Đừng "dán nhãn" cho trẻ

08/04/2013 - 16:12

PNO - PN - Có lần dẫn con gái, bé My, năm tuổi qua hàng xóm chơi, lúc về ra đến cổng, chị Lan nghe trong nhà vọng ra: “Ủa, cái cột tóc mới đây đâu mất?”.

Bất giác quay sang con, thấy bím tóc My được buộc bởi một chiếc nơ lạ, chị Lan ngờ ngợ. Sau khi trả lại nơ cho hàng xóm, mới quay đi, chị ngỡ ngàng nghe tiếng hàng xóm thở dài: “Con nhỏ, mới bây lớn đã giống cha!”. Chị chột dạ… Lần khác sang chơi, về đến nhà chị Lan thêm phen hốt hoảng khi thấy trên tay My có cây bút chì. Con gái thanh minh nhặt ngoài sân, nhưng chị vẫn lật đật mang đi trả. Ai ngờ, trả xong chị được nghe “giáo huấn”: “Bồ coi dạy con bé, cái thói ăn cắp vặt này chắc “lây” từ anh ấy”. Nhìn My, cô hàng xóm tiếp: “Con không được trộm đồ người khác nữa nghe chưa, muốn đi tù như ba con à?”. My mếu máo: “Con không ăn cắp. Con thích cây viết chì tập vẽ”.

Một hôm, chị vô tình nghe My bị nhóm bạn trong khu trọ “tẩy chay”. Tiếng con gái người hàng xóm: “Đừng chơi với nó nữa, bữa nó ăn cắp cây viết chì của tao. Mẹ tao nói nó giống ba nó”. My ôm mặt khóc ròng, chạy vô nhà mách mẹ. Nhìn con, chị bỗng nhói lòng, xót xa. Chồng chị hiện đang thụ án một năm tù giam vì tội trộm cắp.

Dung

Mấy bữa nay, chiều nào Tiên, 11 tuổi cũng viện cớ học bài để khỏi phải ra chợ phụ mẹ coi quầy hàng. Lý do, Tiên ghét cái cách người xung quanh hễ thấy Tiên là gọi: “Ra giúp mẹ hả “đanh” con”, hoặc: “Đi đâu đó “đanh” con?”. Đơn giản, ở chợ, mẹ Tiên nổi tiếng là người đanh đá, chua ngoa. Khách lạ đến quầy của bà hiếm khi dám… mặc cả hoặc bỏ đi nếu chưa mua được hàng, vì thế nào cũng sẽ nghe: “Mở hàng kiểu gì vậy? Trả thêm một tiếng nữa đi, còn không thì hộp quẹt đây, đốt giùm cửa hàng tui luôn đi!”. Nếu khách kiên quyết đến quầy khác mua, bao giờ mẹ Tiên cũng liếc xéo: “Hàng nào giá nấy, mờ mắt nên không biết chọn!”. Bị phản ứng, mẹ Tiên nói trống không: “Tui chẳng nói ai, ai lọt tai thấy nhức đầu ráng chịu”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng cho rằng, trẻ lớn lên trong một môi trường, hoàn cảnh có người lớn phạm lỗi nghiêm trọng hoặc có lối sống, hành xử tiêu cực thì khi mắc lỗi, trẻ thường bị quy kết, “dán nhãn” là có sai lầm, tính cách giống người thân. Tuy nhiên, lỗi của trẻ, thực chất đơn giản chỉ do tính hiếu kỳ, tò mò, muốn sở hữu hoặc trong nhiều tình huống nhất định sẽ ứng xử bột phát, non nớt theo quán tính mà bất kỳ đứa trẻ nào đều có.

Không nên “dán nhãn” cho trẻ từ lầm lỗi của người thân, kiểu “cha nào con nấy”. Bởi ngoài yếu tố tác động đến tâm lý, cuộc sống của trẻ sau này như khép mình, mặc cảm, bị cộng đồng xa lánh, việc “dán nhãn” đôi khi còn gây cho trẻ cái nhìn không tốt, thậm chí thù hận người được cho là ảnh hưởng xấu đến mình. Theo thạc sĩ Linh, thay vì “dán nhãn”, người lớn nên khuyên bảo, khích lệ, phân tích, định hướng một cách tế nhị để trẻ nhìn thấy được cái sai của người thân, coi đó là bài học cần tránh.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI