PNO - Chúng ta cúi đầu khi ngồi trước nhau, cúi đầu khi ăn cùng nhau một bữa cơm, đi cùng nhau một chuyến du lịch. Chúng ta đang mỗi ngày, cúi đầu trước cuộc sống của chính mình.
Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của ta là vơ vội điện thoại, bấm bấm lướt lướt. Đôi khi ta thở dài: “Sao toàn những tin tức khiến người ta xuống tinh thần”. Nhưng, như một cơn nghiện, dù biết những dòng tin kia bào mòn năng lượng và cảm xúc, ta cũng không thể đặt chiếc điện thoại xuống được. Ngày qua ngày, ta tiếp tục thở dài và bấm bấm lướt lướt...
Những con người “cúi đầu”
Nếu tổ chức một diễn đàn để những người tham gia được lên án mạng xã hội, có thể chúng ta sẽ nhận được rất nhiều câu chuyện về những đổ vỡ, khoảng trống vô hình trong chính bản thân và gia đình mình: mối quan hệ vợ chồng nhạt nhẽo, cha mẹ con cái cả ngày không có gì để nói với nhau. Cái điện thoại thông minh thật đấy, nhưng thông minh một cách vô hồn. Cả nhà đi ăn với nhau, nhưng đến nhà hàng thì mỗi người cúi gằm vào điện thoại là hình ảnh chẳng xa lạ gì. Bạn bè hẹn nhau, sau ít phút chụp hình chung thì lui về thế giới ảo, bỏ quên những câu thăm hỏi, quan tâm.
Không thiếu những bài viết về “vấn nạn ngón tay cái” và thế giới xoay quanh điện thoại, người ta hướng dẫn, viết sách, mời cả chuyên gia để nói về việc này. Và chính chúng ta là người trong cuộc. Chúng ta cho rằng mình rất tỉnh táo trước cơn lốc thông tin, luôn đứng ngoài mọi cuộc vui được bày biện sẵn trên Facebook, không kiểm tra email vào những ngày cuối tuần. Chúng ta chỉ tự lừa mình, thực tế, hầu hết đều ngoan ngoãn làm nô lệ cho điện thoại. Hình ảnh cúi đầu bên điện thoại không phải là của ai khác, mà chính là bạn, là tôi.
Cơn nghiện bào mòn quan hệ
Hầu hết chúng ta đều đang vướng phải cơn nghiện điện thoại dù nhiều khi không biết mình có nhu cầu gì. Các tiện ích hiện đại của điện thoại thông minh có những tác động kích thích tới các trung tâm hưng phấn trong não bộ con người theo một cơ chế không khác gì chất gây nghiện khiến chúng ta hình thành thói quen lệ thuộc. Chờ đón con không biết làm gì, lấy điện thoại ra. Đi khám bệnh chưa tới lượt, lại cầm điện thoại. Ngồi trong quán cà phê, nói vài câu với bạn rồi cũng mở điện thoại. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên trong ngày là lấy điện thoại, mở ra, bấm bấm, lướt lướt vài vòng rồi mới an tâm làm việc khác. Cứ như chỉ cần rời xa cái điện thoại, lập tức cuộc sống bị đảo lộn.
Chưa khi nào chúng ta tự hỏi có thể rời xa điện thoại được bao lâu, dù không ít lần than van sao mình dành nhiều thời gian cho nó đến thế, bỏ bê cả con cái, gia đình. Đã bao lần chúng ta đổ thừa vì công việc khi con gái thắc mắc: “mẹ làm gì mà cầm điện thoại lâu vậy”, rồi gắt con để sau đó lại dày vò ân hận, nhưng… đâu lại vào đấy. Một vòng xoáy, không lối thoát.
Liệu trình detox điện thoại
Hiện nay chưa có những chương trình cai nghiện điện thoại cụ thể. Có chăng chỉ là những liệu pháp phối hợp nằm trong các chương trình du lịch, kỹ năng... Đã đến lúc chúng ta cần tìm cho mình những phương pháp thực tế và hiệu quả để cùng nhau cai nghiện, những cơn nghiện vô hình.
Ảnh minh họa
Hoài Anh - Giám đốc công ty Phonix - kể về hành trình cai nghiện gian khó mà rất quyết tâm của cô. Những gì nghĩ ra được, Hoài Anh đều mang ra áp dụng. Đầu tiên, Hoài Anh quyết tâm không đăng nhập Facebook nữa, còn các ứng dụng khác vẫn mở. Được hai ngày, cô lại mở Facebook vì công việc buộc phải trả lời rất nhiều tin nhắn trên tài khoản này. Thế là thất bại.
Năm lần bảy lượt, Hoài Anh nói, cai nghiện chỉ dành cho người tự kỷ luật nghiêm ngặt với chính mình. Nhưng, đừng quá vội vàng, cũng đừng quá cự tuyệt mọi thứ. Đúng đắn nhất, theo Hoài Anh là tuân thủ thời gian biểu một cách tuyệt đối. Bây giờ, cô dành cho mình 1,5 giờ vào mạng mỗi ngày, đọc báo, trả lời tin nhắn Facebook, email và Zalo. Buổi sáng từ 7g30, trước khi vào việc chính. Trưa, lúc 11g và chiều, lúc 16g30.
Với bạn bè, Hoài Anh cũng thông báo luôn lịch của mình và không có ngoại lệ. Những lúc “ghiền” quá, đặc biệt lúc mọi người trong phòng xôn xao một chuyện gì đang “hot”, cô quyết tâm gắn tai nghe để nghe nhạc. Thay vì mải mê trên Facebook hay lang thang trên mạng, Hoài Anh đăng ký một khóa học Anh văn online, đến giờ là bật lên học. Khó khăn đấy, nhưng không phải là không thực hiện được.
Ảnh minh họa
Nghiện một cách… thông minh?
Nghe ngược đời, nhưng đây là liệu pháp detox đang được nhiều người áp dụng. Không thức khuya để lần theo các link liên kết; không đọc những tin tức câu “view”, tin tức tiêu cực; ít tương tác với mạng xã hội, hạn chế bình luận, like, share những thông tin, câu chuyện; làm chủ thời gian vào mạng của mình và tuyệt đối tuân thủ, không vi phạm; chỉ đọc những dòng tin vui vẻ, những bài viết tích cực, nghe nhạc và tham gia các diễn đàn, hội nhóm giúp đỡ nhau cùng hướng tới những điều vui vẻ, an lành. Chúng ta nghiện một cách thông minh để biết sắp xếp lại cuộc sống của mình, tạo cho mình tính kỷ luật, xác định một cách thiết thực rằng, chúng ta không dừng mọi thứ mà chỉ dùng vào những mục đích rõ ràng hơn mà thôi.
Hoài Anh chia sẻ, hai tháng kể từ ngày ít lên Facebook, cuộc sống của cả nhà cô chất lượng hơn hẳn. Mỗi sáng, cô có thời gian pha bình trà nóng, tưới hoa. Tối, cô có thời gian đọc sách cho con, bản thân cũng đọc được mấy chục trang sách. Hoài Anh cũng cương quyết buộc chồng cô rời điện thoại, để nói cười với con nhiều hơn, ra ngoài chơi nhiều hơn. Đặc biệt có nhiều khoảng không mà “nhìn vào mắt nhau” để vui sống mỗi ngày.
Vì hạnh phúc gia đình và của chính mình, chúng ta phải lập một liệu trình detox điện thoại, để sống và yêu thương nhau.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.