Đứng dậy và bước đi

05/11/2014 - 15:10

PNO - PNO - Đứng dậy và bước đi (NXB Hồng Đức) là tự truyện của nữ tác giả Nguyễn Hướng Dương.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo TT.Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, chủ nhiệm Tủ sách Đạo Phật ngày nay: “Giá trị của quyển tự truyện này nằm ở chỗ, người đọc như được truyền sức mạnh, lên dây cót tinh thần, điềm tĩnh và bản lĩnh hơn, thay vì than trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn cảnh, nguyền rủa cuộc đời, buồn tủi bản thân, để trong tình huống “cùng quẫn” do hoàn cảnh đưa đẩy hay hậu quả của nghiệp duyên, mỗi người hãy tự mình “thắp đuốc lên mà đi”. Câu chuyện của Hướng Dương là bài học quý giá và là tấm gương “vượt lên số phận”, làm lại cuộc đời từ chính nghị lực và nỗ lực đúng phương pháp”.

Dung day va buoc di

Qua tập sách này, ta biết số phận của Hướng Dương nghiệt ngã khi mới 25 tuổi, đang là một hướng dẫn viên du lịch của công ty Saigontourist, cô bị tai nạn giao thông cụt cả hai chân. Điều gì đã khiến Hướng Dương “Đứng dậy và bước đi”? Cô cho biết: “Câu trả lời đầy đủ là câu chuyện Ân Sư Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, ghi dấu một bước chuyển lớn của đời tôi: Sáng Chủ nhật là buổi thuyết giảng của Sư tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM). Cuối buổi giảng, tôi nặng nhọc bước trên đôi chân giả vừa gắn xong đến đảnh lễ Sư với nét mặt u sầu thảm não:

- Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng đôi chân giả.

Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng Sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi con đừng buồn nữa cuộc đời là vô thường mà” nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, Sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói:

- Ồ, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem, toàn thân sư đều là giả đó thôi!

Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như ánh chớp lóe lên, lời Kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sinh sộng lạ lùng: “Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt”. Phải rồi chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy! Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân sư đã chỉ cho tôi lối thoát hiểm, cất đi gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi” (tr.82-83).

Từ đó, cuộc đời Hướng Dương đã sang một ngã rẽ khác. Không than van, bi quan, cô đã vượt lên chính mình, không chỉ sống có ích với đời mà còn nâng đỡ các số phận kém may mắn. Một trong những đóng góp có ý nghĩa là ngày 19.5.1998, cô đã cùng các tâm hồn thiện nguyện thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 18 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc, phục vụ trực tuyến với gần 1000 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người.

Tâm đắc với Đứng dậy và bước đi, nhà thơ Thu Nguyệt cho rằng: “Cuốn sách này, với bạn đọc, tôi hy vọng sẽ làm được một việc nho nhỏ là kích hoạt được vài điều trong kho tàng khả năng tiềm ẩn của con người”. Bà Thanh Vân Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu xúc động cho rằng: “Bất hạnh của Hướng Dương lại là niềm hạnh phúc của người mù…và cuộc đời của Hướng Dương đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người”.

Được đọc những trang viết chân tình của Hướng Dương có nhiều chi tiết khiến ta khó cầm được nước mắt. Và cũng từ đó, ta thấy rằng, dù bất kỳ  hoàn cảnh bi đát nào nếu có niềm tin, nghị thì con người ta đều có thể vượt qua mọi nghịch cảnh. Thấu hiểu điều này, ngoài những trang tự sự, Hướng Dương còn viết những câu diệu vợi như:

Đường đi nào biết gần xa

Chỉ cần thức tỉnh biết là đang đi

Cứ đi - chẳng nghĩ suy gì

Ô kìa - đích đến tức thì hiện ra…

Trường hợp của Hướng Dương đã minh chứng cho những lời mà thấu hiểu lẽ nhiệm màu mà TT.Thích Nhật Từ đã nói: “Để có bản lĩnh bước đi bền vững, người bị “té ngã” và khổ đau cần tâm niệm rằng “ta chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất, đó là nỗ lực thay đổi bản thân.” Nếu tiếp tục nằm, ta không thể ngồi dậy được. Nếu tiếp tục ngồi, ta không đứng dậy được. Nếu tiếp tục đứng, ta không thể đi được. Đi không đúng cách là cái đi khập khiễng và dễ tiếp tục té ngã. Đi bằng các bước chân nghị lực, với quyết tâm biến khiếm khuyết thành sở trường, người té ngã nào cũng có thể về đến đích”.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI