Đừng đặt tên phố chuyên doanh rồi bỏ đó

12/07/2023 - 07:10

PNO - Trên một số đoạn đường ở TPHCM có các bảng hiệu lớn ghi “phố chuyên doanh thời trang”, “phố chuyên doanh vật liệu xây dựng”, “phố chuyên doanh ẩm thực”… Nhưng, ngoài những bảng hiệu trên, mọi thứ vẫn không có gì đổi khác.

Thêm tấm biển và không thêm gì

Hôm 23/6, đầu đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức bỗng xuất hiện tấm bảng hiệu “Phố chuyên doanh thời trang Thủ Đức” to đùng. Nhưng từ đó đến nay, “phố” vẫn không có gì mới hơn. Các cửa hàng thời trang trong phố vẫn vắng khách dù đã đồng loạt giảm giá sản phẩm. 

Đại diện cửa hàng Yame.vn cho biết, cửa hàng đã hoạt động trên đoạn đường này khá lâu. Do ế ẩm, cửa hàng khuyến mãi, giảm giá 50% cả năm qua chứ không phải giảm giá từ khi đoạn đường này trở thành phố chuyên doanh thời trang. Đại diện cửa hàng nhận xét: “Có thể từ khi có bảng hiệu phố chuyên doanh, người đi đường biết ở đây có nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang. Ngoài ra, không có gì thay đổi, ế vẫn cứ ế”. 

Phố chuyên doanh thời trang đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) không khác gì các đường phố khác, không có gì nổi bật để thu hút khách đến tham quan, mua sắm
Phố chuyên doanh thời trang đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) không khác gì các đường phố khác, không có gì nổi bật để thu hút khách đến tham quan, mua sắm

Chủ tiệm giày dép da Kim Thanh phỏng đoán, có thể do đường Võ Văn Ngân có lưu lượng xe đông nhất TP Thủ Đức nên được chọn là phố chuyên doanh thời trang. Trước hay sau khi thành lập “phố”, tình hình kinh doanh vẫn không thay đổi gì, không có gì khác biệt hay nổi bật để thu hút khách đến mua sắm. Khách hàng đến phố này vẫn chỉ là người địa phương chứ không có khách từ nơi khác đến.

Trên “phố” này, vỉa hè vẫn chật chội, nhiều cửa hàng không có chỗ đậu xe. Chi phí mặt bằng cao, ế khách khiến nhiều chủ phải đóng cửa hoặc sang nhượng cửa hàng. Khi được hỏi, một số chủ cửa hàng thậm chí còn không biết mình đang kinh doanh trên phố chuyên doanh thời trang. Họ chưa rõ việc đặt tên phố chuyên doanh nhằm mục đích gì.

Cuối năm 2022, ngành chức năng quận 3 khánh thành phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền. Từ đó đến nay, “phố” vẫn không đông khách hơn, các tiệm, quán chỉ bán online là chính. Từ khi lập “phố”, đường này không có gì đổi mới ngoài việc mỗi điểm kinh doanh được hỗ trợ một tấm bảng ghi tên món ăn, lề đường được kẻ vạch giới hạn để kê bàn ghế phục vụ khách ngồi ăn tại chỗ. 

Chị Phương - chủ quán bánh cuốn, bánh ướt Phương - lắc đầu: “Phố ẩm thực thì phải có khách tản bộ, ghé ngồi ăn nhưng do đường Nguyễn Thượng Hiền quá hẹp, lại đông xe cộ, lề đường nhỏ, không có chỗ để xe nên rất ít khách đến ngồi ăn. Hầu hết khách đặt mua online nhưng doanh thu của quán cũng chỉ bằng 50% so với cách đây 2 năm”.

Phố chuyên doanh vật liệu xây dựng ở đường Tô Hiến Thành và Thành Thái, phố nội thất Ngô Gia Tự (quận 10) cũng không khá hơn. Hàng loạt cửa hàng treo bảng đóng cửa do kinh doanh ế ẩm. Các “phố” này cũng chưa có sự khác biệt nào so với trước, ngoại trừ có thêm trụ gắn bảng hiệu to ở đầu đường.

Đừng lập "phố" theo phong trào 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - cho đến nay, chỉ có Đường sách TPHCM là được đầu tư bài bản, có sắc thái riêng. Các phố chuyên doanh còn lại được thành lập theo kiểu… cho có.

Ông dẫn chứng, trước khi thành lập các phố chuyên doanh thời trang, chính quyền địa phương không kêu gọi doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng không quan tâm do nằm ở vị trí không thuận tiện, “phố” thiếu sức hút: “Các phố này không tiêu biểu cho ngành thời trang của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung”. 

Theo ông, các phố chuyên doanh thời trang ở các nước được đầu tư rất bài bản, huy động được những thương hiệu nổi tiếng tham gia, có vị trí thuận tiện để khách du lịch tham quan, mua sắm. Trong nước, chỉ có phố chuyên doanh thời trang ở TP Đà Nẵng tạo được sắc thái riêng nhờ có dự án với mức đầu tư gần 26 tỉ đồng, có trang bị hạ tầng vỉa hè, bãi đậu xe, có nhiều tiện ích công cộng (ghế ngồi, nhà vệ sinh), có nhiều cây xanh, hệ thống chiếu sáng hiện đại cho các biển quảng cáo. Ngành công thương TP Đà Nẵng cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng để giúp thương nhân trong “phố” vay vốn với lãi suất thấp, đồng thời tổ chức bồi dưỡng văn hóa kinh doanh, tuyên truyền về văn minh thương nghiệp… 

“Phố chuyên doanh thì phải có sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng, địa điểm phải đông khách du lịch, hạ tầng phải được đầu tư bài bản. Còn nếu “phố” nằm ở vị trí không thuận tiện, không có hạ tầng tốt thì các thương hiệu lớn sẽ không tham gia”, ông Phạm Xuân Hồng bày tỏ. 

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM - nhận định, phố chuyên doanh là điểm nhấn, diện mạo độc đáo của đô thị thương mại phát triển. Ở nước ngoài, nếu gọi là phố chuyên doanh thì tính chuyên doanh của các phố đó đều rõ nét, đặc sắc, giàu sức hút, có nhiều phố còn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Còn ở TPHCM, phần lớn phố chuyên doanh đều thiếu sự nghiên cứu, đầu tư nên mọi thứ trên “phố” còn mờ nhạt, rời rạc, thiếu đồng bộ.

Theo ông, tự phong một con đường thành phố chuyên doanh để kích cầu tiêu dùng sẽ không hiệu quả mà phải kích cầu tổng thể, tạo ra một hệ sinh thái (cụm chuyên doanh) có liên kết với nhau, có thể phục vụ mọi nhu cầu của khách. Phố đi bộ Nguyễn Huệ không phải là phố chuyên doanh nhưng lại có sức hút bởi 2 bên đường có đa dạng dịch vụ, khách vừa đi bộ, vừa ăn uống, mua sắm, giải trí, ghé tiệm spa thư giãn. Còn phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) không thể thu hút khách đến ngồi ăn bởi đường hẹp, quán chật, xe cộ lưu thông đông, vừa nguy hiểm, vừa mất vệ sinh. 

Cũng theo ông, phố chuyên doanh thời trang Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) chỉ có vài cửa hàng kinh doanh quần áo thông thường nằm xen với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ khác thì không có gì thu hút, không ai tốn công chạy xe đến đó mua quần áo rồi về: “Một phố chuyên doanh không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn phải thu hút khách du lịch. Nếu là phố chuyên doanh thời trang thì phải đầu tư hạ tầng, phải hội tụ các cửa hàng chuyên thiết kế, kinh doanh thời trang truyền thống Việt Nam, thời trang vùng miền, thời trang theo xu hướng xanh”. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM - cho rằng, TPHCM có nhiều con đường mà khi nhắc đến tên, người ta biết ngay mặt hàng kinh doanh trên đường đó, như khu Sala (quận 2), đường Ngô Gia Tự (quận 10) là phố nội thất; đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ ngã tư với đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lý Thái Tổ), đường Nguyễn Trãi là phố thời trang; đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) là phố thuốc bắc; đường Hai Bà Trưng (quận 1 và quận 3) là phố thuốc tây; đường Lê Công Kiều (quận 1) là phố đồ cổ… Theo thời gian, có phố vẫn phát triển, có phố lại xuống cấp và mờ nhạt dần. 
Theo ông, các phố chuyên doanh mang lại lợi ích cho nhiều phía, gồm người kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước. Điểm chung khiến các phố chuyên doanh hiện nay khó phát triển là mặt bằng quá nhỏ, không có bãi đậu xe, khắp nơi đều chật chội, xô bồ, không có sự tham gia sâu của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Nhìn sự mai một của các phố chuyên doanh truyền thống thì không thể thành lập các phố chuyên doanh theo kiểu chủ quan, chạy theo phong trào mà nên tham khảo những người có chuyên môn hoặc thông qua các hiệp hội doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Chánh Phương nói: “Thương mại hiện đại đòi hỏi phải thỏa mãn nhu cầu về bến bãi, phương tiện vận chuyển, dịch vụ, nhân sự… Để làm được điều này, phải có cách làm mang tính đột phá, toàn diện, huy động được lực lượng doanh nghiệp từng ngành hàng, nhóm hàng tham gia. Không nên thành lập phố chuyên doanh theo kiểu đặt tên rồi bỏ đó”. 

Việc lập phố kinh doanh nhắm đến nhiều lợi ích 

Việc xây dựng các phố chuyên doanh trên địa bàn là nhằm quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ, đảm bảo lợi ích cho người kinh doanh, đảm bảo trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, phòng cháy và chữa cháy, tạo cảnh quan xanh sạch, đẹp trên các tuyến phố, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giúp kết nối các cửa hàng, kích cầu thị trường, gắn “phố” với các điểm du lịch, di tích lịch sử. 

Trong các chương trình khuyến mãi tập trung, chính quyền địa phương cũng vận động các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên 5 tuyến phố chuyên doanh tham gia với mức khuyến mãi từ 20 - 100% nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, gia tăng sức mua, đồng thời quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng về thương hiệu của quận. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch UBND quận 10

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI