Đừng dạy con 'báo hiếu' thầy cô bằng vật chất

19/11/2017 - 15:18

PNO - Đến ngày Nhà giáo Việt nam, tôi nghe các chị em đồng nghiệp trong phòng bàn luận xôm tụ về việc “báo hiếu” thầy cô – nói theo cách nói bây giờ của các chị em phụ huynh 8-9X.

Cũng mới hôm qua, tôi đọc được một tiêu đề báo, là phát ngôn của Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng: “Muốn biết tương lai giáo dục, nhìn cách cư xử với nhà giáo”. Đó là ý kiến của TS Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM trong buổi gặp gỡ giữa Thành ủy TP.HCM với ngành Giáo dục nhân dịp 20/11 năm nay.

Dung day con 'bao hieu' thay co bang vat chat
Tình thầy trò luôn tuyệt vời. Ảnh minh họa

Thật ra, nội dung của vấn đề thảo luận liên quan đến sự quan tâm và chế độ hưu trí cho các nhà giáo trong và sau khi cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nhưng cũng từ câu nói đó, tôi bắt đầu suy nghĩ đến cụm từ “báo hiếu" thầy cô mà các chị em bạn bè đang nói.

Có thể tôi nhạy cảm với từ ngữ, nhưng giả sử con trẻ nghe được cụm từ này thì tụi nhỏ sẽ hiểu như thế nào? Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng chúng ta đang làm mất dần giá trị tinh thần tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam.

Một phần là do một số “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng việc giảng dạy để trục tiền từ các ông bố bà mẹ “bán con cho trường học” để lao vào kiếm tiền. Một phần khác là do tâm lý suy diễn lệch lạc của nhiều phụ huynh “sợ con bị đì nếu không tặng quà cáp cho thầy cô”.

Từ sự giao thoa hai yếu tố tiêu cực đó mà cụm từ “báo hiếu" thầy cô đã ra đời. Tuy cách đón chào ngày Nhà giáo Việt nam không mặn mà, thậm chí có phần châm biếm và “trả nợ đời”, nhưng các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ đều nỗ lực “săn” được những món quà đắt giá, đúng tâm lý thầy cô, hoặc “đập dẹp bỏ phong bì” (cách dung từ của một số anh chị em mà tôi tình cờ nghe được) – tức là biếu hiện kim – cho thầy cô. Tâm lý chung là làm sao mà món quà của mình được thầy cô nhớ đến, món quà được nhớ đến cũng đồng nghĩa với việc con của mình được thầy cô quan tâm chú ý nhiều hơn.

Tôi cũng đã chứng kiến cuộc “họp mặt bàn tròn” của các chị em phụ nữ trong phòng. Người thì mua nước hoa hàng hiệu vì cô giáo có vẻ “sành thời trang”, người thì biết luôn thầy giáo “yêu màu hồng” nên quyết định tìm sơ-mi kẻ sọc hồng cho thầy… Có người còn “bấm bụng” mua hẳn 1 chiếc điện thoại xách tay với hy vọng cuối học kỳ I con gái cưng được xếp loại giỏi.

Dung day con 'bao hieu' thay co bang vat chat
Hãy tặng thầy cô tấm lòng tri ân đúng nghĩa

Nhưng, nếu các chị em của tôi ấp ủ kế hoạch tri ân thầy cô bằng đúng món quà thầy cô thích, để thầy cô vui, để thể hiện tình cảm biết ơn thật lòng… thì những món quà ấy đẹp biết bao. Chỉ có điều, những món quà hàng hiệu được trao tay thầy cô kèm nụ cười tươi lại chẳng khác gì của sống ảo như mạng xã hội. Còn trong suy nghĩ là những gì chẳng ai biết được, biết đâu cũng là cụm từ “báo hiếu” như nghĩa vụ?!

Tôi cũng từng tốt nghiệp sư phạm nhưng không đủ duyên đi theo con đường đứng trên bục giảng nên đành rẽ sang ngã khác. Một phần nào trong lòng tôi rất chua xót khi nhìn và nghe nhiều chuyện tặng quà ngày nhà giáo. Quả thật sự kiện này không còn tồn tại như một ngày lễ tri ân đầy ý nghĩa nữa mà lại là nghĩa vụ của phần đông phụ huynh. Lỗi từ ai và từ khi nào?

Ngày 20/11 này, con trai tôi 3 tuổi  sẽ mang những cành hồng tươi thắm nhất, kèm một tấm thiệp và một ổ bánh kem do tôi làm để biếu ba người cô của con. Hy vọng, một chút quà từ tấm lòng thành của mẹ con tôi sẽ góp được một chút niềm vui cho các cô trong ngày kỷ niệm nghề giáo cao quý.

Phương Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI