Nhìn quanh thế hệ bạn bè tôi, tôi thấy chuyện ly hôn... hơi bị nhiều. Kết hôn vài năm kéo nhau ra tòa. Hỏi lý do thì chỉ một câu "không hợp nhau”.
Có trường hợp tôi nhận ra rằng, họ quyết định ly hôn rất hợp lý, và tôi nhìn lại quá khứ tự hỏi: "Sao ngày trước ông X, bà Y không ly hôn?", "Sao hồi xưa chị X không bỏ chồng cho sớm?".
|
Tuổi già được nương tựa nhau là ước nguyện của rất nhiều người - Ảnh minh hoạ |
Vâng, bám víu chịu đựng làm gì một ông chồng không biết lo cho gia đình, chỉ biết ăn rồi ngủ. Có những ông chồng sáng say chiều xỉn, về nhà đánh đập vợ con, người vợ chỉ biết cắn răng chịu đựng với suy nghĩ: "Tại kiếp trước “mắc nợ” ổng…".
Họ cam tâm tình nguyện... trả nợ kiếp trước. Ngược lại, cũng có trường hợp người chồng quần quật đi làm cung phụng cho cô vợ chỉ biết ăn diện, hội hè, tám chuyện hàng xóm. Nhưng họ vẫn sống với nhau trong khi nhiều người thắc mắc: "Sao cứ cố duy trì cuộc sống mệt mỏi?".
Khi đã không cùng suy nghĩ, tiếng nói và nhịp đập trái tim thì nên chia tay để giải thoát cho nhau hơn là chịu đựng nhau trong địa ngục trần gian.
Không ít trường hợp, vợ chồng chịu đựng nhau suốt mấy chục năm, tưởng đâu là chịu đựng nhau hết đời. Vậy mà lại kéo nhau ra tòa ở tuổi 60. Họ nói lúc trẻ ly hôn sợ khổ con cái. Giờ con cái lớn rồi, thành đạt rồi thì giải thoát cho nhau.
Tuy nhiên, con cháu có ba mẹ, ông bà ly hôn tuổi xế chiều ít nhiều cũng cảm thấy “xấu hổ” với mọi người.
Và có một điều đáng ngạc nhiên khi không ít cặp ly hôn tuổi 30, nhưng sau đó "gương vỡ lại lành" ở tuổi 65-70.
Sau khi ly hôn, mỗi người lập gia đình riêng. Rồi người sau chẳng may ra đi sớm, hoặc cũng không hợp nhau. Con cháu lớn cả rồi, chúng đều ra riêng, ít đứa nào chịu sống bên ba mẹ già hoặc ông bà. Thế là họ tái hợp.
Tôi có một cô bạn. Ba mẹ cô ly hôn khi ông bà đã qua tuổi 70. Cô vô cùng xấu hổ với bạn bè. Vậy mà chỉ vài tháng, người cha đang ở với con trai lại tìm về căn nhà xưa của hai vợ chồng để cùng bà ăn cơm.
Sống với con trai, những món ăn của con dâu không hợp khẩu vị. Con trai con dâu thường dẫn nhau ra ngoài ăn, rồi mua tạm cho ông tô phở ăn đỡ lòng. Những lúc gia đình con trai du lịch, ông ở nhà, tự nấu cơm, hâm thức ăn con dâu nấu sẵn trong tủ lạnh…
Khi đó, ông rất nhớ người vợ cũ. Ông cũng nhớ luôn những lời cằn nhằn của bà. Vậy là ông quay lại “mái nhà xưa”, nơi mà chỉ vài tháng trước ông “hiên ngang” tuyên bố “ra đi hai tay trắng” để được ở với con trai.
Cô bạn thời đại học của tôi ly hôn ở tuổi 60, khi đã lên chức bà ngoại, bà nội. Con trai định cư tại Nhật nên sau khi ly hôn, cô được con gái rước về phụng dưỡng. Bạn nói lẫy: "Ổng ở với ai thì kệ ổng, cho bỏ tật càm ràm". Bạn thổ lộ, vì hạnh phúc của hai con, bạn cố chịu đựng đợi 2 con khôn lớn rồi giải thoát mình.
Xa nhau được một tháng bỗng thấy ông-chồng-đã-ly-hôn sang nhà con gái với lý do thăm con. Rồi bạn tôi lại trở về nhà cũ với lý do mang cho “ổng” ít dưa muối, thứ ông rất thích ăn với cơm nguội buổi sáng.
Một ngày bạn bỗng đến than cùng tôi: "Sống với nhau hơn ba mươi năm, tui ám ảnh cái tính nói nhiều, hay càm ràm của ổng. Nhưng mỗi lúc gia đình con gái về bên nội, một mình ở nhà, tui thấy cô đơn khủng khiếp. Mỗi lần xem tivi, nhớ ổng thường rà đài tìm phim tình cảm Mỹ, Hàn cho tui. Lưng tui đau nhức, tui lại nhớ bàn tay ổng xoa bóp…
Chồng cũ của bạn, cũng là bạn đại học của tôi, than thở: "Tui ghét tính bả hay nhăn nhó, than thở. Nhưng vắng bả tui cũng rất buồn. Bịnh hoạn không ai hỏi tui thích ăn gì để nấu cho tui. Mỗi tối xem tivi một mình cũng rất chán. Sao sống bên nhau, chịu đựng nhau 30 năm, không tiếp tục bên nhau mà lại xa nhau lúc tui cần bả nhất?".
Và, một ngày chồng cũ qua nhà con gái rước bà về. Từ đó chẳng còn nghe bạn than phiền chồng và cũng chẳng nghe chồng bạn cằn nhằn vợ nữa. Họ sống những ngày còn lại êm đềm, vui vẻ dù tờ “chứng nhận kết hôn” đã xé từ lâu.
Nếu không hợp nhau thì hãy giải thoát cho nhau khi còn trẻ. Thế nhưng, đã chịu đựng nhau đến tuổi xế chiều mà còn chia tay thì đúng là tự đưa mình vào bi kịch tuổi già.
Bởi vì người ta chỉ cần nhau khi đã mệt mỏi với cuộc sống, với nỗi cô đơn và khi cần bàn tay đỡ nâng nhau. Dù con cái hiếu thảo đến đâu cũng không bằng vợ chồng già chăm nhau như câu ông bà xưa đúc kết: "Con chăm cha sao bằng bà chăm ông".
Vậy nên, đừng dại mà ly hôn khi tuổi đã xế chiều!
Nguyễn Ngọc Hà
(Q.12, TPHCM)
Đàn bà có nên ly hôn khi đã bước vào tuổi trung niên và hậu trung niên, thậm chí lão niên hay không?
Mời bạn tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ câu chuyện cùng diễn đàn "Có nên ly hôn khi đã xế chiều?".
Bài viết xin gửi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|