“Lấy chồng được 6 tháng mà chưa mang thai, tôi đã bị cha mẹ, họ hàng 2 bên nói ra nói vào chuyện có con. Đến khi con tôi được hơn 1 tuổi, mẹ chồng tôi giục sinh tiếp đứa thứ hai. Bà bảo, con cái là lộc trời cho, sau này về già còn được nhờ cậy” - chị Thúy Nga - người mẹ của 1 cô con gái - chia sẻ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
“Lúc đó tôi nhìn lại cuộc đời bà, thấy vừa ngao ngán, vừa thương. Lúc còn sống, ba chồng tôi đối xử tệ với vợ tới mức, có chỉ vàng bà dành dụm cho con học đại học, ông cũng mang đi chơi đề. Mẹ chồng tôi có 3 người con trai, anh lớn thì nát rượu, vài tháng lại đi cấp cứu. Chồng cũ của tôi, ngoài 30 tuổi rồi, là giám đốc công ty, nhưng tiền toàn đi vay, đất mẹ cho thì gán nợ… Nhiều khi bà phải gom từng đồng đi làm thuê để cho con. Bà chỉ được nhờ 2 cô con gái, tuy không giàu nhưng thi thoảng có đồng ra đồng vào biếu bà” - chị Thúy Nga kể tiếp.
“Có người sinh con vì muốn có cảm giác làm mẹ, có người muốn có con để bầu bạn tâm sự và nương tựa khi con trưởng thành. Cũng có người sinh con ra rồi đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, mong con gánh vác những ước mơ không thành của mình. Đó là đặt lên vai con một gánh nặng” - chị Nga cho biết.
“Trước kia con gái tôi rất ngoan, nghe lời mẹ. Đến tuổi dậy thì, mẹ nói gì cháu cũng cãi. Không cãi được, cháu sẽ nói: “Con đâu muốn được sinh ra, là mẹ sinh con ra thì mẹ phải chịu trách nhiệm, mẹ than thở gì chuyện phải nuôi dạy con. Nếu không muốn nuôi nữa, mẹ cứ vứt con đi”. Tôi bình tĩnh suy nghĩ, thấy con nói không sai. Vì thế, nếu chịu được những áp lực kiểu như vậy, cộng với có đủ thời gian và điều kiện kinh tế để nuôi dạy con, lúc đó, phụ nữ hãy tính đến việc có con và cần có một kế hoạch lâu dài cho chuyện này” - chị Nga chốt.
Là hội trưởng hội phụ huynh từ khi con học tiểu học tới lên trung học, chị Nga chứng kiến nhiều hành xử không hợp lý của phụ huynh đối với con. Có mẹ tát con ngay trước mặt bạn bè chỉ vì con bị phạt viết kiểm điểm. Có mẹ ép con học ngày học đêm đến nỗi con bị trầm cảm. Cũng có người bỏ mặc không quan tâm con cái, đến mức con đánh bạn, trộm đồ, bom hàng trên mạng… Nhà trường thông báo mời phụ huynh lên gặp nhưng không hề nhận được hồi đáp từ phía gia đình.
“Tôi nhớ năm con tôi học lớp Sáu, trong lớp có 1 bé trai “con cầu con khẩn”. Cha mẹ lấy nhau hơn chục năm, làm đủ mọi cách mới sinh được cháu nên rất cưng. Sáng ba mẹ đều lái xe đưa đi học, đeo cặp, dắt tay con sang đường, dặn dò chán chê rồi mới để con vào trường.
Được chiều chuộng nhưng cậu bé cũng được ba mẹ kỳ vọng rất nhiều. Cháu gần như không có thời gian vui chơi hay tham gia hoạt động ngoại khóa cùng các bạn, lúc nào cũng thấy học và học. Con tôi kể, bạn lúc nào cũng kè kè điện thoại, vừa vào mạng học online, vừa canh nghe điện thoại của cha mẹ. Nếu không gọi được con, chỉ vài phút sau, ba mẹ bé sẽ xuất hiện trước cổng trường.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Tới năm lớp Bảy, gia đình cậu phá sản, không có tiền đóng học phí cho con, cậu bé phải về quê sống cùng họ hàng để ba mẹ đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ. Tương lai cậu bé bị bẻ lái vì biến cố gia đình. Chúng ta không biết trước chuyện gì có thể xảy ra, nếu không thể sinh con, cũng đừng nên quá cố gắng, quá buồn, quá thất vọng” - chị Nga chia sẻ.
Mỗi khi nói ra quan điểm trên, chị Nga đều bị nhiều người phản đối dữ dội. Họ cho rằng người chọn không kết hôn, không sinh con, hoặc kết hôn mà không sinh con là những “kẻ ích kỷ, chỉ biết nuông chiều bản thân”.
Chị Nga, cũng như nhiều bà mẹ, ông bố đơn thân khác trong nhóm những phụ huynh một mình nuôi con đều cho rằng, thời đại này, nuôi dạy một đứa trẻ là một hành trình vô cùng gian nan. Không chỉ cần vững vàng về kinh tế, cha mẹ còn cần có thời gian, có kiến thức và trải nghiệm để chia sẻ, định hướng cho con.
“Chỉ cần một chút chệch nhịp, một chút lơ là, những đứa trẻ đang tuổi lớn, đang tuổi định hình nhân cách sẽ rất dễ bị lôi cuốn, dụ dỗ bởi những kẻ xấu ngoài đường hay trên mạng xã hội. Chúng có thể phủi sạch mọi tình yêu thương, công sức bạn chăm bẵm chúng chỉ vì một vài lần bị trách mắng. Nhưng chúng lại dễ dàng tin tưởng người lạ chỉ bằng vài lần an ủi hay thỏa mãn nhu cầu nào đó của chúng.
Tôi và vợ ly hôn, con trai sống với mẹ. Tới khi cháu học lớp Sáu, cháu bướng bỉnh đến nỗi mẹ cháu bất lực, phải đưa cho tôi nuôi, dù trước đó mẹ cháu ra sức giành quyền nuôi con. Tôi phải mất 4-5 năm mới ổn định được tinh thần và cá tính của cháu.
Hành trình đó, người làm cha làm mẹ phải hy sinh rất nhiều, đặc biệt là hy sinh hạnh phúc, khao khát cá nhân… mới chu toàn được với con. Cho nên, nếu không thể hy sinh, không thể sống đúng chuẩn mực để làm gương cho con cái, đừng nghĩ đến chuyện sinh con” - anh Nguyễn Hiệp - một người cha đơn thân - cho biết.
Châu Mỹ