khứ của một thời.

Cố đô Huế là nơi đầu tiên có lễ hội áo dài trong kỳ Festival Huế 2002. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn, các lễ hội áo dài được tổ chức. Người Huế biết cách và đã đi đầu trong việc tôn vinh giá trị của loại y phục mang đậm bản sắc Việt. Ấy vậy mà, một thương hiệu chung cho áo dài Huế vẫn chưa được xác lập. Trong khi đó, các cơ sở may đo áo dài ở Huế, do chưa đăng ký nhãn hiệu, nên lâu nay vẫn phải “tự thân vận động, rồi mạnh ai nấy làm hoặc chạy đua để hút khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá hầu như chỉ nhờ các... bác tài xích lô, hướng dẫn viên du lịch, nên chưa đến được các địa chỉ uy tín và có tay nghề cao, ảnh hưởng đến thương hiệu áo dài Huế.

Tìm lại thuở vàng son

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, để áo dài sớm thực sự hồi sinh, tạo động lực mới để Huế “vươn vai đứng dậy”, trước hết cần thừa nhận thời đại đã khác. Rất khó để những tà áo dài truyền thống bay khắp mọi nhà, trên đường phố, đường làng hay trong chợ, trên sông... như một thời Huế đã từng có. Song cần phải khẳng định, áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế. Nếu quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất cố đô, chính quyền phải tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh.

Dung de ao dai Hue bi thoi gian ho hung

Để vận động phụ nữ Thừa Thiên - Huế thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, tỉnh cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế như: tổ chức Ngày hội Áo dài Huế, xây dựng các show trình diễn áo dài Huế, bán sản phẩm áo dài hằng đêm, nâng chất lượng Lễ hội Áo dài Huế trong khuôn khổ Festival Huế, gắn Lễ hội Áo dài mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của di tích cố đô…

Đặc biệt, Huế có thể tiên phong phát động khôi phục áo dài Nhật Bình Huế, áo dài ngũ thân của đàn ông Huế, yêu cầu mọi cán bộ, viên chức của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khi làm nhiệm vụ tại Đại Nội và các lăng tẩm, di tích cố đô đều mặc áo dài trang trọng. Cơ quan quản lý di tích cố đô nên tổ chức ngày đại lễ tôn vinh áo dài hằng năm tại lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, lăng vua Minh Mạng, tri ân các vị có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam.

Trong các buổi tiếp tân long trọng của tỉnh và thành phố, yêu cầu nhân viên tiếp tân mặc áo dài… Tóm lại, cần tổ chức đa dạng các hoạt động quảng bá áo dài, xây dựng hình ảnh Huế là chiếc nôi - kinh đô của áo dài Việt Nam đối với cả người dân trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Hoa cũng đề xuất xây dựng thương hiệu áo dài Huế gắn với cố đô Huế và các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo ở Huế; xây dựng thành các tour du lịch, khám phá kinh đô Huế; xúc tiến thành lập hiệp hội nghề may và kinh doanh áo dài Huế, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế. Phố áo dài Huế và các tiệm may áo dài chất lượng cao phục vụ du khách sẽ kết nối với các cơ sở du lịch. Ngoài ra, cần tìm kiếm thị trường để đưa các sản phẩm áo dài Huế “may sẵn”, áo Nhật Bình Huế, khăn vành Huế ra thị trường ngoài tỉnh.

Dung de ao dai Hue bi thoi gian ho hung
Bộ sưu tập áo dài cung đình Huế của nhà thiết kế Viết Bảo

Cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của áo dài Huế, cũng cần nhìn nhận thực tế là sẽ không bao giờ có một mẫu áo dài bất biến, chung cho mọi người, mọi lứa tuổi, càng không có loại áo dài Huế chỉ dành riêng cho người Huế; để không dị ứng trước các mẫu áo dài cách tân, biến tấu, đôi khi xa lạ. “Hãy để thời gian làm vị giám khảo sàng lọc và lựa chọn; nhưng cũng cần chủ động hướng dẫn giới trẻ, nhất là nữ sinh, thấm nhuần ý nghĩa áo dài Huế là nét tâm hồn của phụ nữ Huế, để chính các bạn trẻ biết chọn lựa đúng đắn áo dài thời trang phù hợp với cốt cách Huế” - ông Nguyễn Xuân Hoa lưu ý.

Bà Hoàng Thị Thọ - cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, nếu cố đô Huế đã đẹp vì cảnh quan môi trường thì tại sao chiếc áo dài Huế lại không làm cho người khác “si tình”. Nên lấy thế mạnh của tà áo dài trắng, tím để quyến rũ du khách đến với Huế. Nên phổ biến, phổ cập tà áo dài trong đời sống người dân Huế - lứa tuổi nào thì mặc áo dài phù hợp với lứa tuổi mình. Theo bà Thọ, áo dài là một trong những nét đẹp trong dòng chảy văn hóa Huế. Nó rất văn hóa, rất Việt Nam và rất Huế.

“Để xây dựng Huế thành một trung tâm du lịch lớn của đất nước thì phải phát huy nét đẹp của áo dài. Không nên coi đó là tầm thường. Cách đây mấy năm, một hãng truyền hình của Pháp, về Huế làm phóng sự Thành phố áo dài trắng. Vì sao mình là chủ thể mà chưa làm được? Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là khuyến khích nữ sinh, cán bộ công chức mặc áo dài. Lấy ví dụ Trường THPT Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ), việc nữ sinh mặc áo dài suốt tuần không phải là chuyện quá khó. Mỗi kỳ Festival Huế đi qua, lễ hội áo dài là một trong những chương trình còn đọng lại trong lòng du khách. Phải bảo vệ áo dài Huế, áo dài Việt, bởi đó là bản sắc văn hóa. Khi bản sắc văn hóa còn là dân tộc còn” - bà Thọ nói.

Dung de ao dai Hue bi thoi gian ho hung

Để áo dài phục sinh trên đất Huế chính là làm giàu thêm cho Huế cả về giá trị văn hóa lẫn dịch vụ. Thương hiệu áo dài Huế sẽ kéo theo du lịch Huế, kinh tế xã hội Huế phát triển, để khi du khách đến Huế, ra về, sẽ nhớ mãi ca khúc Tà áo tím của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương, màu áo tím ôi luyến thương, màu áo tím ôi vấn vương…”. 

Ngày 16/3, tại TP.Huế, sẽ diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế". Hội thảo nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với trang phục áo dài Huế, đưa áo dài Huế thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, vẻ duyên dáng của người phụ nữ cố đô. Hội thảo sẽ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế để phát triển thương hiệu áo dài Huế thành sản phẩm du lịch đặc trưng; hướng đến các giải pháp phát triển thương hiệu áo dài Huế qua các cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm áo dài Huế.

Thuận Hóa


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI